Đầu thế kỷ XX, Miến Điện là thuộc địa của Anh. Ngày 2/3/1901, các phật tử ở Rangoon (Yangon ngày nay) tổ chức Lễ hội Trăng tròn quan trọng nhất hằng năm tại chùa Vàng.
Quan viên Anh nghênh ngang đi giày bước vào khu vực lễ đài cấm giày dép. Không ngờ, người đứng lên “mời” y bước ra ngoài lại là U Dhammaloka, nhà sư da trắng xuất thân từ Ireland, châu Âu.
Trung tâm chiến luận
Dhammaloka sinh năm 1856 tại Booterstown (County Dublin), tên khai sinh là Laurence Carroll. Nửa cuối thế kỷ XIX, Ireland vừa mới trải qua nạn đói thảm khốc năm 1845 - 1849 giết chết 1 triệu người.
Chỉ trong thập niên 1850, hòn đảo lớn thứ 3 châu Âu này mất mát 1 triệu dân số vì di cư. Thập kỷ tiếp theo, điều này tiếp tục diễn ra trầm trọng hơn nữa, khiến dân số đang ở mức 6 triệu người giảm xuống chỉ còn 4 triệu. Trong số những người bỏ quê lần này, có cậu bé Carroll mới 13 tuổi.
Điểm đến đầu tiên của Carroll là Liverpool (Anh). Sau thời gian ngắn làm việc trong khoang chứa đồ ăn trên một con tàu ở đây, Carroll chuyển cư tới Mỹ, làm việc trên tàu chở hàng xuôi ngược bờ biển phía Đông.
Chưa thành niên, cậu đã là hobo (công nhân nhập cư) và tiếp tục chuyển cư đến phía Tây, làm việc trên nhiều con tàu ở Chicago, Montana, cuối cùng nương theo sông Sacramento đến San Francisco.
Thời gian làm hobo khắp Anh, Mỹ, Carroll tiếp xúc với nhiều người, thấu hiểu nỗi khổ của “kẻ làm thuê cho vạn chủ” và thấy tận mắt sự phân biệt chủng tộc nên thậm ghét chủ nghĩa thực dân.
Sau khi rời San Francisco, Carroll lên thuyền xuyên Thái Bình Dương đến Yokohama, Nhật Bản, cuối cùng cập bờ Rangoon, Miến Điện (Myanmar ngày nay). Năm 1900, ở tuổi 44, trong một buổi lễ Phật giáo lớn, ông xuống tóc xuất gia dưới sự chứng kiến của 100 nhà sư và 200 phật tử, lấy pháp danh U Dhammaloka.
Sau 3 cuộc chiến tranh Anh - Miến (1823 - 1826, 1852 - 1853 và 1885 - 1887), Miến Điện trở thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh. Văn hóa Miến Điện coi trọng sự thanh sạch, xem giày dép đi dưới chân là vật bẩn và không mang vào trong nhà. Ở các không gian linh thiêng, việc để giày dép bên ngoài là chuyện đương nhiên. Trước khi bước vào khuôn viên của chùa Vàng, ai cũng phải tháo giày dép, để ở bên ngoài.
Ngược lại, thực dân Anh không có thói quen bỏ giày dép bên ngoài và cũng không tôn trọng văn hóa nước thuộc địa. Ngày 2/3/1901, viên cảnh sát người Anh gốc Ấn đại diện của chính quyền thuộc địa đã bước vào khu vực lễ đài chùa Vàng với giày dưới chân.
Giữa đám đông đang xôn xao giận dữ, Dhammaloka bước ra, yêu cầu người này rời khỏi. Hành động của ông khiến mọi người nhiệt liệt tung hô và báo chí đưa tin rầm rộ.
Trong tư cách “nước mẹ”, thực dân Anh không thể trắng trợn ép buộc người Miến Điện cải từ đạo Phật sang đạo Thiên Chúa. Vì thế, một mặt, họ nỗ lực xây dựng nhà thờ và trường dòng, tham vọng lấy truyền giáo và giáo dục chuyển đổi toàn dân nước thuộc địa. Mặt khác, họ giả vờ tự do tôn giáo, cho phép người dân Miến Điện tùy chọn tín ngưỡng.
Bằng việc lên án hành vi đi giày của quan chức Anh trong khu vực tế lễ của chùa Vàng, Dhammaloka lật tẩy thái độ giả tạo của thực dân Anh, chỉ ra bản chất thiếu tôn trọng.
Với khả năng thuyết giảng và viết lách đỉnh cao, ông biến các nơi công cộng và tòa soạn thành chiến trường, công kích chủ nghĩa thực dân và khơi mào cuộc chiến luận gây tác động lên toàn thế giới.
Góc phía Đông của chùa Vàng, ảnh chụp năm 1907, cho thấy mọi người đều bỏ dép, đi chân không. Ảnh: Philip Adolphe Klier, Lưu trữ quốc gia Vương quốc Anh |
Chấn hưng Phật giáo
Trước các cáo buộc và chỉ trích của Dhammaloka, chính quyền thuộc địa bằng mọi cách biện hộ. Thất bại, họ quay ra vu khống Dhammaloka cố ý nổi loạn, đòi bắt giam. Các nhà sư Miến Điện đồng lòng đứng lên, bảo vệ “phật tử mắt xanh”, khiến chính quyền thuộc địa không thể bắt giữ ông.
Năm 1902, Dhammaloka tổ chức chuyến đi thuyết giảng khắp Miến Điện, thu hút các đám đông lớn tập trung lắng nghe. Ông luôn công kích chính sách truyền giáo của thực dân Anh bằng câu mỉa mai cửa miệng: “Kinh thánh, chai rượu whisky và khẩu súng gatling”.
Sau Miến Điện, Dhammaloka thực hiện chuyến thuyết giảng xuyên châu Á. Ông tới Nhật Bản, tham dự lễ ra mắt Hiệp hội Phật giáo Nam thanh niên quốc gia của Đại học Phật giáo Takanawa, Tokyo; sang Xiêm La (Thái Lan ngày nay), thành lập trường học miễn phí tại Bangkok. Chưa hết, Dhammaloka còn đưa phật tử ở châu Âu đến Miến Điện xuất gia, thành lập Hiệp hội Truyền bá Phật giáo…
Năm 1909, Dhammaloka tới Ceylon, Sri Lanka. Chuyến đi của ông được cả thế giới quan tâm, theo dõi. Năm 1910, chính quyền thuộc địa Miến Điện bắt giữ Dhammaloka với tội danh phản loạn.
Những người ủng hộ ông đã xuống đường biểu tình, hình thành đám đông vô phương khống chế. Thực dân Anh buộc phải xuống nước, chỉ phạt ông 12 tháng tù giam. Ngay sau khi hết hạn tù, Dhammaloka lên đường đến Úc, sau đó quay lại Singapore, Xiêm La và sang Campuchia.
Suốt 14 năm kể từ khi đứng ra đòi thực dân Anh tôn trọng lễ nghĩa Phật giáo, Dhammaloka đấu tranh chấn hưng đạo Phật không mệt mỏi. Chủ trương của ông là tuân thủ Luật Tạng, bình đẳng sắc tộc và phá bỏ giai cấp. Mục tiêu của ông là liên kết các cộng đồng Phật giáo khắp nơi, đưa đạo Phật lên thành tôn giáo toàn cầu.
Cựu Tổng thống Barack Obama (Mỹ) đi chân không khi vào thăm chùa Vàng. Ảnh: Carolyn Kaster, AP |
Với tham vọng to lớn, Dhammaloka ngày càng cực đoan, độc tôn Phật giáo và công kích Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, Thế chiến I (1914 – 1918) đã nổ ra, khiến nỗ lực của ông bị cắt ngang. Truyền thông toàn cầu bị cuốn vào các tin tức chiến tranh, nhanh chóng lãng quên Dhammaloka. Không ai biết ông đã ở đâu, làm gì, qua đời lúc nào.
Sau Thế chiến I, các quốc gia ở châu Á bước vào thời đại đấu tranh vì độc lập dân tộc. Đảng cộng sản các nơi đều đề cao chủ nghĩa duy vật, hướng tới tương lai tự do tư duy.
Mặc dù không thể độc tôn Phật giáo, nhưng Dhammaloka đã thành công chấn hưng đạo Phật ở Miến Điện và khiến tục lệ để giày dép bên ngoài khu vực tế lễ được cả thế giới biết đến. Năm 2012, khi đến thăm chùa Vàng, Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc bấy giờ là ông Barack Obama đã bỏ giày, đi chân không như tất cả mọi người.