Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba thành phần này cũng là ba lớp, ba vòng tròn giao nhau.
Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội, phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ.
Năng lực đọc là nền tảng của việc học, cha mẹ nên nuôi dưỡng hứng thú đọc của trẻ càng sớm càng tốt, qua đó có thể giúp trẻ hình thành thói quen đọc. Trẻ có năng lực đọc tốt có quan hệ mật thiết với học hành sau này của trẻ.
Kinh nghiệm đọc của trẻ càng phong phú càng có lợi cho việc học của trẻ sau này, vì thế cố gắng tạo thói quen đọc cho trẻ từ sớm. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.
Đọc sách, một mặt là phương thức học tập rất hữu hiệu, mặt khác cũng là cách giải trí rất nhẹ nhàng. Nhưng hiện nay, đọc sách gần như là khái niệm khá xa xỉ với giới trẻ. Điều này thật mâu thuẫn với khối lượng sách báo được xuất bản.
Nhiều năm nay, trong tất cả các cấp học, từ phổ thông cho đến đại học, người ta chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách, hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách.
Môi trường nhà trường chưa chú ý dạy cho trẻ em thói quen đọc sách, mà ở gia đình rất ít ông bà, bố mẹ các em có thói quen đọc sách để truyền lại cho các em. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy trẻ em các điều này ngay từ khi các em còn nhỏ, cứ thế liên tục cho đến khi vào đại học.
Một cô giáo dạy Văn cho hay “Học trò từ tiểu học lên trung học hầu như không có thời gian để đọc sách. Chương trình học của các em rất nặng, ngoài chính khóa còn học thêm đủ thứ. Do vậy, sách giáo khoa nhiều em còn đọc không hết, huống chi là các loại sách khác.
Có chăng chỉ là đọc thêm mấy quyển truyện tranh, hoặc đôi ba loại sách báo học trò là cùng. Để kiểm tra khả năng cảm thụ của học sinh, chỉ cần hỏi các em đã đọc những câu chuyện nào ngoài sách giáo khoa là đủ biết. Một học sinh vào lớp 6 mà đã đọc được mấy bộ truyện cổ tích thì sẽ không mấy khi học kém môn văn”.
Để hình thành thói quen đọc sách là việc làm không khó nhưng cũng không phải dễ. Thói quen này nếu hình thành ngay từ bé sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống. Đọc sách cho trẻ là một nghệ thuật.
Việc đọc sách cho con không chỉ dừng lại ở việc đọc thụ động những câu từ thành âm. Tạo ra một môi trường đọc tương tác là cách tốt nhất giúp con bạn hòa nhập vào những con chữ. Hãy tương tác với trẻ về sách.
Khi trẻ ở giai đoạn đã có thể đọc xong một đoạn hay một quyển sách thì bạn hãy thường xuyên trao đổi với trẻ về nội dung mà chúng đọc được. Bạn nên đặt ra những câu hỏi đơn giản như:
“Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?”, “Con hãy tóm tắt lại nội dung mà con đã đọc?”, “Theo con thì nội dung của câu chuyện có gì hay? Qua câu chuyện này con học được điều gì?”...
Để phát triển hứng thú đọc cho trẻ, trước hết cần lựa chọn sách đọc phong phú về nội dung, thể loại phù hợp với nhu cầu đời sống tinh thần, sự phát triển của trẻ. Hiện nay trên thị trường sách vô cùng phong phú về thể loại, tranh ảnh.
Vì vậy, cần lưu ý các tiêu chí nghệ thuật của tác phẩm, sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức dưới những biểu hiện rõ ràng sinh động, hấp dẫn, sự sung mãn về màu sắc, âm thanh, cái mới lạ về cách ứng xử và tình cảm tốt đẹp ở con người.
Ngoài việc lựa chọn sách, giáo viên cần khích lệ những phản ứng thẩm mĩ của trẻ thông qua hình ảnh, màu sắc và ngôn ngữ văn học. Nên tổ chức các buổi thi kể chuyện, đọc thơ, diễn kịch theo tác phẩm văn học.
Ở mỗi trường học cần xây dựng thư viện sách với những thể loại tranh truyện, thơ, truyện cổ dân gian…Cần tạo nề nếp “đọc” sách theo nhóm tùy theo điều kiện địa phương và trường lớp. Tổ chức các hoạt động phát triển hứng thú đọc cho trẻ như:
Tạo môi trường văn học giàu ngôn ngữ tại trường, lớp; tặng sách cho trẻ nhân ngày sinh nhật, ngày lễ, từ đó sách trở nên đặc biệt và lôi cuốn trẻ; Viết ra những điều trẻ kể về bức tranh, câu chuyện để trẻ có thể xem dưới lại dạng ngôn ngữ viết sau này và đóng lại thành quyển sách, sau đó đọc lại cho trẻ nghe; cùng trẻ đọc những tấm bưu thiếp, thực đơn, nhãn hàng hóa…
Đọc sách cho trẻ nghe hàng ngày, đọc các công thức, chỉ dẫn, đọc sách nhiều sách khác nhau, giải thích các từ trẻ không hiểu, những từ đặc biệt...
Giáo viên cũng cần hướng dẫn cha mẹ trẻ hình thành hứng thú đọc cho trẻ trong gia đình. Đối với trẻ em, bố mẹ chính là những người thầy vĩ đại nhất, do đó những thói quen hàng ngày của bố mẹ rất hay được trẻ “bắt chước” làm theo.
Lúc này, trẻ còn nhỏ và chưa thể ý thức được sách là gì, tác động của nó như thế nào, chính vì vậy bố mẹ cần tác động vào lòng hiếu kỳ, sự chú ý của trẻ bằng cách duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày vào những khoảng thời gian nhất định. Tập cho trẻ thói quen “đọc” sách, ý thức giữ gìn bảo vệ sách như một văn hóa phẩm sẽ lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ và dùng lâu dài.
Những cuốn sách xinh xắn, những câu chuyện sinh động hấp dẫn đầu tiên đến với trẻ như một đồ chơi đặc biệt. Trong quá trình tương tác với sách, trẻ được hoạt động, được nghe và tập kể lại những câu chuyện thú vị. Và đọc sẽ trở thành nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ. Dần dần tình yêu với sách, thích đọc sách, ham đọc được hình thành.
Đó là cơ sở vững chắc sau này phát triển văn hóa đọc ở mỗi con người. Cho dù mai sau, khi xã hội sẽ phát triển cao hơn, con người có thể đọc sách trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet, thì vẫn chắc chắn một điều là: sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hoá truyền thống lâu đời vốn có của nó.
Cái cảm giác khi ta được lật từng trang sách, tờ báo, tạp chí vẫn còn tươi nguyên mùi mực in và thơm tho mùi giấy với những trang trí, hoạ tiết đẹp đẽ - chứ không phải căng mắt ra để đọc chúng trên các trang màn hình máy tính - có lẽ mãi mãi vẫn là một điều thú vị vô cùng.