Phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng cơ chế 'đặt hàng' đào tạo

GD&TĐ - Để phù hợp với tiêu chuẩn từng doanh nghiệp, cần có cơ chế “đặt hàng” hoặc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Sinh viên Trường ĐH Việt Đức trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Việt Đức trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

“Nhập gia tùy tục”

Là thủ khoa đầu ra của Học viện Tài chính, Trần Thị Hồng Nhung - cựu sinh viên lớp CQ 56/11.07, Khoa Tài chính doanh nghiệp không đồng tình với nhận định: Năng lực và kỹ năng sinh viên Việt Nam còn yếu nên các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Khi chưa nhận bằng tốt nghiệp, Hồng Nhung được nhận vào làm tại một công ty về tài chính. Những ngày đầu làm việc, Hồng Nhung đã đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, phía công ty khá hài lòng về kết quả và thái độ làm việc của nữ thủ khoa.

Hồng Nhung chia sẻ, ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, các bạn trong lớp đều đi làm cho nhiều doanh nghiệp khác nhau. “Tất cả đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động nên không có chuyện chúng em phải đào tạo lại khi đến làm việc ở doanh nghiệp. Có chăng là bồi dưỡng về văn hóa doanh nghiệp để phù hợp với tính chất, đặc trưng đơn vị”, Hồng Nhung phân trần.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Lê Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty IGARTEN Egroup cho hay, một số công ty có yêu cầu riêng nên khi tuyển dụng các tân cử nhân, kỹ sư sẽ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Điều này không đồng nghĩa năng lực của sinh viên Việt Nam kém, không đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.

“Tại IGARTEN Egroup, sau khi nhân sự được tuyển dụng, chúng tôi có những buổi tập huấn, bồi dưỡng để có thể đáp ứng yêu cầu riêng của công ty”, bà Huyền trao đổi và nhận xét, sinh viên Việt Nam được đào tạo kiến thức chuyên môn vững vàng, chịu khó, cầu thị và có chí tiến thủ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hồng Hạnh - Phó phòng Kế toán của Agribank Chi nhánh Đông Hà Nội nhìn nhận, sinh viên được đào tạo bài bản nên đáp ứng tốt yêu cầu công việc. “Chúng tôi tuyển dụng sinh viên của Học viện Tài chính và nhận thấy năng lực chuyên môn rất tốt, khả năng tiếng Anh và tư duy công việc phù hợp với Agribank nên các bạn có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc”, bà Hạnh nhận xét.

“Nhập gia tùy tục” nên không riêng gì các bạn trẻ, bất cứ nhân sự nào đến môi trường làm việc mới cũng phải tập huấn, bồi dưỡng về văn hóa doanh nghiệp - bà Nguyễn Hồng Hạnh nhìn nhận. Tất nhiên, nếu doanh nghiệp có yêu cầu năng lực riêng sẽ phải đào tạo nhân sự để đáp ứng yếu tố đặc thù.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Cần “đặt hàng” đào tạo

Rất khó để trường đại học có thể đào tạo sinh viên đáp ứng theo tiêu chí riêng của từng doanh nghiệp, PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội thẳng thắn nói và cho rằng, muốn đáp ứng yêu cầu trên, doanh nghiệp cần “đặt hàng” đào tạo với cơ sở giáo dục đại học. “Chẳng hạn, chúng tôi nhận được ‘đơn hàng’ đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật Hàng không. Vì thế, nhà trường đào tạo theo đúng yêu cầu doanh nghiệp. Khi ra trường, sinh viên ‘bắt tay’ vào việc luôn mà không phải đào tạo lại”, PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh viện dẫn.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ở Việt Nam chưa thịnh hành “đặt hàng” đào tạo. Trong bối cảnh ấy, các trường đại học đào tạo sinh viên theo hướng “đại trà”, phổ rộng là hợp lý. Khi đó, các em có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều doanh nghiệp, chứ không phải của 1 doanh nghiệp cụ thể.

Do đó, việc doanh nghiệp đào tạo lại để đáp ứng các tiêu chuẩn riêng khó tránh khỏi. Hơn bao giờ hết, PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh cho rằng, cần quan tâm, chú trọng hơn đến phương thức “đặt hàng” đào tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình đánh giá, thẩm định chương trình đào tạo; thậm chí giảng dạy một số mô-đun cho sinh viên.

Không thể đào tạo sinh viên phù hợp với nhu cầu từng doanh nghiệp, TS Hà Thúc Viên - Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức nêu quan điểm và cho rằng, việc hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Điều này khiến sinh viên thiếu cơ hội thực tập và trải nghiệm thực tế. Hiện, công nghệ trong sản xuất liên tục thay đổi và đổi mới không ngừng. Nếu sinh viên không được tiếp cận thực tiễn thì khó nắm bắt xu thế phát triển.

“Kinh nghiệm từ nước Đức cho thấy, trường đại học luôn song hành với doanh nghiệp trong đào tạo. Ở Đức còn có hình thức sinh viên đào tạo một nửa thời gian ở doanh nghiệp, nửa thời gian ở trường. Doanh nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ, đào tạo sinh viên, thậm chí trả lương. Họ xem sinh viên là người làm việc thực thụ trong doanh nghiệp”, TS Hà Thúc Viên chia sẻ.

Ngoài ra, trong các doanh nghiệp đều có chuyên gia. Được đào tạo bài bản kỹ năng sư phạm, họ tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo, hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập. “Nếu chúng ta làm được điều này sẽ giúp người học có cả kiến thức lý thuyết và năng lực thực hành. Khi đó, doanh nghiệp không mất thời gian đào tạo lại”, TS Hà Thúc Viên nhấn mạnh.

Cho rằng, cần gắn kết đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bà Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nêu ý kiến: Việc liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp là cần thiết. Qua đó, phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành. Ngoài ra, có thể đưa một số nội dung khoa học cơ bản, công nghệ vào chương trình giảng dạy trong trường phổ thông.

Theo cựu sinh viên Học viện Tài chính - Trần Thị Hồng Nhung, một số ngành có tính chất đặc thù nên chúng em được doanh nghiệp đào tạo, tập huấn để đáp ứng yêu cầu riêng. Suy cho cùng, khi đặt chân vào bất cứ môi trường nào cũng cần thời gian học hỏi và hòa nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ