Phê bình chưa xứng với sáng tác

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để giải bài toán đội ngũ cho lý luận, phê bình văn nghệ, các chuyên gia cho rằng không thể trong một sớm một chiều mà cần những giải pháp dài hạn.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Khi tiếp tục đánh giá về thực trạng đội ngũ lý luận phê bình văn nghệ, các chuyên gia đều bày tỏ không ít trăn trở vì vẫn phải nhắc lại câu chuyện quá cũ: Thưa vắng, không đồng đều, thiếu hụt kế cận nên phê bình chưa xứng với sáng tác!

Hai mươi năm không thể mới

Điểm lại đội ngũ phê bình, chỉ có lĩnh vực văn học là khá đông đảo, có được sự tiếp nối một cách “lác đác” (Đỗ Lai Thúy, Khuất Bình Nguyên, Lê Hồ Quang…) còn ở các lĩnh vực khác như điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa… khá “vắng vẻ”.

Ví như, ở thế kỷ trước, mỗi bộ môn nghệ thuật đều đã từng có một đội ngũ phê bình: Nguyễn Ánh, Lưu Quang Vũ, Hồ Thi, Tất Thắng, Đức Côn, Nguyễn Thị Minh Thái, Phan Trọng Thưởng… (Sân khấu); Nguyễn Quân, Thái Bá Vân, Phan Cẩm Thượng… (Mỹ thuật); Trần Luân Kim, Ngô Phương Lan, Nguyễn Thị Nam, Phạm Viết Đào… (Điện ảnh); Vũ Huyến, Vũ Đức Tân… (Nhiếp ảnh)…

Song giờ đây, như cách nói của PGS.TS Phan Trọng Thưởng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thì “đội ngũ phê bình thực thụ trong hai - ba mươi năm gần đây đang mai một dần” và có những lĩnh vực “đốt đuốc tìm không ra”.

“Thực trạng đội ngũ phê bình hiện nay quá èo uột, không tương xứng với đội ngũ sáng tác, không đáp ứng yêu cầu của công chúng thưởng thức nghệ thuật. Căn bệnh này đã trở thành “trầm kha” trong đời sống văn học nước nhà. Ngay từ Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ nhất năm 2003, giới lý luận, phê bình đã lớn tiếng xác nhận thực trạng này…”, PGS.TS Phan Trọng Thưởng thẳng thắn đánh giá.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng nêu: Lực lượng những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật “vừa thiếu, vừa yếu, vừa bị hụt hẫng” thế hệ kế cận, như Hội Nhạc sĩ Việt Nam có hơn 1.450 hội viên nhưng chỉ có khoảng hơn 100 cây bút viết lý luận, phê bình...

Cũng theo ông Trịnh, lý luận, phê bình chưa đồng hành cùng sáng tác, chưa làm rõ chức năng hướng dẫn định hướng cho công chúng trong việc thưởng thức nghệ thuật.

Công tác phê bình thiếu những nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp, thiếu những bài viết kịp thời và sắc sảo trước những hiện tượng bức xúc mà xã hội và giới chuyên môn quan tâm.

Đội ngũ chuyên nghiệp chưa đủ mạnh, chưa sẵn sàng nhập cuộc, chưa đưa được những thước đo chuẩn mực, khách quan, khoa học, vô tư để đánh giá khen, chê.

Những biểu hiện chủ quan, cảm tính xuất hiện đâu đó trên các trang báo hằng ngày, nhiều vấn đề lớn về thẩm mỹ nghệ thuật, hướng dẫn thị hiếu cho công chúng chưa có lời giải đáp, chưa có tính thuyết phục về khoa học cũng như thực tiễn.

Từ đó, ông Trịnh cảnh báo về hậu quả: “Sản phẩm yếu kém chất lượng đã gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ. Có những biểu hiện đơn giản, một chiều, bám sát thời sự nhưng chưa nhuần nhuyễn về mặt nghệ thuật, sức rung động lòng người chưa cao.

Có những biểu hiện chạy theo thị hiếu nhất thời, nặng về chức năng giải trí, mang tính thương mại, lặp lại người khác, thậm chí lặp lại chính mình, dấu ấn cá nhân mờ nhạt. Có một bộ phận tiếp thu vội vã các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài mang nặng tính thời thượng, xa lạ với tình cảm và nhu cầu hưởng thụ, chân chính của công chúng”.

Khu gọn trong lĩnh vực điện ảnh, TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng đưa ra thực tế: Hai thập kỷ qua, điện ảnh Việt Nam có những bước phát triển rõ rệt, xã hội hóa hiệu quả, thị trường tăng nhanh, doanh thu ấn tượng…

Vậy nhưng, lý luận, phê bình điện ảnh thì gần như im hơi lặng tiếng, không đủ sức dẫn dắt dư luận, không có vai trò định hướng trước sự phát triển của thị trường điện ảnh và “dường như thị trường điện ảnh càng lên thì lý luận, phê bình càng đi xuống”!

Theo bà Lan, mỗi năm có đến bốn chục bộ phim truyện điện ảnh ra đời, mỗi lần phim ra rạp, nhất là phim “thương mại” - tưng bừng từ rạp chiếu phim đến mặt báo. Sự tưng bừng này không liên quan đến chất lượng mà chủ yếu phụ thuộc vào kinh phí nhiều hay ít của nhà sản xuất, phát hành phim, vào sự mạnh hay yếu của đội ngũ “PR”.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

“Đáng mừng cho những phim có chất lượng tương đồng với sự “PR” rầm rộ, tạo nên làn sóng khán giả và đem về doanh thu cho nhà sản xuất - phát hành. Nhưng cũng thật buồn bã và ê chề cho những phim yếu kém, ra rạp ồn ào, lập tức bị phản ứng vì “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Cũng có những bộ phim ra đời kéo theo dư luận ồn ào, trái chiều, người khen, kẻ chê, người tâng bốc kẻ hạ bệ… Điều đáng buồn nhất là chẳng mấy khi thấy ý kiến của các nhà phê bình, mà giá như có nhà phê bình nào lên tiếng thì có thể sẽ bị bủa vây, ném đá, làm sao có thể trụ vững được trong cơn lốc của dư luận, của “các anh hùng bàn phím”.

Vì vậy, sự yên ả và vắng bóng của lý luận, phê bình điện ảnh cũng là điều không mấy khó hiểu trong bối cảnh thị trường điện ảnh đang phát triển nóng và chưa có đủ sự tĩnh tâm, suy ngẫm”, bà Lan bày tỏ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống cũng băn khoăn khi đội ngũ này của lĩnh vực nhiếp ảnh cũng thiếu cây bút chuyên nghiệp, sắc sảo, tầm cỡ; số lượng thì ít ỏi so với lực lượng sáng tác.

“Với 1.060 hội viên nhưng người làm công tác lý luận, phê bình có thể đếm trên đầu ngón tay. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam hiện chỉ có 8 người được Hội chính thức phong tước hiệu là “nhà nghiên cứu lý luận, phê bình”, nhưng họ cũng chỉ làm tay ngang, còn lại một số người viết nghiệp dư, thỉnh thoảng “viết chơi” đôi bài góp một tiếng nói khác điệu…”, ông Minh dẫn chứng.

Cần được đối thoại và lắng nghe

Để giải bài toán đội ngũ cho lý luận, phê bình văn nghệ, các chuyên gia cho rằng không thể trong một sớm một chiều mà cần những giải pháp dài hạn như: Nâng cao trình độ chuyên môn về lý luận, phê bình; khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ này tham gia vào quá trình sáng tác; xây dựng và phát triển các hội, câu lạc bộ, tổ chức chuyên môn liên quan; thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin; tạo sân chơi, cuộc thi, giải thưởng; tăng cường liên kết giữa đội ngũ này với các tổ chức văn học, nghệ thuật; hỗ trợ tiếp cận tài liệu nghiên cứu mới nhất trên thế giới và khuyến khích tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật quốc tế…

Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường đối thoại và tôn trọng lắng nghe cũng là nhân tố cần thiết để thúc đẩy lý luận, phê bình phát triển. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cần xây dựng môi trường làm việc thoải mái, sáng tạo, tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng; thúc đẩy sự đa dạng trong đội ngũ qua việc tìm kiếm thành viên đến từ các ngành nghề, giáo dục và nền văn hóa khác nhau.

Đồng thời, tôn trọng ý kiến và đảm bảo mọi người được lắng nghe, đóng góp ý kiến của mình thông qua việc tạo ra một môi trường thoải mái, nơi mà mọi người có thể tự do đóng góp ý kiến, thảo luận và chia sẻ quan điểm “Đảm bảo rằng, tất cả các thành viên trong đội ngũ đều được tôn trọng và được lắng nghe ý kiến của mình.

Tránh các hành vi giảm giá trị hoặc xem nhẹ ý kiến của người khác. Cũng như thiết lập các quy tắc về cách thức giao tiếp và phê bình trong đội ngũ… Điều này sẽ giúp đội ngũ lý luận, phê bình phát triển ý tưởng mới và đóng góp vào sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng đồng tình với giải pháp cần tạo nên diễn đàn phê bình tranh luận dân chủ.

Đó là việc, để đội ngũ phê bình cũng như sáng tác văn học phát huy được tiềm năng sáng tạo cần phải từ bỏ cơ chế bao cấp tư tưởng, tạo được bầu không khí tự do, dân chủ, tôn trọng sự đa dạng trong phương pháp và phong cách sáng tạo nghệ thuật của nhà văn cũng của các nhà phê bình…

“Môi trường sống của phê bình văn nghệ là đối thoại, tranh luận để chân lý được sáng tỏ. Những tác phẩm dù viết về vấn đề “nhạy cảm” cũng cần được trao đổi một cách thẳng thắn, cởi mở.

Đối với những người tham gia quản lý văn nghệ cần phải hiểu được đặc trưng, bản chất, giá trị cốt lõi của văn nghệ, không được đồng nhất thế giới nghệ thuật và hiện thực đời sống.

Trước khi đi đến quyết định thu hồi hay cấm lưu hành một tác phẩm văn nghệ “có vấn đề” cần đưa ra thảo luận, trao đổi một cách công khai để bạn đọc biết được những mặt tiêu cực (nếu có) của tác phẩm.

Trong thời đại của công nghệ thông tin, sự cấm đoán thiếu minh bạch sẽ phản tác dụng bởi người đọc bị kích thích tính hiếu kỳ mà tìm đọc tác phẩm trên mạng xã hội”, PGS.TS Trần Khánh Thành đề nghị.

Ở lĩnh vực điện ảnh, TS Ngô Phương Lan cho rằng cần củng cố và phát triển đội ngũ gồm nhà lý luận, phê bình có tên tuổi và cây bút phê bình trẻ triển vọng thông qua các hoạt động điện ảnh, hội thảo học thuật, liên hoan phim, giải thưởng…

Cùng với đó, cần quan tâm đến việc xuất bản các cuốn sách lý luận và sách về nghề điện ảnh với sự tài trợ của Nhà nước. Các cơ quan có trách nhiệm cần tạo điều kiện (thủ tục, kinh phí, điều kiện hoạt động) cho các nhà lý luận, phê bình điện ảnh tham gia các hoạt động điện ảnh trong và ngoài nước…

“Hãy cho những người làm lý luận, phê bình điện ảnh một môi trường, không gian thực sự cùng những thiết yếu để họ có thể hành nghề lý luận, phê bình một cách chính đáng, chuyên nghiệp và nuôi dưỡng những say mê nghiên cứu của mình”, bà Lan tâm huyết đề xuất.

“Cần coi trọng hoạt động lý luận, phê bình và đội ngũ này một cách đồng bộ từ các cấp lãnh đạo đến các trường, viện, hội nghề nghiệp, tòa soạn báo… Điều quan trọng nhất là phải tạo được sự hào hứng và yên tâm cho người viết phê bình, để họ không quá lo lắng mưu sinh, không bị áp lực của sự cô đơn, lẻ loi trước những cơn bão dư luận hoặc những cuộc “đánh hội đồng” khi người viết lên tiếng bảo vệ “chuẩn giá trị”! Chỉ khi người viết lý luận, phê bình không “bị bỏ quên” thì mới có thể đánh thức lý luận, phê bình điện ảnh khỏi sự “ngủ quên”!”. TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ