Tuy nhiên, trong bối cảnh và nhu cầu xã hội hiện tại, cũng như các ngành khoa học cơ bản khác, ngành Hán Nôm cũng đứng trước những thách thức không nhỏ.
Nhu cầu và thực tế
Theo TS Đinh Thanh Hiếu, chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội: Hán Nôm rất quan trọng trong xã hội hiện đại. Nó giúp con người gìn giữ và minh giải các tư liệu văn tự của tổ tiên để lại. Chữ Hán đóng vai trò như một văn tự quan phương (phép tắc) ở Việt Nam trong cả thiên niên kỷ. Phần lớn tri thức truyền thống trong tất cả lĩnh vực tự nhiên, xã hội và nhân văn ở khu vực Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam) đều được biểu đạt qua văn tự này.
Riêng Việt Nam, ngoài chữ Hán còn sử dụng thêm chữ Nôm, dùng chất liệu chữ Hán để ghi tiếng nói của người Việt. Khi Việt Nam chuyển sang hệ hình văn hóa hiện đại và sử dụng chữ Quốc ngữ, một loại hình văn tự khác dẫn đến sự đứt gãy về văn hóa, cách bức về nền tảng tri thức, văn hóa, học vấn... Do vậy, học Hán Nôm là cửa ngõ để tiếp cận với mạch nguồn văn hóa truyền thống của tổ tiên.
Với chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng và Nhà nước, TS Đinh Thanh Hiếu cho rằng, kiến thức Hán Nôm là chìa khóa quan trọng để nối kết truyền thống văn hóa với con người hiện tại. Hiểu được văn hóa truyền thống và di sản truyền thống, qua đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết để xây dựng xã hội hiện tại. Nó là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Vì vậy, vai trò của ngành Hán Nôm là đào tạo đội ngũ những người vừa tinh thông chữ Hán, chữ Nôm, vừa nắm vững các phương pháp nghiên cứu Hán Nôm chuyên ngành và liên ngành hiện đại. Đội ngũ này có khả năng khai thác và giới thiệu các giá trị của văn hóa truyền thống, trực tiếp góp phần đảm bảo sự liên tục về văn hóa giữa truyền thống và hiện đại.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, cho biết: Phát triển, đưa ngành học Hán Nôm đến gần hơn với đời sống xã hội đương đại để góp phần kết nối các giá trị văn hóa truyền thống với con người hiện tại là việc cần làm. Hiện nay, ngành Hán Nôm, Trường ĐH KHXH&NV thực hiện nhiệm vụ đào tạo ở cả ba cấp: Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Các chương trình đào tạo đã và đang được triển khai một cách ổn định, và không ngừng thích ứng trong điều kiện mới. Trong những năm gần đây, dù có nhiều khó khăn trong tuyển sinh, việc làm, nhu cầu xã hội… (cũng là khó khăn chung của các ngành khoa học cơ bản), ngành Hán Nôm cơ bản vẫn duy trì được đủ chỉ tiêu tuyển sinh (khoảng 30 sinh viên/năm).
“Là ngành cổ học, có tính chất cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, nên hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng của ngành Hán Nôm rất đa dạng. Các cán bộ của ngành đã tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu và quảng bá tri thức chuyên môn đến cộng đồng như phiên dịch và phát huy giá trị di văn Hán Nôm trong cộng đồng; bảo tồn và trùng tu di tích; sáng tác hoành phi câu đối, văn chương Hán Nôm...
Những hoạt động đó đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín, cũng như lan tỏa chuyên môn của ngành ra xã hội. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của xã hội vẫn dành cho ngành Hán Nôm, cũng như uy tín của cơ sở đào tạo”, TS Đinh Thanh Hiếu chia sẻ.
Sinh viên Hán Nôm đi thực tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
“Cửa hẹp” để phát triển
Trong một ngành đào tạo thì chương trình có tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện triết lý, mục tiêu, thực thi nội dung, tiến trình đào tạo… góp phần quan trọng vào bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra, đồng thời cũng thể hiện bản sắc và uy tín của cơ sở đào tạo. Trong 10 năm lại đây, chương trình đào tạo đại học ngành Hán Nôm đã qua hai lần điều chỉnh vào các năm 2015 và 2019.
Tinh thần các đợt điều chỉnh là tăng cường tính liên thông trong chương trình, rà soát, bổ sung các học phần mới theo hướng cập nhật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường thực hành và đào tạo các kỹ năng chuyên môn; các hoạt động dạy và học được thực hiện đa dạng, linh hoạt, có sự kết hợp giữa học tập - thực hành - ngoại khóa - thực tập và nghiên cứu khoa học.
Tại Trường ĐH KHXH&NV, từ năm 2015 đến nay, ngành Hán Nôm được xếp vào nhóm các ngành khoa học cơ bản. Trường hỗ trợ kinh phí đào tạo, một phần cấp trực tiếp cho sinh viên dưới dạng học bổng, một phần cấp cho đơn vị đào tạo để triển khai các hoạt động như tổ chức tọa đàm khoa học, hoạt động thực tế cho sinh viên, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, mua tư liệu chuyên ngành đặc thù, đầu tư cho sinh viên nghiên cứu khoa học theo hướng cá thể hóa...
TS Lê Tuấn Cường, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, cho hay: Gần đây nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội có chính sách học bổng thu hút tài năng cho các ngành cơ bản, trong đó có Hán Nôm, cho thấy sự quan tâm rất cao của các cấp lãnh đạo đối với ngành học này.
Theo TS Đinh Thanh Hiếu, trong công tác đào tạo, nghiên cứu và khai thác các giá trị văn hóa Việt Nam từ di sản Hán Nôm đòi hỏi những người được tuyển muốn phát triển tốt chuyên môn phải có những tố chất tương đối đặc thù, thích hợp, trong khi tuyển sinh chỉ có thể theo mặt bằng chung. Tri thức Hán Nôm với tân sinh viên gần như “tờ giấy trắng”, mới bắt đầu học từng chữ Hán, chữ Nôm. Sau 4 năm đào tạo bậc đại học, để đạt được chuẩn đầu ra như yêu cầu hiện tại là một thách thức và cần sự cố gắng, đầu tư không nhỏ.
Ngoài ra, chỉ tiêu nhân sự hạn hẹp của các cơ quan Nhà nước hiện tại cũng gây khó khăn cho đầu ra của ngành. Nhiều sinh viên giỏi có triển vọng chuyên môn tốt nhưng khi ra trường không có chỗ sử dụng thích hợp buộc phải chuyển sang lĩnh vực nghề nghiệp khác, hoặc chỉ có liên quan nhất định với chuyên môn, làm cho “triển vọng” khó thành hiện thực. Hiện, đa số sinh viên ngành Hán Nôm học thêm văn bằng hai tiếng Trung Quốc, để rộng cửa sẵn sàng thích ứng với sự đa dạng công việc sau khi ra trường.
Trong tương lai, với cơ chế tự chủ đại học, những ngành có số chỉ tiêu tuyển sinh thấp như Hán Nôm sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức để duy trì, tồn tại. Khi đó, những ngành khoa học cơ bản nói chung, trong đó có ngành Hán Nôm rất cần được sự đảm bảo đầu tư, “đặt hàng” từ Nhà nước. - TS Đinh Thanh Hiếu