(GD&TĐ)-Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nội dung trọng tâm để hoàn thiện Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở điện hạt nhân cho giai đoạn 2011-2015. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến tại Hội thảo “Hoàn thiện kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và thông tin tuyên truyền cho điện hạt nhân”. Hội thảo diễn ra từ ngày 16- 20/5/2011.
Chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia là một nhiệm vụ rất khó khăn phức tạp đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực có trình độ cao, |
Bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực, theo Thứ trưởng Lê Đình Tiến, để hoàn thiện Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở điện hạt nhân cho giai đoạn 2011-2015 cần tập trung vào việc đánh giá địa điểm, an toàn hạt nhân, hoàn thiện cơ sở pháp lý và pháp quy, nghiên cứu khả thi, chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho việc ký hết hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
PGS.TS. Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, nhu cầu nhân lực cho việc thực hiện chương trình điện hạt nhân ở giai đoạn đầu tiên từ nay đến năm 2020 sẽ bao gồm nguồn nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân; nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động R&D và hỗ trợ kỹ thuật; nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân nói riêng và nguồn nhân lực cho các hoạt động giáo dục và đào tạo về hạt nhân.
Cũng theo PGS. TS. Vương Hữu Tấn, nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần rất nhiều, có thời điểm cần từ 6000 - 10.000 người làm việc trên công trường (tùy theo quy mô nhà máy). Tuy nhiên, nguồn nhân lực này chủ yếu là công nhân và do các nhà thầu xây dựng phải đảm nhận.
Đối với nước ta, các nhà thầu xây dựng sẽ huy động nhân lực đã từng làm việc ở các công trình công nghiệp lớn như thủy điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện than, công trình giao thông, cầu đường. Những lao động này ở Việt Nam đã có khá nhiều và cũng tương đối có kinh nghiệm trong thi công những công trình trọng điểm quốc gia. Nhân lực cần quan tâm chuẩn bị cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Việt Nam chính là đội ngũ cán bộ quản lý dự án các cấp và cán bộ vận hành bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân sau này.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thông tin tuyên truyền cho điện hạt nhân và chương trình đào tạo huấn luyện về công nghệ điện hạt nhân; đánh giá tiến bộ việc phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia cho phát triển điện hạt nhân, qua đó báo cáo tình hình hiện tại của kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Đại biểu các trường tham gia hội thảo báo cáo tóm tắt về tình hình hoạt động thông tin truyên truyền về điện hạt nhân của Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam, EVN, VARANS, VAEA cũng như bàn về các chương trình đào tạo đại học và sau đại học về công nghệ hạt nhân.
Ngoài ra, đại biểu của các nước tại hội thảo thuyết trình về chiến lược quốc gia và cách tiếp cận đối với phát triển nguồn nhân lực, các khuyến cáo để hỗ trợ cho Việt Nam theo thỏa thuận song phương cũng như các lĩnh vực có tiềm năng hỗ trợ cho chiến lược phát triển HRD của Việt Nam…
Hội thảo “Hoàn thiện kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và thông tin tuyên truyền cho điện hạt nhân” do Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) phối hợp tổ chức. Dự hội thảo có đại diện IAEA, các chuyên gia của Nga, Nhật cùng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt...
Hiện nay trên 400 tổ máy điện hạt nhân đã được vận hành ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, cung cấp 17% sản lượng điện của toàn thế giới. Hiện có trên 50 quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã đề nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giúp đỡ xây dựng và thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân. Việt Nam đã có sự chuẩn bị lâu dài cho chương trình điện hạt nhân của mình và hiện đang trong quá trình triển khai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với tổng công suất 4000MW và dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ đi vào vận hành phát điện thương mại vào năm 2020. Trong số các công việc cần chuẩn bị cho chương trình điện hạt nhân thì nguồn nhân lực là một hạ tầng quan trọng, cần phải được quan tâm đi trước một bước - PGS. TS. Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam |
HIếu Nguyễn