Dạy con chúc Tết

GD&TĐ - Tết là dịp gia đình sum họp, trao cho nhau những lời chúc để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình yêu thương.

Tết sum họp cũng là lúc mọi người đoàn viên, quây quần bên nhau, cùng nhau trao lời chúc yêu thương trọn vẹn nhất. Ảnh minh họa: INT.
Tết sum họp cũng là lúc mọi người đoàn viên, quây quần bên nhau, cùng nhau trao lời chúc yêu thương trọn vẹn nhất. Ảnh minh họa: INT.

Phong tục chúc Tết cũng là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Hiểu thêm về thứ bậc gia đình

Ngày Tết Nguyên đán là dịp để gia đình đoàn tụ, quây quần chung niềm vui đón năm mới. Khoảng thời gian này, cha mẹ và con cái gần gũi, yêu thương nhau nhiều hơn. Đặc biệt, các con được cùng ba mẹ đến thăm hỏi và chúc Tết ông bà, anh chị em xa, hàng xóm… để gắn kết mọi người bền chặt hơn.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, lời chúc Tết giống như một món quà tinh thần mang ý nghĩa vào dịp đầu năm mới. Bất kỳ ai được nhận món quà này từ một đứa trẻ thì chắc hẳn sẽ càng thấy ấm áp và hạnh phúc hơn nhiều.

Đây là một tục lệ đẹp mà người Việt duy trì vào dịp đầu năm mới. Không chỉ người lớn, mà ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cũng sẽ được học rất nhiều điều hay về phong tục tập quán cổ truyền, thái độ lịch sự… qua những câu chúc Tết.

TS Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nếu năm nào, cha mẹ cũng đưa con đi chúc Tết ông bà hai bên nội ngoại, đến nhà các cụ già lão trước, ông bà, rồi các bác, các cô chú... trẻ sẽ tự nhiên học được thứ bậc trong dòng họ. Hãy đưa trẻ đến nhà cụ già lão nhất, có vị trí cao nhất trong dòng họ, rồi lần lượt giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại đến chúc sức khỏe các cụ cao niên, rồi mới đến các ông, các bà, rồi các bác...

Đến mỗi nhà, cha mẹ lại giải thích cho trẻ về những người có mối quan hệ với gia đình mình, dạy trẻ trước cách chào hỏi, xưng hô. Trẻ sẽ không thể nhớ ngay được từng người hoặc hiểu ngay được vị trí các mối quan hệ nhưng sẽ hình dung khái quát được về liên kết họ hàng.

Thực tế, nhiều gia đình thường bỏ qua sự có mặt của trẻ trong các cuộc gặp mặt họ hàng, người lớn tuổi. Hầu hết cha mẹ cho rằng trẻ đi cùng chỉ “vướng chân vướng tay”, lại chẳng biết ai với ai nên tốt hơn hết là “cho ở nhà”. Điều này vô tình khiến trẻ thờ ơ với mối quan hệ gắn kết thành viên trong gia đình, dòng họ…

TS Nguyễn Thị Thanh khuyên rằng, phải duy trì các hoạt động thăm viếng thường xuyên, định kỳ vào các dịp lễ Tết hàng năm với sự có mặt của trẻ. Nên nhớ, đi đến đâu, trẻ cũng phải được cha mẹ giới thiệu nghiêm túc, đầy đủ với các ông bà, cô dì, chú bác. Điều quan trọng là cho trẻ cảm giác được người lớn tôn trọng và quan tâm vì sự có mặt của con.

Dạy con lời chúc chân thành

Theo TS Nguyễn Thị Thanh, với mỗi cuộc viếng thăm ngày Tết, nếu có quà, hãy để bé nhận trách nhiệm. Con sẽ phải học cách cúi đầu, nói những câu chúc, cách tặng quà và nhận quà lễ phép nhất. Điều này khó thực hiện với những trẻ nhút nhát.

Tuy nhiên, cha mẹ có thể giúp con thực hành trước ở nhà. Nếu trẻ làm không trôi chảy cũng không sao. Người lớn có thể đỡ lời và khuyến khích để con làm tốt hơn lần sau.

Đưa con đi chúc Tết vừa là cơ hội dạy con biết giao tiếp lưu loát, vừa cho trẻ thấy rõ vị trí quan trọng của mình khi có mặt trong các cuộc gặp của người lớn. Do vậy, cha mẹ hãy nhớ đưa trẻ vào câu chuyện của năm mới. Trẻ sẽ thấy thích những người họ hàng vì họ biết và hỏi han trẻ.

Cha mẹ phải là người nghiêm túc trong công việc hướng con tham gia vào các hoạt động chung. Đôi khi, trẻ không thể có thái độ nghiêm túc hay tích cực ngay như người lớn mong muốn, nhưng cần giúp con tạo được thói quen và nền nếp.

“Một nét truyền thống nào đó cũng phải được tạo dựng qua nhiều năm tháng. Do đó, bạn không cần phải vội vàng. Bí quyết lớn nhất để xây dựng được thói quen duy trì truyền thống, nét đẹp của gia đình trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ là tạo dựng cho chúng thấy rõ vị trí quan trọng trong sự kế thừa của con trẻ đối với truyền thống của gia đình do cha ông để lại”, TS Thanh chia sẻ và gợi ý, cha mẹ có thể dạy trẻ những lời chúc dễ nhớ, chân thành. Với ông bà thì chúc “khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”.

Một số câu chúc như: “Năm mới, con chúc ông/bà thật mạnh khỏe, vui tươi và hạnh phúc ạ!”, “Năm mới, con chúc ông bà sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi ạ!”; Với người lớn thì chúc “sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài”, với anh/chị thì chúc “hạnh phúc, may mắn!”…

Những lời chúc ba mẹ dạy con cần ngắn gọn, dễ hiểu để trẻ dễ dàng ghi nhớ và phản xạ tự nhiên. Đặc biệt, khi hướng dẫn con chúc Tết, ba mẹ cũng cần dặn dò con về cách cư xử lịch sự, nhã nhặn như tươi cười, niềm nở, đồng thời tuân theo những quy tắc của nhà người khác, không quậy phá, nghịch ngợm, không đạp lên tường và đồ đạc, không chạy nhảy trong nhà, làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, không chạm vào các vật dễ vỡ, đặc biệt là khi đã được người lớn nhắc nhở; Hiểu và tuân theo tín hiệu không lời để ngừng làm việc gì đó…

TS Nguyễn Thị Thanh cho biết, khi đưa bé đi chúc Tết ông bà, hãy tâm sự với con về những đóng góp của tổ tiên với con cháu và sự vất vả của ông bà đã nuôi cha mẹ nên người. Hãy là tấm gương về những hành động ứng xử với người lớn tuổi để trẻ cảm nhận sâu sắc và tự nhiên về tình cảm và sự tri ân của ba mẹ. Hành động này sẽ giúp trẻ hiểu những khó khăn, vất vả mà ông bà, tổ tiên đã phải trải qua. Từ đó, các con thêm yêu, trân trọng những giá trị mình được hưởng để thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến ông bà, cha mẹ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ