Phát triển nguồn nhân lực Tây Bắc: Khâu đột phá chiến lược

GD&TĐ - Tây Bắc là địa bàn chiến lược nhưng cũng là vùng khó khăn nhất cả nước. Thông qua các đề án, chương trình an sinh xã hội, cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đời sống người dân đã được cải thiện, vươn lên làm kinh tế thoát nghèo. 

Phát triển nguồn nhân lực Tây Bắc: Khâu đột phá chiến lược

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là một khâu đột phá vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài để phát triển bền vững.

Hỗ trợ sinh kế, dạy nghề

Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, từ năm 2009 đến nay, đơn vị đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: Hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội, giao lưu với các chủ đề “Chung tay cùng Tây Bắc và các huyện nghèo”, “Góp sức cùng đồng bào Tây Bắc”…

Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, hưởng ứng sự kêu gọi, vận động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và một số thành phố lớn đã cam kết hỗ trợ gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngành ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ vượt mức cam kết với tổng số tiền trên 1.100 tỷ đồng giúp các tỉnh trong vùng nơi có đông đồng bào nghèo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã tham gia hỗ trợ đồng bào nghèo về sinh kế, tổ chức các lớp học nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản cho người dân các địa phương vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình...

Riêng đối với vùng Tây Bắc, 43/43 huyện nghèo trong vùng đã được các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, cam kết đến năm 2020 với tổng số tiền là 2.114,58 tỷ đồng (chiếm 87,4% tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo của cả nước). Nguồn lực trên được hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực như: Xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên cử tuyển; đào tạo nghề, nhận lao động địa phương vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn; đầu tư cơ sở y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội...

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Trong 3 khâu đột phá chiến lược của toàn vùng Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã xác định: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là đổi mới cơ bản công tác giáo dục và đào tạo, dạy nghề. Đây là một đột phá vừa mang tính cấp bách vừa cho lâu dài nhằm đẩy mạnh và tạo chuyển biến rõ nét về giáo dục, đào tạo.

Vì vậy, tới đây cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập như: Về chính sách ban hành nhiều, dù đã có tác động tích cực đến công tác giáo dục, nhất là đối với vùng miền núi Tây Bắc, song chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nguyên nhân là do các văn bản ban hành để hướng dẫn còn chậm, không kịp thời; nguồn lực thực hiện còn yếu. Các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của vùng còn thấp so với yêu cầu phát triển ngày càng gia tăng của đất nước. Cơ cấu lao động trẻ, song nguồn lực địa phương cũng chưa được tận dụng hiệu quả, cơ cấu lao động chưa chuyển dịch phù hợp với cơ cấu ngành. Đa số lao động làm việc ở nông thôn, số lượng lao động theo học ở các cấp cao hơn còn hạn chế. Khó khăn nội tại từ các chính sách lao động và việc làm cũng cần được xem xét điều chỉnh nhằm tránh sự quản lý chồng chéo gây lãng phí.

Bên cạnh những thành quả tích cực mà các chính sách về lao động và việc làm mang lại, nhiều chính sách vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, hoặc chưa chú ý đến tính đặc trưng của địa phương và sự khác nhau giữa các vùng miền. Do đó, nhận thức, rà soát và đánh giá sự phù hợp của các chính sách phát triển nhân lực và tình hình thực tế của nguồn nhân lực là việc làm cần thiết. Từ đó, hướng đến các giải pháp phát triển kinh tế toàn vùng, tương xứng với tiềm năng của các địa phương vùng Tây Bắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ