Phát triển nhân lực: Tỷ lệ xếp loại SV tốt nghiệp có phản ánh đúng thực chất?

GD&TĐ - Có ý kiến cho rằng, những năm gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi và xuất sắc đạt tỷ lệ cao, có trường lên đến gần 100%.

Tân cử nhân, kỹ sư ĐH Bách khoa Hà Nội trong ngày nhận bằng tốt nghiệp hồi tháng 10/2023. Ảnh: CCPR/HUST
Tân cử nhân, kỹ sư ĐH Bách khoa Hà Nội trong ngày nhận bằng tốt nghiệp hồi tháng 10/2023. Ảnh: CCPR/HUST

Theo các chuyên gia, việc xác định tỷ lệ này còn phụ thuộc vào cách tính của mỗi trường.

Phụ thuộc vào cách tính

Tại Lễ bế giảng hệ đại học chính quy khóa 57 và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên hồi tháng 8/2023 của Học viện Tài chính, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo cho hay, khóa học này khai giảng vào tháng 9/2019 với hơn 4.500 sinh viên nhập học, chia thành 125 lớp.

Số sinh viên theo học đến cuối khóa là trên 4.400 em; trong đó có trên 3.700 sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp (chiếm 84,44%). 687 sinh viên chưa đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp (chiếm 15,56%); trong số này có 50 sinh viên xin hoãn xét tốt nghiệp. Số sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc có 281 em (chiếm 7,54%); 1.435 sinh viên đạt loại giỏi (chiếm 38,48%). Gần 2 nghìn sinh viên đạt loại khá (chiếm 53,55%) và 16 sinh viên đạt xếp loại trung bình (chiếm 0,43%).

Đợt tốt nghiệp tháng 10/2023, ĐH Bách khoa Hà Nội có gần 1.800 tân kỹ sư và hơn 1.100 cử nhân. Trong đó, 208 sinh viên (7,12%) xếp loại xuất sắc, 772 sinh viên (26,40%) xếp loại giỏi và trên 1.800 sinh viên (61,83%) xếp loại khá. Như vậy, tổng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc của ĐH này trên 33%. “Năm 2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn đã nhích lên so với năm trước (đạt 65%)”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay.

Khẳng định, không phải sinh viên nào vào học đại học cũng có thể tốt nghiệp đúng hạn, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) nhấn mạnh. “Đơn cử như Trường ĐH Duy Tân, tỷ lệ tốt nghiệp của mỗi khóa đạt 70 - 80%”, TS Võ Thanh Hải thông tin.

Đề cập đến vấn đề tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp của sinh viên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho hay, có hai cách tính. Nếu thống kê tỷ lệ này so với sinh viên tốt nghiệp thì có thể cho kết quả cao. Còn thống kê tỷ lệ khá, giỏi, xuất sắc theo tổng số sinh viên toàn khóa sẽ cho kết quả ở mức vừa phải.

Sinh viên Học viện Tài chính trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: TG

Sinh viên Học viện Tài chính trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: TG

Đừng để “mất thiêng”

Theo TS Võ Thanh Hải, trước đây, các đánh giá, xếp loại sinh viên là: Giỏi, khá, trung bình - khá và trung bình. Theo quy chế đào tạo hiện hành sẽ là: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình. Mỗi trường áp dụng cách tính khác nhau nên sẽ cho kết quả khác nhau. Đây cũng là lý do dẫn đến một số trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xếp loại khá, giỏi và xuất sắc đạt tỷ lệ cao. “Tuy nhiên, nếu nói sinh viên tốt nghiệp toàn loại giỏi, xuất sắc là không đúng”, TS Võ Thanh Hải quả quyết.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền nêu quan điểm, tỷ lệ xếp loại sinh viên tốt nghiệp có phản ánh đúng thực chất hay không do các trường đào tạo. Còn mức độ thăng tiến trong công việc thế nào, doanh nghiệp sẽ trả lời.

Phó Giám đốc ĐH Bách khoa cho rằng, dù ở bậc học nào thì tỷ lệ giỏi, xuất sắc phải là hình kim tự tháp, khó có thể xảy ra hiện tượng hình tháp ngược. Nếu hệ thống kiểm tra nghiêm túc, đề chuẩn, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc theo hình tháp ngược là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, năng lực nghiệp vụ ra đề thi, đánh giá của giảng viên còn hạn chế, trừ các trường đại học sư phạm. Ngoài ra, khó - dễ còn theo cảm tính, không theo quy trình kiểm tra, không đánh giá đúng năng lực theo mong muốn của đề cương chi tiết học phần. Mỗi học phần nhích lên một chút, kết quả cuối khóa sẽ biến thiên rất nhiều.

Hiện, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc ngày càng tăng theo các năm, TS Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Quản trị chất lượng, Trường ĐH Giáo dục (ĐH học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận và cho rằng, việc này do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn: Kiểm tra, đánh giá người học chú trọng đến yếu tố “động viên, khích lệ” hoặc “mềm hóa” quy chế tổ chức đào tạo. Cũng có thể là sự dễ dãi của một bộ phận giảng viên….

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra, tự chủ đại học là nhân tố làm gia tăng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc. Sự gia tăng này cần nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, chính xác, xác định rõ nguyên nhân để đề xuất giải pháp và có hướng đi đúng đắn.

Để chất lượng đào tạo thực chất, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng, cần dựa vào các yếu tố như: Chuẩn hóa các câu hỏi thi, hệ thống kiến thức muốn chuyển tải tới sinh viên. Đối với chuẩn hóa câu hỏi kiểm tra, ĐH Bách khoa Hà Nội đang thực hiện rốt ráo nhưng cũng chưa bao trùm tất cả. “Nếu hai yêu cầu (chuẩn hóa câu hỏi kiểm tra, kiến thức đưa vào giảng dạy) không được các trường chú trọng thì hệ quả là bằng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc “mất thiêng”; các trường thiếu động lực để cải tiến chất lượng đào tạo”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền trao đổi.

Cũng cần siết chặt chuẩn đầu ra để việc đánh giá đúng thực chất, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nêu ý kiến. Với những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc không nên tự mãn hoặc ảo tưởng năng lực bản thân, vì những kiến thức học được trên giảng đường đại học chỉ là nền tảng cơ bản về ngành và chuyên ngành; hơn nữa, việc các em tốt nghiệp loại gì không phải là yếu tố quyết định để doanh nghiệp tuyển dụng. Tiếp tục trau dồi kiến thức và kỹ năng là cách phát triển nghề nghiệp bền vững nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ