Phát huy mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, những năm qua, Vĩnh Long đã thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, trong đó có vay tín dụng phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây là chìa khóa quan trọng để giúp nông hộ thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế.
Hơn 616 nghìn hộ thoát nghèo
Qua 20 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ các chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh đang triển khai 17 chương trình với tổng dư nợ 2.661 tỷ đồng, có 90.202 hộ vay.
Trong thời gian này, ngân hàng đã giải ngân cho trên 917.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, qua đó góp phần giúp gần 79.800 lượt hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, (trong đó có 616.000 thoát nghèo) giải quyết việc làm cho gần 90.000 lượt lao động, giúp trên 73.000 lượt học sinh sinh viên vay vốn học tập, gần 261.000 lượt hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, hỗ trợ hơn 18.000 lượt dự án/hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP Vĩnh Long cho biết như sau: “trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.Tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH TP Vĩnh Long tăng gấp 12 lần so với thời điểm NHCSXH mới đi vào hoạt động.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% phường của TP Vĩnh Long, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận kịp thời, thuận lợi. Những kết quả khá khả quan trên đã góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của TP Vĩnh Long về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội”.
Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, để nguồn vốn vay tín dụng tiếp tục là trợ lực thoát nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án cho vay đến cấp cơ sở và tận hộ dân để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận.
Các sở ban, ngành và đoàn thể tỉnh, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống ngân hàng hoàn các nhiệm vụ, phối hợp lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với công tác hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn cách làm ăn để hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
Ngoài các chương trình tín dụng truyền thống, ngân hàng cũng cần huy động vốn và bố trí thêm vốn để hỗ trợ tỉnh thực hiện các chương trình cho vay nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế để người lao động có thu nhập thấp tiếp cận nguồn vốn này.
Hiện Vĩnh Long đang triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 2.661 tỷ đồng (tăng 374 tỷ đồng so với đầu năm), với 90.198 hộ vay vốn còn dư nợ (108.983 món vay). Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt l
Sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả
Cách nay 7 năm thông qua Hội nông dân xã, gia đình ông Phan Văn Thành, cư ngụ ấp Phước Bình A, xã Phú Quới được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Long Hồ hỗ trợ 21 triệu đồng để mua ba con bò giống về nuôi.
Để giúp gia đình ông Thành nuôi bò đạt hiệu quả UBND xã Phú Quới còn giới thiệu cho ông tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi bò, nhờ vậy từ 3 con bò giống đến nay gia đình ông đã phát triển đàn bò lên 14 con, ông đã bán 11 con thu được số tiền hơn 200 triệu đồng.
Hiện tại ông Thành đã hoàn vốn vay, đàn bò nhà ông còn lại 6 con, cuộc sống gia đình giờ cũng đã khấm khá. Ông Phan Văn Thành, ấp Phước Bình A, xã Phú Quới huyện Long Hồ cho biết: "Tôi nuôi bò cũng mười mấy năm rồi nhưng cũng không đạt hiệu quả cho lắm, từ ngày có đảng ủy, ủy ban tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ bò giống tôi nuôi mấy năm nay đạt hiệu quả kinh tế, bò mấy năm nay khấm khá hơn".
Không riêng ông Thành, gia đình anh Vũ Minh Phương, khóm 3, phường 9 (TP Vĩnh Long) trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn. Thông qua vay vốn và tiết kiệm, thời điểm đầu anh vay 5 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để nuôi heo.
Đến năm 2019, gia đình thoát nghèo, anh mạnh dạn vay 60 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo để mở rộng trang trại nuôi heo sinh sản. Nhờ chịu khó làm lụng, kinh tế gia đình anh đã khá hơn và đủ trang trải cho con ăn học. Anh chia sẻ: “Trước khó khăn lắm nhà không có vốn sản xuất. Nhờ Ngân hàng chính sách hỗ trợ vốn, tôi mới đầu chăn nuôi nhỏ từ từ tích lũy, phường cũng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nên giờ tôi mở rộng chăn nuôi rồi làm thêm dịch vụ, kinh tế giờ đỡ lắm rồi, con cái có điều kiện học hành tốt nên tôi mừng lắm”.
Tại xã Long An, huyện Long Hồ đến thời điểm này chỉ tính riêng nguồn vốn quỹ thác thông qua hội nông dân là 7 tỉ đồng để hỗ trợ vay vốn cho 300 hội viên. Hầu hết những hộ dân đều sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đây đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với cơ chế thị trường, nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, tạo việc làm cho hội viên. Hiện nay, số hộ có thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 2- 3 lần so những năm trước.
Bà Lê Thị Kiều Trang, Phó chủ tịch hội nông dân xã Long An, huyện Long Hồ cho biết: "Trước tiên hội kết hợp với ngân hàng đi khảo sát các hộ vay vốn, ví dụ các hộ chăn nuôi bò thì kết hợp trạm khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi".
Ông Cao Lê Hoàng Nguyên, Giám đốc phòng giao dịch ngân hàng chính sách chi nhánh huyện Long Hồ cho biết: “Thường xuyên kiện toàn cũng như củng cố các tổ hoạt động tiết kiệm và vay vốn, phối hợp tốt với các ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ vay để áp dụng vào trồng trọt chăn nuôi cũng như sản xuất kinh doanh để góp phần nâng cao cải thiện cuộc sống".