Phát triển giáo dục thường xuyên theo hướng mở

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc phát triển giáo dục thường xuyên (GDTX) theo hướng mở, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập (XHHT) là một tiến trình có nhiều rào cản. Vượt qua rào cản về nhận thức chỉ là bước đi đầu tiên. Chuyển nhận thức thành chính sách và chuyển chính sách thành hành động cụ thể là những công việc khó khăn hơn nhiều.

Một lớp học của người cao tuổi ở Bắc Ninh. Ảnh: Lan Hương
Một lớp học của người cao tuổi ở Bắc Ninh. Ảnh: Lan Hương

Nhiều cách thức tổ chức GD mở

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Trên thế giới hiện có nhiều mô hình chính sách và cũng có nhiều cách tổ chức thực hiện giáo dục mở. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải trả lời trước hết các câu hỏi: Mở cho ai? Mở đến đâu và mở như thế nào?

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích: Trả lời câu hỏi “mở cho ai?” là mở cho những người lớn theo học GDTX. Khái niệm người lớn ở đây, theo cách hiểu đã được đưa ra trong khuyến nghị về giáo dục và học tập người lớn, bao gồm tất cả những ai đã rời ghế nhà trường hoặc chưa từng cắp sách đến trường, nay cần hoặc muốn tiếp tục học tập, kể cả những người chưa đến tuổi trưởng thành.

Như vậy GDTX là lĩnh vực mở rộng nhất trong giáo dục. Nó phải mở cho bất kỳ ai có nhu cầu đến với giáo dục sau khi rời ghế nhà trường hoặc chưa từng đến trường, từ những đứa trẻ đường phố, đến những người lao động, những người về hưu. Trên thực tế, từ khi triển khai các đề án xây dựng XHHT đến nay, GDTX nước ta đã đặt cho mình mục tiêu và nhiệm vụ mở cho mọi người như vậy.

Để trả lời câu hỏi “mở đến đâu?”, cần nhận dạng những rào cản trên con đường đến với GDTX. Với định hướng xây dựng XHHT từ cơ sở, GDTX nước ta đã phát triển mạnh thông qua một mạng lưới cơ sở giáo dục đa dạng và linh hoạt. Đó là các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm GDTX, trung tâm ngoại ngữ, tin học đến các cơ sở văn hóa, giáo dục khác, các trường lớp chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Như vậy, xét về phạm vi cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục, GDTX đã mở đến mức đủ để đáp ứng mọi nhu cầu học tập của người lớn.

Tuy nhiên, do vẫn tổ chức theo kiểu giảng dạy truyền thống “mặt đối mặt” nên GDTX vẫn đứng trước nhiều rào cản. Đầu tiên là rào cản về nơi học và thời gian học, khiến người lớn rất bị động trong việc theo học. Tiếp đến là rào cản về cách học và nội dung học khiến người lớn không phát huy được tính chủ động và những kiến thức cùng kinh nghiệm đã tích lũy được qua công việc và cuộc sống. Cuối cùng là rào cản về tài chính, gắn liền với các khoản chi mà người học phải trả, bao gồm học phí, tiền mua tài liệu. Để trả lời câu hỏi: “Mở như thế nào?” là đề cập đến hệ thống giải pháp phát triển GDTX theo hướng mở.

Xu hướng giáo dục hiện đại phải mở rộng cơ hội học tập suốt đời. Ảnh: Minh Phong
 Xu hướng giáo dục hiện đại phải mở rộng cơ hội học tập suốt đời. Ảnh: Minh Phong

Nhận diện nội hàm của GD mở

Theo ông Cao Đình Hòe - Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nội hàm “giáo dục mở” của hệ thống giáo dục mở thể hiện về các phương diện: Mở về đối tượng, địa điểm, thời gian, phương pháp, phương tiện, ý tưởng và nội dung học tập.

Thứ nhất, mở về đối tượng học tập, ông Cao Đình Hòe phân tích: Mọi người chưa được tiếp cận giáo dục ban đầu, nay đều được hệ thống giáo dục tiếp nhận, không loại trừ một ai, không có rào cản việc học tập của bất cứ ai.

Thứ hai, mở về địa điểm học tập. Mỗi người học sẽ chủ động lựa chọn địa điểm học tập như tại Trung tâm Học tập cộng đồng, Trung tâm giáo dục thường xuyên, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, cơ quan, công sở và tại nhà…

Thứ ba, mở về thời gian học tập. Việc học không chỉ đóng khung theo khung thời gian cố định, mà người học có thể tham gia trong lúc làm việc, hội họp, nghỉ ngơi, giao lưu. Như vậy, việc học không chỉ ở lứa tuổi đến trường mà diễn ra trong suốt cuộc đời.

Thứ tư, mở về phương pháp học tập. Với người lớn, có thể theo phương pháp truyền thống như tới lớp nghe giảng viên trình bày tài liệu, song cũng có thể học theo nhóm có sự hướng dẫn, tự học có hướng dẫn và tự học độc lập.

 Xu hướng giáo dục hiện đại phải mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người được học tập trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào với nhiều phương pháp giáo dục, trong đó phải chú trọng việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. 
Ông Cao Đình Hòe

Thứ năm, mở về phương tiện học tập. Ngoài phương tiện học tập như tài liệu được in ấn thường thấy, việc sử dụng các công nghệ học tập ngày càng được ứng dụng như TV, máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại di động.

Thứ sáu, mở về ý tưởng học tập. Những ý tưởng cần được đặt ra cho người học là mở rộng nghề, phát triển dịch vụ xã hội, lập nghiệp, khởi nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp…

Thứ bảy, mở về nội dung học tập. Trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và yêu cầu tiếp cận nhanh với những thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nội dung học tập trong hệ thống GDTX cũng mở ra những hướng mới.

Đó là, phát triển các chương trình giáo dục khởi nghiệp; Tăng các chương trình chuyển giao công nghệ sản xuất; Mở rộng các chương trình mở mang nghề ở địa phương; Đa dạng hóa chương trình xóa mù chữ chức năng; Tiến hành đưa nội dung giáo dục phát triển bền vững vào Trung tâm GDTX và Trung tâm Học tập cộng đồng; Xây dựng các chương trình phục vụ phát triển nông thôn mới, đô thị văn minh…

“Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020 đã đưa ra hệ thống 7 nhóm giải pháp, từ nâng cao nhận thức, tổ chức cung ứng, đến hỗ trợ người học, xây dựng cơ chế phối hợp, hợp tác quốc tế, nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể về GDTX”.
                                                                 TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ