Phê bình văn học trẻ: Cung chưa đủ cầu?

Phê bình văn học trẻ: Cung chưa đủ cầu?

(GD&TĐ) - Đành rằng người phê bình có công việc của mình, việc chọn cho mình đối tượng nghiên cứu là quyền của họ, thế nhưng việc bám sát đời sống văn học, có tiếng nói trước những chuyển động văn học đương thời cũng là một trách nhiệm đặt ra cho nhà phê bình. Vì vậy cũng dễ hiểu khi ở nhiều người đọc, người viết đặt ra vấn đề : nhà phê bình trẻ để đi cùng người sáng tác trẻ.

 
Trong dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà phê bình văn học Hoài Thanh diễn ra cách đây ít lâu, một người viết sau khi chăm chú quan sát buổi lễ trang trọng và ấm cúng đã đưa ra nhận xét của mình: Các nhà văn nhà thơ giai đoạn 30- 45 của thế kỉ trước quả là may mắn khi có được người phê bình đồng hành của mình. Những giai đoạn văn học sau này thật quá hiếm, quá khó tìm được  những nhà phê bình đồng lứa, đồng hành hiểu được tâm tư suy nghĩ, đọc được tư tưởng, ý đồ sáng tác của các nhà văn đương thời, và trở thành nhà phê bình cho một thế hệ văn học như Hoài Thanh đã làm được một cách xuất sắc với văn học 30- 45.

Một dạo người ta nói nhiều đến ý cho rằng phê bình là cái roi quất cho con ngựa (sáng tác) chạy lồng lên. Ngẫm cho cùng thì con ngựa và cái roi sao có thể “nói chuyện” được với nhau. Có người đã coi đây là minh chứng điển hình giúp lý giải tình trạng phê bình và sáng tác cũng mạnh ai nấy làm. Tác phẩm mới ra mắt, gây tranh cãi nảy lửa, người đọc cần nghe những nhận xét, đánh giá của giới phê bình thế nhưng nhiều nhà phê bình thì vẫn mải mê với Xuân Diệu, Huy Cận hay Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Khi được hỏi đến những tác phẩm văn học đang gây tranh cãi trên văn đài, có nhà phê bình ậm ờ trả lời đại ý “cũng có nghe nhưng chưa đọc”!

Đành rằng người phê bình có công việc của mình, việc chọn cho mình đối tượng nghiên cứu là quyền của họ, thế nhưng việc bám sát đời sống văn học, có tiếng nói trước những chuyển động văn học đương thời cũng là một trách nhiệm đặt ra cho nhà phê bình. Vì vậy cũng dễ hiểu khi ở nhiều người đọc, người viết đặt ra vấn đề : nhà phê bình trẻ để đi cùng người sáng tác trẻ. Tất nhiên danh xưng “trẻ” ở đây cũng chỉ như một dạng quy ước, một cách gọi mang tính phân định tương đối - còn đương nhiên khi bàn đến tác phẩm thì chỉ có tồn tại một thứ duy nhất: đó là chất lượng của tác phẩm đó mà thôi.

Bàn đến chủ đề “nhà phê bình đồng hành” - xin điểm lại một số sự kiện văn học đã diễn ra: Trước khi tiến hành Hội nghị các cây bút trẻ toàn quốc năm 2001, ban Nhà văn trẻ cố gắng lục lọi hết các loại báo, tạp chí để tìm tác giả phê bình văn học trẻ đi dự Hội nghị. Tuy nhiên, sau khi đọc hàng ngàn bài điểm sách nho nhỏ trên báo, họ cũng uổng công vì không thấy dấu vết của các nhà phê bình trẻ. Cuối cùng, trong số hai trăm cây bút trẻ dự hội nghị thì chỉ có năm cây bút phê bình. Trong số năm người đó, một người quá tuổi 35, tuổi quy định của Hội nghị, một người do vừa viết “một” bài chê thơ của một cây bút thơ nữ trẻ, một người viết điểm sách... hai người còn lại dường như là cũng viết phê bình gì đấy (!)...

Khi hai cuốn “Văn chương 8X” và “Vũ điệu thân gầy” ra mắt, tìm khắp chốn cùng mới chỉ có vài ba gương mặt các nhà phê bình quan tâm đến cuốn sách nói riêng và  vấn đề văn chương 8X nói chung. Còn lại là những sinh viên khoa Lý luận phê bình sáng tác, non trẻ và phê bình giống như những sinh viên thực tập, đầy nhiệt huyết nhưng thiếu tay nghề. Do đó cũng dễ hiểu khi  trong buổi tọa đàm này nhà văn trẻ Phạm Hoàng Giang đã phải thốt lên: “Các bạn không hiểu chúng tôi. Điều chúng tôi cần là một thái độ khen chê rõ ràng, các bạn nói chung chung quá”.

Những cây bút phê bình trẻ xuất hiện từ khoa Văn của các trường Đại học, các lớp bồi dưỡng viết văn vừa thưa thớt, vừa non nớt. Thỉnh thoảng trên văn đàn lại xuất hiện một cái tên lạ hoắc viết phê bình. Những người này viết phê bình có tính “lãng tử” hơn là xác định phê bình như một nghề nghiệp của mình. Vì vậy bàn chuyện “đội hình, đội ngũ” các nhà phê bình đồng hành với những người viết trẻ vẫn chỉ là chuyện… viển vông!
Có ý kiến cho rằng để đời sống văn học trẻ luôn luôn giữ được ngọn lửa nhiệt tình thì chất xúc tác của nó chính là các nhà phê bình trẻ. Các nhà văn rất dễ hưng phấn khi có một nhà phê bình cùng lứa hiểu nổi mình. Tuy nhiên thật khó để kể ra một nhà phê bình trẻ lại có được lòng tin như thế từ các bạn văn.

 
Nhu cầu về lực lượng phê bình văn học trẻ chuyên nghiệp hiện nay tuy là điều khó thực hiện nhưng không khó đến mức không thể làm được. Theo nhà báo Hoàng Hoài Trinh: Nếu đăng các tác phẩm phê bình văn học trên diện rộng của các phương tiện truyền thông đại chúng là chúng ta đã tạo ra cho nghiên cứu - phê bình văn học "mảnh đất" sinh tồn của nó. Nhà báo này cũng cho rằng nếu người viết phê bình văn học trẻ thật sự tâm huyết và yêu nghề, nếu chúng ta quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của người viết thì sẽ thu hút được nhiều nhà phê bình văn học trẻ. Và nếu trên hệ thống báo chí xuất hiện những bài nghiên cứu - phê bình có chất lượng thì chắc chắn sẽ thu hút bạn đọc.

Nhà phê bình Hoài Nam bày tỏ: Chuyện sẽ chẳng là gì cả nếu chúng ta coi phê bình văn học là thứ có cũng được mà không có cũng xong.Nhưng nếu chúng ta chấp nhận với nhau rằng phê bình văn học là sự tự nhận thức của văn học, rằng đó là mặt thứ hai không thể tách rời của một tiến trình văn chương, thì rõ ràng sự “hụt hơi” về lực lượng của phê bình văn học Việt Nam hiện nay là điều cần phải được cắt nghĩa.

Nhà phê bình Hoài Nam cũng đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng “hụt hơi” này. Theo anh, nhìn ở diện rộng, người trẻ tuổi ngày hôm qua. Mặt bằng học vấn của họ có thể cao hơn thế hệ cha anh họ, nhưng tình yêu với văn chương, cái tinh thần ham đọc, sự háo hức của họ khi đi tìm sách hoặc sự vồ vập của họ trước cuốn sách đang cầm trên tay thì rõ ràng đã “tụt thê thảm so với trước .Bên cạnh đó một nguyên nhân của tình trạng hụt hơi về lực lượng phê bình  không thể không kể đến tình trạng nghiệp dư của hoạt động phê bình văn học. Nếu hiểu khái niệm “chuyên nghiệp” theo nghĩa chật hẹp là “một nghề có thể giúp người ta sống được bằng việc thực hành chính cái nghề ấy”, thì rõ ràng ở Việt Nam chưa bao giờ có nhà phê bình văn học chuyên nghiệp. Nhưng, nếu những nhà phê bình văn học thế hệ trước có nhiều thời gian (ngoài công việc chính) dành cho việc viết phê bình hơn, thì những người trẻ tuổi có tiềm năng trở thành nhà phê bình văn học hôm nay lại rất eo hẹp về thời gian. Đúng hơn là đã có một sự khác đi về giá trị thực tế của thời gian trong đời sống.Thế hệ trước (khi họ còn trẻ) hầu hết đều yên tâm sống với đồng lương công chức chẳng lấy gì làm dư dả của mình, thời gian (ngoài công việc chính) của họ, về cơ bản là thời gian chết, nếu xét từ quan điểm sinh lợi. Còn với thế hệ trẻ hôm nay, gần như toàn bộ thời gian của họ đã được huy động vào những công việc phục vụ trực tiếp cho các nhu cầu đời sống. Những người trẻ hôm nay viết phê bình văn học có thể phải được xem như một sự hy sinh thời gian. Đã là hy sinh thì chẳng mấy ai sẵn sàng, mà ngay cả những người có thể hy sinh thì chẳng mấy ai sẵn sàng.

Về vấn đề này, nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình chia sẻ: Có người nói trận địa phê bình văn học đang hoàn toàn bị bỏ trống, thậm chí đang vỡ trận.Tôi cho rằng không phải vậy, dù rằng mấy năm lại đây phê bình văn học có phần tẻ nhạt, nhiều nhà phê bình “chính hiệu” đã quay lưng lại với văn chương đương đại, im lặng hoặc chuyển nghề “quét với kẻ biển”, tô tượng nghĩa là trang điểm cho những tác phẩm những tác giả cổ điển mà trên thực tế không cần son phấn thêm nữa cũng đã đẹp rồi - như cách nói của nhà thơ Trần Đăng Khoa mới đây.Nói phê bình bị bỏ trống, bị vỡ trận thì vô tình chúng ta đã phủ nhận công sức của những nhà phê bình, những tờ báo đã phát hiện, đã quảng bá những hiện tượng văn học như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc … rồi Cánh đồng bất tận của cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Tư; và nói như vậy cũng là không công bằng với cố gắng của những cây bút phê bình văn học trẻ mà cá nhân tôi rất trân trọng như: Nguyễn Thanh Sơn, Lê Huy Bắc, Phạm Xuân Thạch, Hoài Nam, Nguyễn Hòa, Nguyễn Thanh Tú… Tôi nói, bảo phê bình văn học gần đây là bị bỏ trống hoàn toàn; thậm chí đang vỡ trận là chưa đúng thêm nữa nó còn làm mất nhuệ khí của giới phê bình, đặc biệt là những cây bút phê bình trẻ - những đứa “con cầu tự”, hiếm muộn của văn học Việt Nam hôm nay.

Rõ ràng nhu cầu về một lực lượng phê bình văn học trẻ đồng hành với sáng tác là điều cần thiết và ngày càng trở nên cấp bách. Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có những đội hình đội ngũ các nhà phê bình 7X, 8X thật sự hung hậu;  mà hiện nay đã le lói thêm một số tên tuổi mới như Đoàn Minh Tâm, Trần Thiện Khanh, Đoàn Ánh Dương…

 Nguồn: Phong Điệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ