Phát triển phẩm chất, năng lực qua môn Tiếng Việt

GD&TĐ - Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thành công nhất thiết phải đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Phát triển phẩm chất, năng lực qua môn Tiếng Việt

Vậy nên việc áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực vào từng môn học, trong đó có môn Tiếng Việt là hết sức cần thiết.

Trong phạm vi bài viết, tôi xin đề xuất một số cách nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh qua dạy học môn Tiếng Việt lớp 5.

Dạy cách học cho học sinh

Ở lớp 5 là lớp cuối bậc tiểu học, để các em không còn bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới ở lớp 6, đòi hỏi mỗi giáo viên tạo nhiều cơ hội cho học sinh tham gia vào quá trình học tập.

Hơn nữa, tập cho học sinh có động thái chủ động trong việc tương tác tài liệu, chủ động học cá nhân và tham gia hoạt động nhóm một cách tích cực có hiệu quả.

Môn Tiếng Việt góp phần hình thành, phát triển năng lực gồm các năng lực chung (Giao tiếp và hợp tác; tự chủ và tự học; giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực đặc thù (Năng lực ngôn ngữ, Năng lực văn học) và phát triển 5 phẩm chất (Yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, chăm chỉ).

Khi dạy đọc hiểu sâu văn bản, trên cơ sở những dẫn dắt của giáo viên, học sinh có thể đưa ra những quan điểm riêng đồng thời có cách nhìn nhận về tác phẩm, về cuộc sống theo cách riêng của mình.

Cũng từ việc hiểu giá trị của tác phẩm, học sinh biết cách tự điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình một cách phù hợp.

Ví dụ khi cho học sinh đọc xong câu chuyện, giáo viên muốn các em tóm tắt, kể lại câu chuyện hiệu quả, giáo viên có thể có những câu hỏi như: Em hãy nói cho cô và các bạn nghe chuyện gì đã xảy ra ở phần đầu câu chuyện? Sau đó nhân vật đã làm gì? Diễn biến của câu chuyện ra sao? Kết thúc câu chuyện thế nào?... Các câu trả lời các em dùng lời văn của mình để trả lời tránh để các em lặp nguyên văn nội dung (câu thoại, lời dẫn).

Khi dạy Tập đọc: Giáo viên khai thác thêm phần nghệ thuật (so sánh, nhân hóa, điệp từ, điệp ngữ), chủ đề, đặc điểm nhân vật, ý nghĩa của câu chuyện, thể hiện thái độ, tình cảm với nhân vật, bộc lộ cảm xúc với những câu thơ hay, hình ảnh đẹp,...).

Khi dạy các bài trong môn Tiếng Việt 5 ngoài các câu hỏi trong sách giáo khoa được coi như phần cứng. Giáo viên cần đặt câu hỏi hướng mở để giúp học sinh hiểu sâu, kích thích việc đào sâu nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Giáo viên chủ động, linh hoạt điều chỉnh nội dung phù hợp với đối tượng học sinh, minh họa một số bài có thể điều chỉnh như sau: (xem bảng bên dưới)

Phát triển phẩm chất, năng lực qua môn Tiếng Việt ảnh 1

Làm quen với dạng đề mở

Phát triển phẩm chất, năng lực qua môn Tiếng Việt ảnh 2
Dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong nhà trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng và có tính thiết thực. Giáo viên có vai trò quan trọng trong việc nêu vấn đề, giao nhiệm vụ, tổ chức cho học sinh làm việc, trao đổi, chủ động tham gia kiến tạo nội dung kiến thức, vận dụng tri thức vào cuộc sống và hình thành phương pháp tự học và có thể học suốt đời. 

Trong ra đề kiểm tra cần đổi mới cách ra câu hỏi bài tập, một câu hỏi/bài tập đảm bảo 3 phần (phần dẫn, phần câu hỏi, phần đáp án). Cần đổi mới ra phần dẫn, phần này phải sinh động, gắn liền thực tiễn, gần gũi trong đời sống sản xuất và sinh hoạt. Thông qua phần dẫn để học sinh tư duy giải quyết vấn đề bằng vốn tri thức cơ bản đã được học trong chương trình.

Đây chính là cơ sở để đo phẩm chất và năng lực đồng thời tự mỗi học sinh phải thay đổi cách học. Chẳng hạn cách ra đề với phân môn Tập làm văn, giáo viên ra đề theo hướng mở như sau:

Đề 1: Em đã được ngắm nhìn thành phố vào một thời điểm nào đó trong ngày (buổi sáng sớm khi những giọt sương long lanh còn biếng lười nằm nghiêng trên phiến lá, buổi trưa khi tiếng ve râm ran gọi hè sau tán cây phượng vĩ, buổi tối khi thành phố chìm trong muôn ngàn ánh điện lung linh). Hãy chọn một thời điểm trong ngày và miêu tả lại quang cảnh thành phố khi ấy.

Đề 2: Ở trường em có rất nhiều người bạn cùng thi đua nhau học tập tiến bộ, cùng nhau thực hiện tốt 5K để vượt qua đại dịch Covid-19. Em hãy tả lại một người bạn thân nhất của em.

Đề 3: Trong những ngày dịch Covid-19 diễn ra, chúng ta tạm xa thầy cô, bạn bè, xa mái trường thân yêu nhưng chúng ta tập làm quen với một cuộc sống mới với những tiết học trực tuyến còn nhiều bỡ ngỡ. Hãy kể lại sự thay đổi với cuộc sống của em trong những ngày nghỉ chống dịch vừa qua.

Đề 4: Xung quanh em, mỗi người đều đang bận rộn với công việc của mình (chú thợ xây đang xây nhà, bác nông dân đang cày ruộng, cô lao công đang quét dọn đường phố,...). Em hãy miêu tả một cô (chú, bác) đang làm việc.

Đề 5: Hãy viết về một điều mà em muốn bố mẹ thay đổi (học sinh có thể viết thơ, kịch, truyện ngắn, nhật kí, viết thư,...).

Đề 6: Hãy tưởng tượng em là người trong tương lai, em sẽ làm gì cho đất nước tươi đẹp hơn (có thể viết thơ, kịch, truyện ngắn, nhật kí, viết thư, …).

Đề 7: Xung quanh chúng ta có bao nhiêu điều tốt đẹp của sự sống (những cánh rừng xanh bạt ngàn bất tận, những dòng sông xanh với rất nhiều tôm cá,..). Nếu như ai đó vô ý thức, hủy diệt, làm ô nhiễm nguồn nước. Em hãy viết một bức thư kêu cứu gửi loài người, bày tỏ sự phẫn nộ trước những hành động phá hoại ấy, kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống.

Giáo viên đổi mới cách lập kế hoạch bài học

Phát triển phẩm chất, năng lực qua môn Tiếng Việt ảnh 3

*Xác định mục tiêu bài học: Mục tiêu bài học là mục tiêu học sinh cần đạt được. Do đó, khi viết phải rõ chủ thể đạt được mục tiêu là học sinh. Nên mở đầu mỗi mục tiêu bằng một động từ. (Ví dụ: Biết, hiểu, nhớ, vận dụng,…). Mục tiêu đưa ra phải rõ ràng, cụ thể.

- Mục tiêu cần chỉ rõ những yêu cầu cụ thể của mục tiêu đặc thù môn học, yêu cầu về năng lực chung, năng lực riêng, phẩm chất được hình thành. Cụ thể:

- Năng lực đặc thù: Đọc kĩ nội dung yêu cầu ở kiến thức, kĩ năng ở mỗi bài học để xác định đúng năng lực đặc thù.

- Năng lực chung: Dựa vào phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để xác định năng lực chung.

- Phẩm chất: Dựa vào nội dung dạy học, tư tưởng, chủ đề của bài học cụ thể để lựa chọn những biểu hiện cụ thể của 5 phẩm chất.

* Phân tích nội dung bài học: Theo cấu trúc: Khởi động, khám phá, luyện tập, vận dụng.

* Thiết kế các hoạt động học tập

- Mỗi hoạt động cần có: Tên hoạt động; Mục tiêu; Cách tổ chức (Phương pháp, hình thức, kĩ thuật dạy học,...).

- Lưu ý sử dụng động từ phù hợp với hoạt động của giáo viên là “hướng dẫn”, của học sinh là “hoạt động học”. Ví dụ: Hoạt động của học sinh: Nói, thảo luận, chia sẻ,....

- Cùng một hoạt động, nếu dự kiến nhiều sản phẩm khác nhau, giáo viên không nên chốt đáp án, nên tôn trọng cảm nhận, suy nghĩ của học sinh. Giáo viên đánh giá từ những điểm nhìn khác nhau để kích thích học sinh phát biểu, tham gia vào bài học.

- Cách trình bày kế hoạch bài học linh hoạt, đảm bảo tính thẩm mĩ, tường minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.