Trong tổ chức dạy học, giáo viên cần hiểu cơ sở khoa học và thực tiễn, ý đồ soạn thảo và nội dung của tài liệu Hướng dẫn Tiếng Việt lớp 4.
Nhận thức được những công việc mình cần làm và những khó khăn khi sử dụng tài liệu học, giáo viên mới có thể tổ chức dạy học một cách hiệu quả.
Nắm vững các hoạt động cơ bản và cách tổ chức dạy học
Tài liệu hướng dẫn học môn Tiếng Việt 4 theo Mô hình VNEN được xây dựng 3 trong 1, rất tiện cho giáo viên, học sinh và phụ huynh trong dạy và học.
Tài liệu được thiết kế khoa học, kênh hình và kênh chữ rõ ràng, dễ hiểu giúp học sinh tiếp cận bài học một cách dễ dàng. Môn Tiếng Việt 4, mỗi bài Tập đọc, chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn có hệ thống câu hỏi trắc nghiệm hay gợi ý giúp học sinh dễ dàng tìm hiểu nội dung của bài học.
Mặc dù vậy, chưa phải giáo viên nào cũng có thể sử dụng hợp lý tài liệu này trong việc hướng dẫn học sinh học một cách hiệu quả.
Muốn tổ chức thành công tổ chức dạy học Tiếng Việt 4 theo mô hình trường học mới Việt Nam, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu chung của dạy học theo mô hình này, giáo viên cần tìm hiểu kỹ tài liệu hướng dẫn học và các hoạt động của cơ bản, trong đó: Hoạt động khởi động trong giờ tiếng Việt nhằm khơi dậy hứng thú, đam mê của học sinh về nội dung bài học; Giúp học sinh tái hiện những kiến thức, kĩ năng đã có và kết nối với mạch kiến thức, kĩ năng trong bài mới; Giúp học sinh thu nhận kiến thức, kĩ năng qua quan sát, thảo luận, phân tích, tổng hợp.
Hoạt động thực hành với hình thức đa dạng như giải bài tập trên phiếu, trò chơi, thi đố, đóng vai… nhằm củng cố kiến thức đã có là những từ, câu, đoạn, bài văn khác; tiếp tục phát triển kĩ năng đọc, viết, nghe, nói.
Hoạt động ứng dụng là tiếp nối của hoạt động cơ bản và hoạt động thực hành đã đạt được trên lớp, có chức năng hướng dẫn học sinh áp dụng những kiến thức, kĩ năng vào cuộc sống gia đình, của cộng đồng.
Hoạt động ứng dụng thường thực hiện bằng quan sát, tìm hiểu môi trường và con người sống xung quanh, phỏng vấn người thân, cộng đồng, tiếp tục thực hành dựa trên những kiến thức, kĩ năng đã học trong môi trường gia đình, địa phương.
Giáo viên cũng cần nắm vững cách tổ chức dạy học theo các logo hướng dẫn trong tài liệu, bao gồm học cá nhân, tương tác theo cặp, theo nhóm và tương tác cả lớp.
Khi học cá nhân, học sinh làm tự nghiên cứu tài liệu học hoặc cùng với chỉ dẫn của giáo viên, độc lập, suy nghĩ, đọc thầm, viết, độc lập chọn giải pháp (chọn câu trả lời, nêu ý kiến nhận xét, nêu ý tưởng cá nhân, nêu cách làm của mình…).
Chẳng hạn khi đọc thành tiếng đoạn văn ngắn, trả lời câu hỏi tìm hiểu bài do giáo viên dẫn dắt, gợi ý. Sau khi học sinh làm bài Luyện từ và câu hoặc Tập làm văn điền từ còn thiếu vào bức thư ngắn, giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh nêu kết quả để nhận xét, đánh giá, kết hợp hướng dẫn học sinh đối chiếu với bài đã chữa trên lớp để học sinh tự tìm ra kết quả, nếu em cho là sai.
Khi tương tác trong cặp, học sinh được giáo viên chỉ dẫn thực hiện nhiệm vụ, đổi nhiệm vụ với bạn, đánh giá kết quả của bạn, báo cáo kết quả học tập của từng cặp.
Khi học tương tác trong nhóm từ 3 đến 5 HS, các em hoạt động theo phân công của nhóm trưởng, tất cả các học sinh hoàn thành nhiệm vụ nghĩa là cả nhóm hoàn thành nhiệm vụ, giúp các em học được kĩ năng hợp tác, từ đó hình thành được năng lực hợp tác.
Hình thức tổ chức dạy học toàn lớp được thực hiện khi giáo viên cần thông báo, giải thích, tổng kết các ý kiến của học sinh; Hướng dẫn chung cho cả lớp thực hiện nhiệm vụ học tập; Tổ chức cả lớp cùng trao đổi hoặc nghe đại diện các nhóm báo cáo kết quả làm việc ở nhóm, cùng quan sát một vài học sinh chữa bài sau khi làm việc cá nhân hoặc cùng tham gia trò chơi học tập do giáo viên tổ chức.
Giáo viên cần lựa chọn nội dung cần thiết, thu hút sự chú ý của học sinh, không thuyết trình quá dài mà nên minh họa bằng đồ dùng trực quan và gợi ý, tổ chức, hướng dẫn học sinh cùng tham gia giải quyết những vấn đề chung. Ngôn ngữ trình bày, câu văn cần ngắn gọn, trong sáng và súc tích; Cố gắng sử dụng những từ ngữ, hình ảnh, cách nói gần gũi với học sinh.
Ngoài ra, với việc học tương tác ở gia đình và cộng đồng, học sinh vận dụng kiến thức được học trên lớp để giải quyết một nhiệm vụ trong cuộc sống của các em ở gia đình, cộng đồng.
Chú trọng tính tích cực của học sinh
Tài liệu hướng dẫn học Tiếng Việt 4 được thiết kế để tiến hành hoạt động học tập của học sinh thông qua thảo luận, tương tác với thấy cô, bạn bè, người thân hoặc cộng đồng. Học sinh được khuyến khích và tạo được cơ hội để trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến, giải pháp. Các hoạt động trong tài liệu học rất đa dạng:
- Hỏi - đáp giữa giáo viên – học sinh, giữa học sinh – học sinh
- Cùng bạn làm việc trên cơ sở các chỉ dẫn, gợi ý của tài liệu
- Cùng trao đổi về kết quả
- Cùng chơi các trò chơi học tập
- Cùng thảo luận
Tài liệu hướng dẫn học Tiếng Việt 4 rất phát huy óc phê phán, khả năng sáng tạo của học sinh phải lựa chọn giải pháp, tự đưa ra ý kiến riêng để nhận xét. Tài liệu còn giúp học sinh mở rộng không gian học tập, các em không chỉ học trong trường mà còn học ở gia đình, công đồng xã hội.
Chủ động điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học phù hợp với hoàn cảnh dạy học và đặc điểm học sinh
1. Tăng hoặc giảm thời lượng cho mỗi hoạt động học tập
Thời gian đầu khả năng đọc hiểu các em còn hạn chế, các em chưa quen cách học mới nên thời gian thực tế cho 1 tiết học cần được tăng cường từ 1 lên thành 1,3 hoặc 1,5 tiết.
Tổ trưởng chuyên môn cùng giáo viên có đề xuất với Ban giám hiệu quyết định tăng thời lượng dạy học cho từng bài học, môn học đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng đã quy định cho từng giai đoạn học tập. Thời gian tăng thêm được lấy vào buổi thứ hai trong ngày để học sinh học tập.
2. Điều chỉnh hình thức tổ chức học tập
2.1. Điều chỉnh thành viên nhóm, phiên chế lại nhóm
Các thành viên trong nhóm không phải được tạo ra một lần và không thay đổi. Tùy thuộc vào trình độ học sinh, những thuận lợi và khó khăn của mỗi em trong học tập, giáo viên sẽ điều chỉnh thành viên nhóm, phiên chế lại nhóm.
2.2. Thay đổi tương tác thầy - trò, trò – trò
Có hoạt động trong tài liệu học làm việc cá nhân nhưng giáo viên tự thấy học sinh lớp mình còn yếu về kĩ năng này, làm việc cá nhân sẽ khó kiểm soát và chưa hiệu quả thì có thể thay đổi bằng cặp đôi hoặc nhóm lớn. Giáo viên có thể làm việc với từng nhóm, từng học sinh nếu thấy cần thiết.
2.3. Thay đổi vai của từng thành viên trong nhóm
Nhiệm vụ giao cho mỗi thành viên cần được luân phiên thay đổi để mỗi học sinh có cơ hội trải nghiệm.
3. Điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học
- Điều chỉnh yêu cầu (lệnh) của hoạt động
- Thay đổi, điều chỉnh ngữ liệu
- Thêm mẫu thực hiện, thêm gợi ý
- Thêm nội dung phân tích mẫu
- Thay đổi đồ dùng dạy học
- Điều chỉnh hình thức lưu giữ kết quả hoạt động
- Điều chỉnh hoạt động để thực hiện phân hóa cao hơn.
Dưới đây là một vài cách thức để giảm độ khó của hoạt động (dành cho học sinh dưới chuẩn) và tăng độ thú vị (dành cho học sinh khá, giỏi).
Giảm độ khó bằng cách:
- Bổ sung phần lệnh để có điều kiện chỉ dẫn thêm cách làm bài
- Bổ sung vào phần dẫn để giúp học sinh dễ dàng tìm ý, trau chuốt phần lời của đề bài để tạo mẫu viết văn đối với giờ tập làm văn.
- Thay phần ngữ liệu cho gần gũi với học sinh.
- Thay thế ngữ liệu gố bằng ngữ liệu tường minh đơn giản hơn.
Tăng độ thú vị bằng cách:
- Tác động vào phần lệnh tạo ra để mở có nhiều lựa chọn, thay đổi vai nói, vai tiếp nhận tạo điều kiện cho học sinh sáng tạo.
- Xây dựng ngữ liệu tạo điều kiện cho học sinh phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo. Thêm yêu cầu của phần lênh hoặc điều chỉnh yêu cẩu của phần lệnh thú vị hơn. Đó là những yêu cầu chỉ ra nghĩa, cách sử dụng, chỉ ra sự tương hợp giữa nội dung và hình thức ngữ pháp.