(GD&TĐ) - Một ngày giữa tháng 3 này, nhà giáo nhân dân Nguyễn Tiến Chấn- người luôn tâm huyết với sự học ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), đã hào hứng khoe với chúng tôi về một phong trào học tập cộng đồng rất ấn tượng: “Cả huyện Thuận Thành có hơn chục lớp học chữ Hán- Nôm. Người theo học trẻ nhất khoảng hơn 20 tuổi, người nhiều tuổi nhất đã 84”. Trong một lớp học mà người học có cô giáo, thầy giáo, cụ hưu trí, có người kinh doanh tự do và cả những nông dân “chính hiệu”...
"Học không biết chán, dạy người không biết mỏi" (1)
Theo chân NGND Nguyễn Tiến Chấn, chúng tôi tới Trường tiểu học Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh)- nơi đang diễn ra buổi học khá “đặc biệt”. Trường tiểu học ngày nghỉ vắng lặng, chỉ có điều khác lạ là trong một lớp học đang có mấy chục người lớn ngay ngắn ngồi ghi chép... Những trang giấy trên bàn toàn chữ Hán- Nôm, trên bảng đen cũng đầy ắp chữ Hán viết bằng phấn trắng.
Đứng trên bục giảng là thầy Bùi Trọng Hường, 76 tuổi. Vừa viết chữ Hán lên bảng, thầy Hường vừa giảng giải nghĩa. Phía dưới lớp học nhiều “ông” học viên cỡ tuổi thầy Hường, có ông hơn tuổi thầy và có những học viên tóc bạc trắng ngồi xen với các học viên nom chỉ ba mươi, bốn mươi tuổi.
Mỗi người một lứa tuổi, một ngành nghề khác nhau cùng say mê học “chữ của các cụ” |
Ngoài sự khác biệt về tuổi tác của học viên, có lẽ người lạ khó mà biết ở đây mọi người rất khác nhau về trình độ học vấn, nghề nghiệp... Có người là giáo viên THCS, người là giáo viên THPT, người là cán bộ hưu trí, kỹ sư, người làm kinh doanh tự do, có người lại là... nông dân “chính hiệu”.
Quả là, “học thầy, học bạn, vô vạn phong lưu”. Cả lớp học chăm chú ghi chép, say sưa lắng nghe, không gian lớp học vốn thường ngày sinh động những nét mặt non nớt của học sinh tiểu học, thì hôm nay, ngày nghỉ của học sinh chỉ thấy toàn gương mặt người lớn, không gian tràn ngập lời thầy sang sảng giảng chữ Hán- Nôm...
“Vốn chữ Hán của chúng tôi chẳng được bao nhiêu, nhưng trước tinh thần muốn học hỏi của các anh, các chị, các bác ở địa phương, nên những lớp học như thế này đã được tổ chức. Tôi tâm niệm rằng, dạy chữ cho mọi người cũng là để bản thân tôi rèn luyện lại những chữ mình biết, được tiếp cận nhiều hơn với chữ Hán- Nôm và có cơ hội học được thêm chữ của những người giỏi hơn, biết nhiều chữ hơn, những người cũng đến đây tình nguyện dạy chữ; bên cạnh đó còn có các cụ trong làng biết nhiều hơn là “chỗ dựa” cho chúng tôi dạy và học”- Thầy Hường bộc bạch về lý do thầy và những giảng viên khác nhận dạy miễn phí cho những lớp học như thế.
“Ngoài tài liệu học đã có, chúng tôi cũng cố gắng biên soạn và đưa thêm một số tài liệu mang tính thời sự vào các học; như dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nội dung “Chiếu rời đô” đã được đưa vào bài học”- Thầy Hường cho biết thêm- “Nhờ thế, 2/3 số học viên trong lớp hiện nay có thể viết, và đọc được văn chữ Hán tại đình làng. Việc này rất đáng quý và cũng thể hiện sự cố gắng của những người theo học. Viết được văn tế tại các dòng họ. Các học viên học tập ngày càng có nhiều tiến bộ”.
Các lớp học Hán- Nôm ở vùng này đã tồn tại theo tinh thần tự giác (tự giác học, tự giác dạy). Người biết một chữ dạy cho người chưa biết, người biết hai chữ dạy cho người biết ít hơn. Các thầy giáo không có một đòi hỏi gì từ học viên ngoài tinh thần đoàn kết, tự giác. Để có một bài giảng phong phú, thì cũng buộc các giảng viên phải đọc sách và nghiên cứu- Điều đó, nói như các thầy ở đây cũng là một cách để thầy tự học, “làm cho bản thân những người dạy được nâng cao trình độ chữ Hán- Nôm”.
Theo Chủ tịch hội Cựu giáo chức Thuận Thành- ông Nguyễn Hữu Sắc: Thực tế đòi hỏi cần phải có những lớp học Hán- Nôm để các cụ, những người lớn tuổi vào đình chùa có thể đọc hiểu được các bia, bảng viết bằng chữ Hán; còn những người trẻ hơn, những người đang đi làm có thêm hiểu biết về văn hoá cổ truyền... Tuy “thầy” tự nguyện dạy miễn phí, “trò” tự giác học, nhưng trong quá trình học vẫn có những bài kiểm tra kiến thức rất nghiêm chỉnh, có sự sửa chữa rất tỉ mỉ của các thầy giáo để nâng cao hơn ý thức học tập của học viên.
Đa số các lớp Hán- Nôm đều phải học nhờ các trường học trong vùng và học vào buổi tối và thứ bảy, chủ nhật, mà trường nào cho lớp Hán- Nôm học nhờ thì cũng đều cho “nhờ” cả điện, nước... mà không thu bất kỳ khoản phí nào.
Dạy không thù lao mà thầy vẫn rất miệt mài... |
“Học trong quá khứ, sống trong thực tại...” (1)
“Mình muốn mở mang hiểu biết về chữ Hán. Vì trong khi đọc sách và dạy học mình gặp rất nhiều từ Hán- Việt, nếu được học như thế này thì một người làm nghề dạy học như mình sẽ hiểu biết sâu hơn về từ Hán- Việt, thuận lợi hơn khi giải thích từ Hán- Việt cho học sinh. Học như thế này cũng giúp mình hiểu rõ hơn về văn học Việt Nam phần trung đại. Vì là giáo viên dạy Văn nên việc hiểu biết sâu hơn về chữ Hán rất bổ ích cho bản thân mình và thiết thực cả với việc soạn giáo án, cũng như dạy trên lớp”- Học viên Nguyễn Thị Sâm (cô giáo dạy Văn của trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh) chia sẻ về mục đích theo học lớp Hán- Nôm.
Cô Sâm không phải là giáo viên duy nhất theo học lớp Hán- Nôm. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Tuân (GV trường THCS Song Hồ) cho biết việc học này rất có ích cho nghề nghiệp của mình: “Chuyên môn của tôi là dạy Mỹ thuật, tôi thấy chữ Hán- Nôm liên quan khá nhiều đến việc dạy học của tôi. Khi dạy học sinh ngôn từ và nghệ thuật cổ, kiến thức về chữ Hán- Nôm có thể giúp tôi giải thích cho học sinh thêm hiểu và thích bài học hơn. Tôi muốn được học chữ Hán- Nôm sâu hơn để có thể truyền đạt cho học sinh của mình biết”.
Bác Nguyễn Duy Chuẩn (học viên cao tuổi nhất trong lớp Hán- Nôm ở Song Hồ) tâm sự: “Trước đây nhiều năm bản thân tôi đã muốn học chữ Hán- Nôm. Giờ có điều kiện để học, được học miễn phí như thế này tôi rất vui. Học chữ Hán- Nôm đã giúp tôi hiểu thêm về đạo đức, chuyện “làm người”. Có nhiều người hỏi, tôi tuổi đã cao rồi còn học để làm gì. Với tôi đơn giản học chỉ để biết thêm. Biết được cái gì thêm cũng có lợi cho mình”.
Những lời mộc mạc ấy giúp chúng tôi nghiệm rõ hơn điều mà NGND Nguyễn Tiến Chấn tâm đắc. Đó là người học Hán- Nôm ngày nay thường có chung những suy nghĩ: Nền văn hoá cổ truyền của dân tộc Việt Nam gắn liền với chữ Hán, chữ Nôm. Mở bất cứ một tác phẩm văn học nào của ông cha đều gặp không ít điển tích mà nếu không biết chữ Hán thì không thể hiểu hết được. Mà đã không hiểu thì không thể cảm nhận đước hết cái hay, cái đẹp, sự sâu sắc trong văn học cổ.
Điều thú vị nữa tại những lớp Hán- Nôm ở Thuận Thành là không chỉ có những học viên học chữ để phục vụ cho nghề nghiệp, có những người già học để tìm hiểu văn hoá cha ông để lại, mà còn có cả những người trẻ tuổi đang kiếm sống bằng những nghề tưởng chừng không hề liên quan đến “cái chữ của các cụ”, như anh Nguyễn Đức Phú (kinh doanh đồng hồ đeo tay). Lý do học chữ Hán- Nôm của anh Phú là thế này: “Các cụ và cha ông ngày xưa rất nhiều người am hiểu về chữ Hán- Nôm, tôi là lớp trẻ tuổi nối tiếp cũng cần hiểu biết để sau này giúp ích thêm cho mình và hy vọng có thể dùng những hiểu biết của mình để giúp ích cho mọi người xung quanh. Trong hiện tại, tiếp thu được chữ Hán- Nôm giúp tôi hiểu được nhiều nghĩa của từ ngữ gặp hàng ngày. Cơ bản là việc học Hán- Nôm giúp bản thân tôi có được những thay đổi trong suy nghĩ và cách sống. Từ việc học chữ, bản thân tôi cảm thấy muốn học hỏi thêm nhiều điều hay lẽ phải”.
Thầy Nguyễn Hữu Phần thì lý giải “sức hút” của việc học chữ Hán- Nôm: “Khắp nhiều miền quê, các chùa, đình làng, di tích lịch sử của địa phương còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, bia đá... ghi chép bằng chữ Hán, chữ Nôm về lịch sử, văn hoá làng, thân thế sự nghiệp những vị danh nhân, hiển thánh của địa phương... Biết chữ Hán- Nôm để biết rõ hơn “nguồn cội” đó mà truyền lại cho thế hệ con cháu thì đáng để học lắm”.
Từ những tìm hiểu, chiêm nghiệm của mình, NGND Nguyễn Tiến Chấn dẫn giải rằng Bác Hồ thường vận dụng những tinh hoa trong Hán học và Đông phương học, nhất là về vấn đề tu thân để giáo dục cán bộ và nhân dân, phải: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; phải rèn luyện mình về mọi mặt: “Tâm, trí, khí, lực, pháp, hành”... Do đó, biết chữ Hán giúp lĩnh hội được rõ hơn, sâu hơn những lời dạy của Bác. “Thêm nữa, mỗi lần Tết đến, xuân về người dân có tục xin chữ, viết câu đối để trưng bày trong nhà cho may mắn, tươi vui, học được ít “chữ thánh hiền” để hiểu thêm, biết thêm về những nét đẹp cổ truyền đó thì còn gì thú vị bằng”- thầy Chấn cho biết.
Chia tay với những người đang tận dụng thời gian rảnh để dạy, dường như chúng tôi cảm nhận rõ hơn về góc bình yên và tươi đẹp đáng quý ở một vùng quê... Những đứa trẻ tiểu học vào ngày nghỉ đến vui đùa, chơi trò nhảy dây trong sân trường... Sau này, trong bài học ở lớp, có thể chúng sẽ được thầy, cô giảng giải thấu đáo về một từ Hán- Việt nào đó trong sách giáo khoa, hay được dạy về một giai đoạn xa xưa của dân tộc, khi mà những áng văn chương được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm; cũng có thể trong số những đứa trẻ ấy, khi đi học ở trường về còn được ông, bà, bố, mẹ (người biết dăm chữ Hán- Nôm) truyền thụ miệng về nghĩa sâu xa của những từ thường gặp. Để thấm thêm cái hay, cái đẹp, sự phong phú của ngôn ngữ mà người Việt xưa và nay đã dùng.
NGND Nguyễn Tiến Chấn: “Các lớp học Hán- Nôm ở Thuận Thành có một điểm chung là tất cả các thầy dạy chữ có người là cán bộ, sỹ quan về hưu, có người là dân thường. Song tất cả đều tự nguyện không nhận thù lao, tất cả đều dạy vì yêu mến chữ Hán- Nôm, yêu văn hoá cố truyền của ông cha mà hết lòng truyền bá càng nhiều người biết, càng tốt”. |
Thầy Nguyễn Hữu Phần (giảng viên một lớp Hán- Nôm ở Thuận Thành): “Trong các thầy dạy Hán- Nôm có người chưa hề qua một trường lớp sư phạm. Nên có lẽ chỉ dám nhận là người biết hơn truyền đạt lại kiến thức cho người không biết. Những người thầy như vậy thường tâm niệm: Để lại một khoản tiền ít hay nhiều cho ai đó thì có thể họ tiêu cũng hết, nhưng để lại kiến thức mà từ đó họ truyền lại được cho người khác, hoặc làm việc có ích, thì kiến thức đó sẽ tồn tại muôn đời. Việc truyền chữ sẽ giúp chữ Hán- Nôm được tồn tại từ đời này sang đời khác, lưu truyền và giữ được nét đẹp văn hoá cổ truyền của các cụ để lại từ xa xưa cho tới nay”. |
Gia Khánh, Giang Thị Lã
Chú thích:
(1) Câu nói của Khổng Tử.
(2)Câu nói của Bồ Đề Đạt Ma (“Học trong quá khứ, sống trong thực tại, chuẩn bị cho tương lai”).