Dạy học môn Tiếng Việt lớp 2: Cô sáng tạo, trò say mê

GD&TĐ -Năm đầu dạy học môn Tiếng Việt lớp 2 theo Chương trình mới, dù còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng với tinh thần đổi mới, GV các nhà trường tại Hải Phòng đã linh hoạt, ứng dụng nhiều phương pháp mang tính sáng tạo...

Học sinh lớp 2A5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng trong giờ: Nói và Nghe “Chú đỗ con”.
Học sinh lớp 2A5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng trong giờ: Nói và Nghe “Chú đỗ con”.

“Chú đỗ con” và những tình huống sáng tạo

Giờ học Nói và Nghe “Chú đỗ con” bài 7, sách Tiếng Việt lớp 2, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của cô Bùi Phương Thảo và học sinh lớp 2A5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng trở nên sinh động, hứng thú với cách gợi mở của cô và tình huống sáng tạo của trò. Bằng sách giáo khoa, các phần mềm trình chiếu, video, đạo cụ đóng vai thể hiện nhân vật trong câu chuyện và sự dẫn dắt khéo léo, nhẹ nhàng, cô Thảo đưa đến cho học sinh một giờ học bổ ích.

Với bài hát “Hoa lá mùa xuân”, cô Thảo khởi động bài dạy đầy tích cực, trong sự hào hứng của học sinh. Với những câu hỏi gợi mở: “Bài hát nói về mùa gì?; Khi mùa xuân về, cây cối như thế nào?”, cô giáo hướng học sinh đến sự sinh sôi, nảy nở, đâm chồi nảy lộc của cây cối, vạn vật thiên nhiên khi xuân về. Câu chuyện “Chú đỗ con” đã thu hút học sinh từ cách giới thiệu của cô.

Để có những tiết học nhẹ nhàng, cô Thảo thường dùng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, phù hợp với từng bài và từng học sinh. Điều thú vị là cô thường hay tìm những từ chỉ đặc điểm để gắn với từng tên học trò như: Minh Phương dễ thương; Hoàng Bảo hiếu thảo; Minh Ngọc chăm học… Cô hay gọi các con bằng cái tên thân thương đó, vì thế trong mỗi bài học, các con đều hào hứng khi được cô nhắc tên mình.

Hoạt động 2, học sinh được khám phá nội dung câu chuyện với sự trưởng thành của chú đỗ con qua từng bức tranh. Dưới sự dẫn dắt, giao nhiệm vụ của giáo viên, học sinh được quan sát, đọc thầm yêu cầu của bài, đoán nội dung từng tranh. Xâu chuỗi nội dung các bức tranh, bằng giọng kể nhẹ nhàng, đầm ấm theo từng vai nhân vật trong tranh, cô Thảo đã kể câu chuyện “Chú đỗ con” trong sự hào hứng lắng nghe của học sinh.

Hoạt động 3, học sinh được luyện tập, thực hành kể chuyện qua từng phần câu chuyện. Cô giáo gợi ý giọng của từng nhân vật, qua thảo luận nhóm, học sinh bật lên ý tưởng. Các em được kể chuyện cá nhân, đại diện nhóm kể chuyện nối tiếp, kể lại toàn câu chuyện và kể sắm vai. Với tư duy sáng tạo, ngộ nghĩnh, nhiều em “sáng tạo” giọng của nhân vật qua câu kể vô cùng lý thú.

Gia Huy - học sinh lớp 2A5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng - cho biết: Em rất thích nhân vật chú  đỗ con, vừa rụt rè, nhút nhát lại đáng yêu. Cô Thảo chia sẻ, câu chuyện “Chú đỗ con” đã mang đến cho học sinh bài học về sự trưởng thành của chú đỗ con, sự trưởng thành của vạn vật thiên nhiên. Đặc biệt, các em được vận dụng và bật lên được ý nghĩa của sự trưởng thành bản thân. Sự gần gũi từ bài học trong sách giáo khoa kết nối với cuộc sống là ý nghĩa của bài học và cuốn sách mang đến cho học sinh.

Cô Hảo cùng học trò lớp 2E trong giờ đọc bài “Phần thưởng”.
Cô Hảo cùng học trò lớp 2E trong giờ đọc bài “Phần thưởng”.

Giờ học giàu năng lượng

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Chi và học sinh lớp 2 Nhật, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Hồng Bàng đã có một giờ học giàu năng lượng qua bài 8 “Hoạt động Đọc mở rộng”, môn Tiếng Việt lớp 2, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Bài hát “Con cào cào” khiến không khí lớp học sôi động, học sinh lớp 2 Nhật có phần khởi động hào hứng bước vào bài học.

Học sinh được hoạt động với những gợi ý trong sách giáo khoa, sự dẫn dắt của cô giáo khi tìm hiểu về hoạt động thể thao. Các em quan sát, đọc hiểu, làm việc nhóm, hiểu được nội dung bài học và kể lại trước lớp. Phần luyện tập, học sinh được chơi trò chơi mảnh ghép kỳ diệu qua các câu hỏi gợi ý của giáo viên. Học sinh được cô giáo giới thiệu về các hoạt động thể thao, hướng dẫn tìm đọc  bản tin thể thao qua website của nhà trường.

Học sinh lớp 2 năm nay có nhiều thiệt thòi do năm học trước phải nghỉ học nhiều do dịch bệnh. Vì thế, một mặt phải dạy chương trình mới, mặt khác, các cô còn tận dụng thời gian để củng cố kiến thức cũ cho các em. Quá trình thực hiện chương trình còn nhiều băn khoăn, cô Chi mong muốn được trau dồi thêm chuyên môn và được giải đáp kịp thời để hoàn thành nhiệm vụ.

Cô Phạm Thị Hảo, giáo viên lớp 2, Trường Tiểu học Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, chia sẻ, bản thân cô có 7 năm dạy lớp 2. So với chương trình hiện hành, sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm, gần gũi với lứa tuổi và dễ học hơn. Bộ sách mà Trường Tiểu học Đại Hợp chọn là Cánh diều.

Để có được những giờ học hay, chuyển tải được nội dung tới học sinh, cô Hảo đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, xây dựng giáo án, kỹ càng trong việc lựa chọn phương pháp. Chẳng hạn với bài tập đọc: Bài đọc 2, tiết 2: “Phần thưởng” cô Hảo dùng phương pháp thuyết trình, quan sát, hỏi - đáp, làm việc nhóm, làm việc cá nhân... giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học qua câu chuyện.

Ở hoạt động luyện tập, học sinh được thảo luận nhóm, vào vai nhân vật để thể hiện từng yêu cầu trong sách giáo khoa. Qua câu chuyện, học sinh được thể hiện suy nghĩ của mình trong từng tình huống cụ thể, biết quý trọng sự giúp đỡ của người khác, biết nói lời cảm ơn và đáp lời cảm ơn bằng thái độ chân thành, cởi mở, thân thiện.

Quá trình dạy sách giáo khoa lớp 2 theo chương trình mới tuy còn bỡ ngỡ, khó khăn nhưng cô và các đồng nghiệp trong tổ khối chuyên môn của trường thường xuyên trao đổi, cùng nhau gỡ khó. Với những tiết “Hoạt động Đọc mở rộng” đòi hỏi giáo viên cần chuẩn bị công phu hơn, kết nối nhiều kênh để hướng học sinh đến việc tìm tòi tài liệu theo chủ đề để đọc và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. - Cô Nguyễn Thị Bích Chi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ