Tết đến rồi, Trường Sa!

GD&TĐ - 'Tết này con được ở Trường Sa,/Cùng bạn bè vui Tết đảo - nhà,/Biển cả - quê hương, vờn sóng biếc,/Phong ba đua nở, đón Xuân về!'…

Quần đảo Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.
Quần đảo Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Tôi thầm đọc những câu thơ ấy khi mùa Xuân bừng trên nụ đào, óng ánh trên bụi mưa giăng giăng. Từ đây, câu chuyện đón Tết nơi đảo xa của những người thầy, người chiến sĩ mà tôi được nghe khi tham gia hải trình đến với Trường Sa của Đoàn công tác số 6 hồi tháng 4/2024, lại dội về…

Bài thơ Xuân năm ấy

Tết ở đảo con

Bác sĩ Khương Văn Chữ (Bệnh xá trưởng, đảo Song Tử Tây - Trường Sa, Khánh Hòa)

Tết này con được ở Trường Sa,

Cùng bạn bè vui Tết đảo - nhà,

Biển cả - quê hương, vờn sóng biếc,

Phong ba đua nở, đón Xuân về!

Tết ở đảo con còn thiếu nhiều,

Có đâu câu đối vẽ giấy điều,

Có đâu nêu mọc 3 ngày Tết,

Thịt mỡ, dưa hành… Chẳng có đâu!

Tết ở đảo con lại rất vui,

Hội thao tuổi trẻ, “đánh” tới, lui

Dô hò kéo pháo vang trận địa,

Bắn biển, phòng không nát bia diều.

Tối đón Giao thừa,

Tất cả quây quần bên mâm pháo:

Đọc báo, nghe đài, “hái hoa”…

Cành phong ba, thay đào bích

quê nhà,

Nở đầy “hoa dân chủ”,

Xuân sang, “pháo nổ” rát tay trần!

Mừng Xuân:

Điếu thuốc phân mười, mỗi người một đoạn,

Hút một hơi, thắm tình đồng đội,

Quên đi nỗi khổ,

Khi “bới dế” cả ngày không được,

Về hút lá phong ba, không còn cả nước điếu cày để tẩm!

Ly nước xoay vần,

Mỗi người một ngụm,

Nhường nhau, ấm mát tình người!

Vui Xuân:

Tốp thì đánh bài, chơi cờ, đan lưới…

Cười giòn như ngô rang,

Sách báo thuộc lòng,

Đọc lại vẫn hay!

Thư tình xem chung,

Cười khùng khục…

Nhận được “cái hôn” sau sáu – bảy tháng trời!

Đàn chơi không bản nhạc,

Giọng hát thiếu thuốc lào,

Mà tán thưởng, vỗ tay rào rào giòn hơn pháo!…

Ngày Xuân trên đảo,

Trời đầy nắng,

Biển khơi tràn sóng,

Lòng lâng lâng niềm tin!

(Xuân 1988)

Xuân Mậu Thìn (1988), Đại tá, Thầy thuốc Ưu tú Khương Văn Chữ (Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân) đón Tết Nguyên đán trên đảo Song Tử Tây. Gần 40 năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in về cái lần đầu tiên ấy.

Ông kể, lợn, gà thậm chí cả bò đều nuôi được trên đảo nên “cỗ” rất sung túc. Bánh chưng cũng thế, được gói đủ đầy. Phòng đón Giao thừa thì luôn bừng sắc đào, mai… bằng giấy hoặc nilon.

Chỉ có rượu là vắng bóng và nước ngọt thì phải thật tiết kiệm. Một ca nước đun sôi cứ truyền tay nhau mà không ai dám uống vì sợ người sau không còn. Tình cảm đồng chí, đồng đội thân thiết, gắn bó, sẻ chia như một gia đình là thế.

“Năm đó, lính công binh làm tất niên trước, thịt con lợn hơn tạ và mời chỉ huy các đầu mối. Tất cả ngồi vào mâm cỗ rồi nhưng cứ nhìn nhau trong sự hiểu ý: Chờ ông bác sĩ Chữ tới để có chút… “rượu chanh” (pha từ cồn trắng, cho viên poli vàng vào), để mỗi người một ngụm rồi khai tiệc cho tưng bừng”, dứt lời kể chuyện vui đêm Giao thừa, bác sĩ Khương trầm giọng: “Tôi đã ghi lại cảm xúc về cái Tết đầu tiên trên đảo trong bài thơ nhỏ “Tết ở đảo con”. Đây là lời của người con gửi về đất Mẹ - là Tổ quốc, là nhân dân:

Tết này con được ở Trường Sa,

Cùng bạn bè vui Tết đảo - nhà,

Biển cả - quê hương, vờn sóng biếc,

Phong ba đua nở, đón Xuân về!”…

Cứ thế, những lời thơ chan chứa cảm xúc được viết từ trái tim hòa cùng tiếng gió, tiếng sóng của bác sĩ trẻ tuổi năm xưa, mở dần ký ức tươi đẹp, tự hào.

Đó là, lần đầu tiên đón Tết giữa trùng khơi chẳng thể đủ đầy cây nêu, câu đối vẽ giấy điều, thịt mỡ, dưa hành… như trong đất liền. Vậy nhưng, người chiến sĩ trẻ chẳng hề cảm thấy trống vắng, lẻ loi, thiếu thốn mà chỉ thấy tràn ngập niềm vui, lòng tin yêu, tình đồng đội sắt son.

Niềm vui từ hội thao “Dô hò kéo pháo vang trận địa/ Bắn biển, phòng không nát bia diều”; từ những tiếng cười giòn vang ở tốp chơi cờ, đánh bài, đan lưới… Du dương, êm ái hơn là nhóm đọc lại sách báo dù đã thuộc lòng mà vẫn say sưa; nhóm chơi đàn không bản nhạc, hát giọng… thiếu thuốc lào mà vẫn được tán thưởng và cả những lá thư tình… xem chung “Cười khùng khục…/Nhận được “cái hôn” sau sáu – bảy tháng trời!”.

Rồi thì lúc Giao thừa là những quây quần bên mâm pháo nào là đọc báo, nghe đài, “hái hoa”… “Đào bích” phong ba cũng “nở đầy hoa dân chủ”. Tiếng pháo đón Giao thừa trên đảo giòn giã là khi chiến sĩ “rát tay trần”.

Đặc biệt hơn cả: “Mừng Xuân:/Điếu thuốc phân mười, mỗi người một đoạn,/Hút một hơi, thắm tình đồng đội,/Quên đi nỗi khổ,/Khi “bới dế” cả ngày không được,/Về hút lá phong ba, không còn cả nước điếu cày để tẩm!/Ly nước xoay vần,/Mỗi người một ngụm,/Nhường nhau, ấm mát tình người!”. Bác sĩ Chữ nghẹn lại từng câu, từng chữ, như thể ông đang gặp lại đồng đội, đồng chí mình trong ngày Xuân năm ấy!

Kỷ niệm không quên!

Nhắc đến Tết ở Trường Sa, Trung tá Lê Ngọc Nam - Chính trị viên đảo Đá Tây sôi nổi cùng câu chuyện anh đã miệt mài, tâm huyết thế nào để chuẩn bị cho những ngày đón năm mới cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sao cho thật tưng bừng, vui tươi.

Anh thường tham mưu với thủ trưởng tổ chức các trò chơi dân gian tạo không khí không khác gì so với đất liền, như: Bịt mắt đập niêu đất, nhảy bao bố ném vòng cổ chai, đá bóng bỏ chậu, đẩy gậy, kéo co, bịt mắt đá bóng vào chậu, bịt mắt bắt vịt…

Vì vậy, không khí đón Tết nơi đảo xa luôn náo nhiệt, hân hoan như ở đất liền. Mọi người đều hào hứng đón nhận và nhanh chóng nhập cuộc vào các trò chơi. Với những trò mới và phức tạp, anh Nam sẽ hướng dẫn hoặc trực tiếp tham gia cùng.

Để duy trì cho dân quân cùng vui chơi, tạo phong trào đều khắp, anh sắp xếp từ trò dễ đến trò khó và ai xuất sắc là được trao giải thưởng. Riêng với các em nhỏ sẽ có sự phân loại trò chơi phù hợp từng độ tuổi để em nào cũng có thể cùng vui.

Tiếng reo hò vang khắp đảo, dường như át cả tiếng sóng xô bờ. Và niềm vui lớn nhất đối với người tổ chức là được thấy những nụ cười rạng ngời trên gương mặt mỗi quân – dân dưới nắng Xuân.

“Chúng tôi rất vinh dự tự hào khi được ở đây và chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Từ nhiệm vụ cao cả đó mà chúng tôi luôn giáo dục, động viên cho bộ đội xác định quyết tâm và phát huy tốt vai trò trong từng nhiệm vụ.

Nhất là trong ngày lễ Tết, chúng tôi luôn gần gũi, chia sẻ, gắn kết với đồng chí, đồng đội trong từng bữa ăn, giấc ngủ; đặc biệt là tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để vơi đi nỗi nhớ nhà của cán bộ, chiến sĩ, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Nam nhấn mạnh.

Với Thiếu tá Phan Tiến Định, thuyền trưởng tàu HQ 571 (Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân), trong hơn 10 năm gắn bó với những con tàu vượt sóng đến Trường Sa, anh nhớ về các chuyến hàng Tết đầy ắp nghĩa tình của đất liền gửi ra hải đảo. Không ít lần gặp sóng to, gió lớn, nhưng anh và các đồng đội luôn giữ vững tay lái để đảm bảo hàng hóa không bị mất mát, hư hỏng.

“Năm đó, tôi nhận nhiệm vụ chở hàng Tết và gặp thời tiết xấu làm tàu nghiêng ngả. Có một hình ảnh làm tôi luôn bật cười mỗi khi nhớ lại là các chú lợn cũng bị say sóng nên mệt nhoài và lười biếng nằm dài ra để ăn. Vào đến đảo mà các “đồng chí” ấy vẫn thiêm thiếp “giấc nồng”, lay mấy cũng mặc”, anh Định kể trong tiếng cười vui.

Thượng úy Nguyễn Văn Hợi thì kể chuyện cùng đồng chí, đồng đội đón Tết Giáp Thìn trên đảo Sinh Tồn Đông. Sâu thẳm trong lòng là nỗi nhớ gia đình nhưng mọi người luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đồng thời hăng hái tham gia thi gói bánh chưng, đấu thể thao, văn nghệ, hái hoa dân chủ...

Giờ phút Giao thừa cùng nghe Chủ tịch nước chúc Tết thật ấm áp, xúc động. “Đã được cấp trên giao nhiệm vụ thì chúng tôi có thể lên đường bất cứ lúc nào, kể cả chỉ còn cách Tết vài ngày.

Như lần tôi ra đảo Đá Thị vào đơn vị nhận quyết định là đi, trong khi mới đó hai con nhỏ còn tíu tít mừng vui Tết năm nay có bố ở nhà đưa đi chơi. Mừng là vợ tôi luôn thấu hiểu, chia sẻ và ở bên động viên, vỗ về các con”, anh Hợi nói.

Với các chiến sĩ ở tuổi đôi mươi đang trực tiếp canh gác biển đảo Trường Sa như khẩu đội trưởng Lê Ngọc Thanh (Len Đao), Đào Uy Tín (Song Tử Tây), Huỳnh Tấn Tài (Sinh Tồn Đông), Nguyễn Xuân Giáp (Trường Sa Lớn)... thì lần đầu tiên đón Tết trên đảo là những lạ lẫm, ngạc nhiên.

Nhờ đó, những người chiến sĩ trẻ ấy không chỉ thấu tỏ tình đồng chí, đồng đội, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, mà còn thêm vững vàng đưa ra dự định nghề nghiệp tương lai sau khi hoàn thành nghĩa vụ: “Tôi sẽ về quê học nghề điện lạnh hoặc sửa chữa ô tô…”, như Lê Ngọc Thanh chia sẻ.

Còn hạ sĩ Lê Bá Tuấn cũng bày tỏ niềm vui khi hồi tháng 9/2023 được đón sinh nhật tuổi 20 và nối đó là Tết Giáp Thìn trên đảo Đá Tây B. “Lần đầu tiên tôi được tự tay gói bánh chưng ngày Tết qua sự hướng dẫn tận tình của các thủ trưởng. Tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều”, Tuấn nói.

Binh nhất Đinh Trọng Nghĩa (Trường Sa Lớn) năm nay mới 18 tuổi thì khoe: “Tôi thấy hào hứng, hạnh phúc, hãnh diện khi được nhận nhiệm vụ công tác ở Trường Sa. Tết ở ngoài đảo rất vui, điều khác là không có gia đình ở bên nhưng tôi lại có đồng chí, đồng đội thành gia đình”.

tet-den-roi-truong-sa-3.jpg
Tết ở Trường Sa không thể thiếu hoạt động giao lưu văn nghệ. Ảnh: Bình Thanh.
tet-den-roi-truong-sa-4.jpg

Dù xa mà không xa…

Đến Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa, tôi được chứng kiến cuộc gặp gỡ xúc động giữa thầy Cao Văn Truyền và chị Đặng Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam:

- Chào thầy. Trong chương trình Tết sum vầy - Xuân chia sẻ 2024 do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu có kết nối trực tuyến giao lưu với các thầy, cô giáo đang công tác tại huyện Côn Đảo và quần đảo Trường Sa (gồm Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn). Thầy là đại diện của Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa?

tet-den-roi-truong-sa-2.jpg
Cuộc gặp gỡ xúc động giữa thầy Cao Văn Truyền (Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa, Trường Sa, Khánh Hòa) và chị Đặng Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

- Đón Tết 2024, tôi là đại diện ở điểm cầu Trường Sa Lớn tham gia giao lưu và nhận lộc đầu Xuân từ chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”. Tôi vẫn nhớ hôm đó nhận được điện thoại của Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân. Sau đó, tôi và thầy Hạnh nhận được món quà ý nghĩa từ đất liền. Đến giờ tôi vẫn thấy bất ngờ như một giấc mơ. Đúng là Trường Sa, dù xa mà không xa…

- Hôm đó được là người thay mặt các thầy ở Trường Sa hái lộc Xuân rồi gửi tới đảo xa, tôi thấy rất vui và vinh dự. Tôi luôn mong được gặp các thầy và điều đó giờ đây đã thành hiện thực…

Một cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng kỳ thực đã được kết nối từ những ngày Xuân trước. “Duyên ngày Xuân tiếp tục được chúng tôi nối dài. Khi về đất liền tôi kết nối thêm những món quà, tấm lòng, tình cảm của Công đoàn Giáo dục gửi tới Trường Sa. Tôi rất hạnh phúc về mối duyên đặc biệt này”, chị Hoàng Anh chia sẻ.

Lần đầu tiên xa nhà, đón Tết nơi đảo xa, thầy Bùi Tiến Anh (Trường Tiểu học Song Tử Tây) kể, sau những việc cùng dọn dẹp vệ sinh, gói bánh chưng… với quân dân trên đảo, ngày cuối năm đem lại cảm giác hơi buồn.

“Tuổi thanh niên đang vui với bè bạn nơi đất liền, nhất là vào đêm Giao thừa vậy nhưng nay ở trên đảo chỉ có tiếng sóng, tiếng gió ồn ào... Nhưng, thoáng buồn ấy cũng nhanh vơi khi đất trời giao hòa, tôi sang nhà đèn rồi qua các hộ dân, doanh trại bộ đội chúc Tết và như thấy mình được trở về nhà. Đám trò nhỏ cứ níu chân mà ríu ran suốt những ngày đầu năm mới”, thầy Tiến Anh bày tỏ.

Còn với thầy Lê Xuân Hạnh (Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa), dù rằng Tết trên đảo không có ly bia, ly rượu chúc mừng mà thay vào đó là ly trà nhưng lúc nào cũng ấm áp tình quân dân sum vầy. Những câu chuyện được kể, những câu hát, bài thơ cứ thế ngân vang:

“Én chao lượn khắp trời/

Ngân vang tiếng hải âu

Vẫy gọi nàng Xuân về…”.

(Mùa Xuân, Lê Xuân Hạnh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ