Ngành y dược cổ truyền tuy lâu đời nhưng còn mỏng.
Theo thống kê của Cục quản lý y dược cổ truyền, tính đến năm 2017, cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền, 92% các bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền, 85% trạm y tế tuyến xã có tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Bên cạnh đó có gần 19 nghìn phòng chẩn trị và trung tâm thừa kế đông y của tư nhân.
Mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 60-70 nghìn tấn dược liệu. Tuy nhiên, 90% dược liệu, nguyên liệu nước ta phải nhập khẩu. Một vấn đề khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y dược học cổ truyền đau đầu là việc sản xuất dược liệu trong nước mới chỉ đáp ứng chưa đến 10% trong khi nguồn dược liệu vô cùng phong phú.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết nguồn dược liệu đa dạng, phong phú, các bác sĩ trong lĩnh vực y dược cổ truyền còn mỏng. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh cho rằng để phát triển ngành y dược cổ truyền lâu đời chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm công cụ đo lường.
Đặc biệt, trong lĩnh vực dược liệu phải chuẩn hoá thuật ngữ của y học cổ truyền làm cơ sở đánh giá khi triển khai nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng, giữ được tính đặc thù trong y học cổ truyền, đáp ứng với hội nhập quốc tế.
Kế thừa, phát huy, phát triển y dược cổ truyền Việt Nam
Ngày 30/10 tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Cục quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo khoa học y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất. Theo đó, hội thảo đã nhận được 81 báo cáo tham luận trong đó có 26 báo cáo kết quả nghiên cứu về lâm sàng, 15 báo cáo kết quả trong nghiên cứu điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc, 12 báo cáo kết quả nghiên cứu thực nghiệm, 10 báo cáo kết quả nghiên cứu bào chế, nghiên cứu về dược liệu và 18 báo cáo về kết quả nghiên cứu về chính sách, khảo sát, nghiên cứu lý luận.
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh chia sẻ, hiện nay vấn đề y học cổ truyền có nhiều thông tin không đúng sự thật đôi khi còn có hại cho người bệnh. Để phát triển y học cổ truyền, ngoài công tác kế thừa phải có những nghiên cứu khoa học để đánh giá, minh chứng khoa học đích thực, đem đến cho người dân sự tin cậy.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà sản xuất lĩnh vực y dược cổ truyền chia sẻ về các nghiên cứu khoa học trên các sản phẩm được sản xuất từ dược liệu Việt Nam phù hợp với cơ địa, bệnh lý người Việt Nam. Nhiều sản phẩm đã có kết quả hỗ trợ điều trị rất tốt với những bệnh lý mãn tính. Một số nghiên cứu bước đầu được chú ý như nghiên cứu thuốc khớp NK điều trị viêm khớp dạng thấp tiến triển, đánh giá độc tính và tác dụng của viên nén an thần – TN trên động vật thực nghiệm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận tìm giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm công cụ đo lường. Đặc biệt trong lĩnh vực dược liệu, chuẩn hoá thuật ngữ của y học cổ truyền làm cơ sở đánh giá khi triển khai nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng, giữ được tính đặc thù trong y học cổ truyền. Trong đó chú trọng tất cả các khâu trong nghiên cứu từ chứng minh tác dụng trên thực nghiệm, trên lâm sàng đến đánh giá an toàn, hiệu quả của sản phẩm trong ứng dụng thực tiễn.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra một số hoạt động tổ chức trưng bày sản phẩm từ y dược cổ truyền và các hoạt động nhằm tăng cường giao lưu và gắn kết trong quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền. Sau cuộc hội thảo, Cục quản lý y dược cổ truyền đang tiến hành tổng kết và đánh giá đề tài, nghiên cứu khoa học có giá trị đích thực để phổ biến cho cộng đồng, cho các bệnh viện. Từ đó, chúng ta sẽ tận dụng các kết quả nghiên cứu này vào cuộc sống, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.