Phát triển hệ thống nhóm nghiên cứu - giảng dạy: Yêu cầu cấp thiết!

GD&TĐ - Trường ĐH và các doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, mối quan hệ này rất lỏng lẻo, thiếu động lực hợp tác. Để thúc đẩy mối quan hệ giữa trường ĐH và DN phát triển, vai trò của các nhóm nghiên cứu - giảng dạy là cần thiết. 

Phát triển hệ thống nhóm nghiên cứu - giảng dạy: Yêu cầu cấp thiết!

Bởi hệ thống các nhóm nghiên cứu – giảng dạy sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững quốc gia, cũng như mối quan hệ giữa DN và trường ĐH. PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu – giảng dạy “Môi trường và Tài nguyên sinh vật” (ĐH Đà Nẵng) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này. Phù hợp mục tiêu phát triển

Nói về vai trò, ý nghĩa của các nhóm nghiên cứu - giảng dạy, có nhiều ý kiến nhìn nhận rằng, nhóm nghiên cứu – giảng dạy là hạt nhân gắn kết, thúc đẩy quan hệ trường ĐH và DN. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trước những thách thức, rào cản hợp tác giữa trường ĐH và DN, vấn đề đặt ra là hạt nhân gắn kết hay thúc đẩy xúc tiến hợp tác sẽ là ai? Hiện nay, có thể nói, trường ĐH cũng khó trở thành đơn vị tiên phong chủ động hợp tác; DN cũng không dễ vượt qua lực cản; sinh viên cũng càng khó khăn; Nhà nước cũng chỉ dừng lại ở kêu gọi. Do vậy chỉ có giảng viên ĐH mới có thể là cầu nối giữa các bên. Nhiệm vụ chính của giảng viên ĐH là: Sáng tạo tri thức (tức nghiên cứu khoa học); truyền bá tri thức (tức giảng dạy, tập huấn, bồi dưỡng…) và phục vụ cộng đồng – xã hội.

Để thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, giảng viên phải là người xúc tiến các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ giữa trường ĐH với DN. Giảng viên là người tìm kiếm nguồn tài chính để nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội để chuyển giao sản phẩm nghiên cứu, giảng viên phải và nên thực hiện vai trò giới thiệu nguồn nhân lực cho DN và chịu trách nhiệm về vai trò giới thiệu, tư vấn, phản biện xã hội. Khi đó, DN sẽ tiết kiệm công sức, chi phí tìm kiếm nhân sự, mà thay vào đó sẽ trở thành người xây dựng tiêu chí hoặc đặt hàng. Giảng viên có thể đóng vai trò như nhà tư vấn, “môi giới nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Theo đó, vai trò của giảng viên là hết sức to lớn trong nền kinh tế thị trường hoàn hảo hay nền kinh tế tri thức. Thế nhưng, thế giới luôn thay đổi, nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội cần phải có cách tiếp cận đa ngành mới có thể giải quyết hiệu quả. Mặt khác, bản thân từng giảng viên cũng khó có thể đáp ứng và thích ứng kịp thời mọi sự thay đổi của xã hội. Chính vì vậy, việc ra đời các nhóm nghiên cứu - giảng dạy là hết sức cần thiết.

Ông có thể làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các nhóm nghiên cứu – giảng dạy này là gì?

Nhóm nghiên cứu – giảng dạy (teaching research team) là đơn vị tập hợp các giảng viên, các nhà khoa học từ các trường ĐH, các cơ quan nghiên cứu, các DN và thậm chí từ các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ĐH đến từ các ngành đào tạo khác nhau; cùng tham gia giải quyết những vấn đề cụ thể của xã hội trên cơ sở tri thức khoa học. Sẽ có những nhóm nghiên cứu – giảng dạy mang tính hàn lâm cao, tập trung giải quyết các vấn đề khoa học chuyên sâu cũng như truyền bá tri thức ở những lĩnh vực khoa học đó cho xã hội. Cũng có những nhóm nghiên cứu – giảng dạy mang tính ứng dụng, tập trung các nhà khoa học ở những lĩnh vực khác cùng chung nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sáng tạo các trang thiết bị, kỹ thuật, phương pháp mới nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của xã hội hoặc vấn đề mới phát sinh…

Như vậy, bản thân nhóm nghiên cứu - giảng dạy đã tiếp cận các mối quan hệ để giải quyết vấn đề như tôn chỉ hành động, nên các nhóm nghiên cứu - giảng dạy chính là cầu nối xúc tiến cho mối quan hệ giữa trường ĐH và DN. Khi mối quan hệ này khăng khít thì đến lượt của mình các nhóm nghiên cứu - giảng dạy cũng có động lực phát triển. Như phân tích ở trên, quan hệ DN - trường ĐH chặt chẽ sẽ là cơ hội phát triển bền vững cho cả hai và đất nước cũng sẽ phát triển bền vững.

Đòi hỏi sự chủ động từ nhiều phía

Nói như vậy, việc thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu – giảng dạy có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển mối quan hệ giữa DN và trường ĐH, cũng như sự phát triển bền vững quốc gia. Vậy làm thế nào để thúc đẩy các nhóm nghiên cứu - giảng dạy phát triển, thưa ông?

Để các nhóm nghiên cứu – giảng dạy thực sự phát triển rất cần các bên liên quan cùng chung sức, tạo điều kiện thúc đẩy.

Trước hết, về phía Nhà nước, cần ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích các nhóm nghiên cứu – giảng dạy phát triển như ưu tiên xét duyệt đề tài, tạo điều kiện pháp lý để chuyển giao khoa học công nghệ, tạo cơ hội dân chủ để các nhóm tham gia phản biện xã hội… Ngoài ra, Nhà nước cần khuyến khích động viên các DN đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học trong nước để hướng đến chủ động công nghệ, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào công nghệ, thị trường… của nước ngoài. Nhà nước cũng cần xây dựng thể chế, pháp lý ổn định để cho các DN cũng như các trường ĐH xây dựng chiến lược phát triển bền vững, lâu dài.

Thứ hai, về DN cần chủ động chuyển dịch phát triển theo chiều sâu, bền vững, phải xem xét đến các yếu tố quyết định thành công lâu dài như nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ… và cạnh tranh lành mạnh. Mạnh dạn đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu cơ bản, đầu tư ứng dụng các công nghệ mới cũng như cam kết tuân thủ bản quyền, sở hữu trí tuệ… Sẵn sàng tiếp nhận sinh viên thực tập, phối hợp với trường ĐH xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, tuyển dụng và đánh giá nhân sự theo đúng tinh thần chất lượng. Cần hướng đến phối hợp với các nhóm nghiên cứu - giảng dạy xây dựng các chuẩn đầu ra, đặt hàng đào tạo và tiếp nhận sản phẩm đào tạo và sản phẩm khoa học.

Thứ ba, các trường ĐH nhanh chóng xây dựng các chính sách khuyến khích các nhóm nghiên cứu - giảng dạy theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật từ tài chính, nhân sự đến tự do học thuật. Khuyến khích sáng tạo cá nhân và tinh thần tập thể. Quan tâm đến công tác “bảo hành, bảo trì sản phẩm đào tạo” cũng như tiếp thu ý kiến phản hồi từ các bên liên quan. Đặc biệt, thực sự quan tâm cụ thể đến các nhóm nghiên cứu - giảng dạy và xem đây là hạt nhân cho sự phát triển ĐH cũng như mối quan hệ giữa trường ĐH và DN.

Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ