Phát triển kinh tế rừng ở Chợ Đồn (Bắc Kạn): Mở hướng thoát nghèo cho người dân

GD&TĐ - Thời gian qua, với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, huyện Chợ Đồn đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó đặc biệt chú trọng việc trồng rừng. Nhờ đó, một bộ phận người dân đã có thu nhập ổn định từ rừng.

Từ việc phát triển kinh tế rừng nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã vươn lên thoát nghèo.
Từ việc phát triển kinh tế rừng nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã vươn lên thoát nghèo.

Từ miền xuôi lên miền núi lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhờ ý chí vươn lên cộng với tinh thần ham học hỏi, chăm chỉ lao động, ông Phạm Văn Uyển, thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo đã vươn lên để có cuộc sống khá giả từ rừng...

Nhớ lại những năm tháng trước đây, ông Uyển cho biết: Những năm 1990-1991, khi mới đặt chân lên đất Đại Sảo, tôi được bà con địa phương bày cho cách trồng quế. Sau đó, tôi đánh liều vay vốn để trồng 4ha quế. Vừa chăm sóc quế vừa đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Cũng may, quế là cây dễ trồng, dễ chăm sóc nên không mất nhiều công sức và thời gian.

Từ năm 2013-2015, nhận thấy cây quế có thể đem lại nguồn thu, ông Uyển đầu tư trồng tiếp 7,5ha quế. Đến nay, gia đình ông đã có trên 11ha rừng quế, mỡ... Từ năm 2014, gia đình ông bắt đầu khai thác 1,9ha quế, sau khi trừ chi phí, ông thu được 400 triệu đồng. “Với giá bán hiện tại khoảng 17 nghìn đồng/kg, riêng phần vỏ quế thu được từ 750-800 nghìn đồng/cây; lá quế cũng bán được 1.000 đồng/kg.

Thấy được hiệu quả từ việc phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là cây quế, bà con các thôn đã tích cực hưởng ứng trồng quế, đến nay nhiều hộ gia đình của xã đã có thu nhập ổn định từ trồng rừng. Một số hộ gia đình trên địa bàn có thu nhập khá từ rừng, chiếm 50% tổng thu nhập hằng năm. Điển hình là hộ anh Bùi Minh Thủy, thôn Nà Ngà trồng 3,4ha quế; hộ anh Bùi Xuân Long trồng 1ha quế. Nhờ đó, diện tích cây quế được trồng mới trên địa bàn xã trong năm 2018 đạt 20ha, góp phần nâng cao tỷ lệ phủ xanh đất rừng.

Ở thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn cũng có gia đình ông Bàn Văn Lương đầu tư trồng rừng cây mỡ trên những vùng đồi trọc. Ông Lương chia sẻ: “Cách đây gần chục năm, gia đình tôi trồng 10ha rừng, phần lớn diện tích đã cho khai thác. Mỗi ha thu khoảng 2.000 cây mỡ, mỗi mét khối giá từ 500 nghìn đến một triệu đồng. Vài năm gần đây, cây mỡ bắt đầu khai thác tỉa và cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình thoát nghèo, có của ăn, của để”.

Theo ông Bàn Văn Nguyên, Trưởng thôn Bản Ca: Những năm qua, công tác phát triển rừng trồng trên địa bàn đạt được một số kết quả tích cực. Người dân đã trồng được 420ha rừng keo, mỡ, quế. Hộ trồng nhiều thì có 7ha, hộ ít cũng gần 1ha, trong đó, 2/3 diện tích rừng đã đến tuổi khai thác. Từ khai thác rừng trồng, nhiều nhà trong thôn đã mua được ti vi, xe máy. Có 25 hộ sắm được máy cày, mua máy kéo phục vụ khai thác gỗ, nhà ở được kiên cố hóa, số hộ nghèo chỉ còn 13 hộ”.

Năm 2019, huyện Chợ Đồn được giao chỉ tiêu trồng mới 1.055ha rừng. Trong đó, trồng rừng lại sau khai thác chủ rừng tự đầu tư trên 640ha, trồng rừng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 410ha. Anh Triệu Tài Coi, ở Tiểu khu 277, thôn Phiêng Lằm, xã Bản Thi-người vừa được nghiệm thu thanh toán trên 6,3 triệu đồng cho 1ha rừng trồng mới phấn khởi cho hay: “Đây là năm đầu tiên tôi tham gia trồng rừng. Tuy chưa có hiệu quả kinh tế ngay nhưng tôi rất vui vì được hỗ trợ giống và tiền công trồng cây. Tôi mong rằng, trong những năm tới, người dân địa phương sẽ có thể sống được từ việc trồng rừng”.

Ông Vũ Văn Thịnh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Chợ Đồn cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động phối hợp cùng chính quyền các xã, thị trấn thường xuyên rà soát những diện tích đất trống, diện tích rừng đến tuổi khai thác để đôn đốc chủ rừng đẩy nhanh tiến độ khai thác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khai thác đến đâu thì tiến hành trồng rừng lại ngay đến đó, không để đất trống nhằm bảo đảm kế hoạch trồng rừng đề ra”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ