Giáo dục đại học: Hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển

GD&TĐ - Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.

Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, quá trình triển khai luật cũng đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi cần sửa đổi bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

Diện mạo mới

Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013 và được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 (Luật số 34). Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Luật số 34 có nhiều điểm mới, tháo gỡ một số điểm nghẽn cho giáo dục đại học, trong đó có vấn đề tự chủ.

Sau 5 năm thực hiện, TS Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đại học, trong đó nhấn mạnh tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đại học, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm hội nhập quốc tế.

Qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài…

Theo các chuyên gia, đại diện cơ sở giáo dục đại học, với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện tự chủ đại học, ban hành Luật số 34 là chủ trương đúng đắn, tạo nên diện mạo mới cho nhiều cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện Luật số 34, ĐH Bách khoa Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực.

Giám đốc Huỳnh Quyết Thắng viện dẫn, tổ chức bộ máy ngày càng tinh gọn, hiệu quả; số cán bộ giảng dạy tăng; giảm số lượng cán bộ hành chính. 4 năm qua, đơn vị tăng 10% chương trình đào tạo bằng tiếng Anh; phát triển hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất cho người thầy và người học; tự chủ đại học trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp và hợp tác quốc tế với ĐH Bách khoa Hà Nội rất lớn.

hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-de-phat-trien-1-3122.jpg
Một hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: TG

Nảy sinh bất cập

Tuy nhiên, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhận thấy, còn một số khó khăn trong thực hiện Luật số 34 như: Chưa có quy định cụ thể về gắn kết giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; thiếu quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế đặt hàng nghiên cứu với những lĩnh vực đặc thù phục vụ phát triển đất nước; chưa xây dựng quy định cụ thể hỗ trợ việc tuyển dụng, thu hút nhân tài, các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu tại cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Khẳng định, Luật Giáo dục đại học và Luật số 34 đã mở ra hệ thống pháp lý tốt, tạo căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt hơn, song GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần đưa các trường cao đẳng thuộc giáo dục đại học để đảm bảo tính hệ thống và phân tầng cơ sở giáo dục đại học.

Qua đó, nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quản lý Nhà nước.

Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục có năng lực không đồng đều nhau về nguồn nhân lực chất lượng cao. GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh, cần thiết sửa luật trong bối cảnh thực hiện vai trò dẫn dắt hệ thống, đảm bảo đầu ra thống nhất và công bằng.

Đồng thời, đề xuất bổ sung giao trách nhiệm Bộ chủ quản phải ban hành các Chuẩn theo Luật, để minh bạch, rõ ràng trong quản lý Nhà nước. Ngoài ra, cần làm rõ tự chủ bộ máy, tổ chức với tự chủ tài chính - là điều kiện của tự chủ học thuật chuyên môn…

Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật số 34, GS.TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chúng ta đang hướng tới kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của công nghệ cao.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Luật Giáo dục đại học phải thay đổi, bởi các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu chính là nơi tập trung cao nhất của trí tuệ để các trường đại học có tâm thế, vị trí mới, đào tạo nhân lực, đáp ứng thời đại mới.

Luật số 34 như luồng gió mới, với nhiều thành công lớn trong chuyển đổi cơ cấu chương trình đào tạo. GS.TS Nguyễn Đình Đức ghi nhận, nếu không có cạnh tranh, không có tự chủ thì khó có những điều đổi mới như vậy.

Tuy nhiên, Luật số 34 còn những hạn chế như: Tự chủ nhưng chưa được tự quyết; vướng mắc với một số bộ luật khác. GS.TS Nguyễn Đình Đức mong muốn, với sự chuyển biến mạnh mẽ của thời đại công nghệ số, Luật Giáo dục đại học sẽ được sửa đổi, hoàn thiện, có cơ chế thúc đẩy, đào tạo nhân tài, góp phần phát triển đất nước.

Từ những khó khăn, bất cập đối với vấn đề tự chủ đại học, PGS.TS Đoàn Đức Lương - Trường ĐH Luật (ĐH Huế) đề xuất, cần sửa đổi khoản 11, Điều 4 Luật số 34 về: Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về quản trị và nhân sự, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng giáo dục, học thuật, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, cần ban hành Nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ đại học và quyền tự chủ theo mức độ của các cơ sở giáo dục đại học làm cơ sở pháp lý thực hiện, tránh chồng chéo với các quy định khác. Mặt khác, cần bổ sung một khoản trong Điều 51, Luật Giáo dục đại học năm 2012: Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học về kiểm định chất lượng giáo dục đại học để đảm bảo quyền tự chủ trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn quy định tại Điều 31, Nghị định 60/2021/NĐ- CP về Tự chủ tài chính của đại học vùng thực hiện theo quy định tại Nghị định này và quy định: Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể về tự chủ tài chính của đại học vùng. Bộ cũng phải rà soát và tích hợp các văn bản liên quan đến bảo đảm chất lượng giáo dục (đảm bảo chất lượng trong và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo) tạo thuận lợi trong việc nghiên cứu, tập huấn cũng như áp dụng trong thực tiễn.

hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-de-phat-trien-2.jpg
Nghiên cứu khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TG

Cần xây dựng luật mới

GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, tài chính, kiểm toán và các đơn vị thanh tra để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong việc thực thi pháp luật. Sự phối hợp này giúp tránh chồng chéo trong quản lý và đảm bảo rằng các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật được xử lý kịp thời.

Tự chủ đại học cũng đặt ra vấn đề yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học quan tâm nhiều hơn đến hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ. Do đó, GS.TS Nguyễn Đông Phong đề xuất, đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp; đặc biệt là những người chịu trách nhiệm thực thi pháp luật về giáo dục đại học. Các khóa đào tạo này bao gồm cả kỹ năng quản lý, hiểu biết về pháp luật và năng lực sử dụng công nghệ trong quản lý.

Về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế TPHCM đề xuất, cần tiếp tục đổi mới quản lý Nhà nước và quản trị nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình. Hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Theo quy định, cơ sở giáo dục được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD&ĐT công nhận để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đông Phong nhìn nhận, trên thực tế, các cơ sở giáo dục đại học công lập phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Hiện, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo Luật Đấu thầu (Luật số 22/2023/QH15) gặp nhiều khó khăn vì thời gian đấu thầu kéo dài, số lượng các tổ chức kiểm định trong nước chưa nhiều.

Các tổ chức kiểm định quốc tế không tham gia dự thầu nên rất khó thực hiện đúng tiến độ hoàn thành kiểm định chương trình đào tạo theo quy định tại Quyết định 78/QĐ-TTg ngày 14/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”. Vì vậy, GS.TS Nguyễn Đông Phong cho rằng, cần xem xét có thể cho phép thực hiện cơ chế chỉ định thầu trong công tác kiểm định chất lượng.

Tại Phiên họp “Đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2023”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, Luật số 34 xuất hiện những hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kinh tế số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dẫn đến sự thay đổi về nhu cầu nguồn nhân lực, cơ cấu nhân lực, cách thức dạy và học, ứng dụng công nghệ trong đời sống.

Thứ trưởng cho rằng, trước yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, với những quan điểm, tư duy mới trong xây dựng hệ thống pháp luật, cần xây dựng luật mới đáp ứng sự thay đổi, khắc phục bất cập, phù hợp với xu thế, thể chế hóa các chủ trương mới.

Với một số điểm nghẽn còn đang tồn tại, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần bắt tay làm ngay, để có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, hướng tới xây dựng luật hiệu quả, phù hợp thực tiễn và có hiệu lực lâu dài.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Luật số 34 mở ra hành lang pháp lý quan trọng, tạo ra sinh khí mới. Hệ thống giáo dục đại học đang trưởng thành, thay đổi hẳn về chất và lượng, đặc biệt là về năng lực quản trị đại học, tự chủ, chất lượng chương trình đào tạo. Tất cả đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tạo ra động lực mới để phát triển, chuẩn hóa chất lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ