Công dân học tập “4 chữ H”
Cũng theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, GDTX đã đóng góp vào thành công của phong trào xóa nạn mù chữ, phổ cập phổ thông và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Trong bối cảnh và giai đoạn phát triển mới, GDTX đang cần sự vận động, chuyển mình để đáp ứng nhu cầu phát triển về kinh tế, xã hội; khoa học công nghệ, nhất là chúng ta sắp triển khai Luật GD 2019 mới được Quốc hội thông qua.
Tại Hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng tiểu ban GDTX và học tập suốt đời chia sẻ: Tính mở của GD thường xuyên có thể hiểu: Thứ nhất là mở về đối tượng học tập, bao gồm: Thiếu niên, thanh niên không theo học hệ GD ban đầu; người lao động và người về hưu, người già… Tức là không có rào cản, không trừ một ai và không làm ai thất bại.
GS Phạm Tất Dong trao đổi tại hội thảo |
Thứ hai là mở về chương trình, bao gồm: Xóa mù chữ, bổ túc văn hóa, các chương trình xóa mù kỹ năng lao động và các chương trình nâng cao. Thứ ba, mở về phương pháp như: Học theo lớp học, khóa học; tự học hoặc tự học có hướng dẫn. Thứ tư: Mở về công nghệ học tập, gồm: Học theo phương pháp thầy – trò (có dùng những giáo cụ trực quan hiện đại, thí nghiệm; học qua tivi, máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh…). Thứ năm: Mở về địa điểm, chẳng hạn như: Học ở cơ sở GD, nơi làm việc, học ở nhà, thư viện, nhà văn hóa và câu lạc bộ. Thứ sáu, mở về ý tưởng như: Hướng nghiệp, khởi nghiệp, liên kết hợp tác.
PGS. TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý GD, nhấn mạnh: Phẩm chất của người công dân học tập suốt đời ngày nay trước hết phải: “Khiêm – cung – lễ- nghĩa”. Tức là: Khiêm tốn, cung kính, lễ phép và sống có nghĩa, có tình. Sau đó phải thực hiện được 4 chữ “H”: Học - Hỏi - Hiểu - Hành. Tức là: Học những tri thức mới, tư duy mới, công nghệ mới; hỏi những gì cần biết trong cuộc sống; hiểu biết các vấn đề và học phải đi đôi với thực hành.
Chuyển chính sách thành hành động
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Công dân học tập suốt đời phải thực hiện được “4 chữ H” |
Về định hướng phát triển GDTX theo hướng mở, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao đổi, chủ trương hoàn thiện hệ thống GD theo hướng mở, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đến nay vẫn chưa có những động thái đáng kể trong tổ chức thực hiện. Việc phát triển GDTX theo hướng GD mở, học tập suốt đời (HTSĐ), xây dựng xã hội học tập (XHHT) là một tiến trình có nhiều rào cản. Vượt qua rào cản về nhận thức chỉ là bước đi đầu tiên. Chuyển nhận thức thành chính sách và chuyển chính sách thành hành động cụ thể là những công việc khó khăn hơn nhiều.
Cũng theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, trên thế giới, hiện có nhiều mô hình chính sách và cũng có nhiều cách thức để tổ chức thực hiện GD mở. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải trả lời các câu hỏi: Mở cho ai? Mở đến đâu và mở như thế nào?
Liên quan đến GDTX, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi: Trả lời câu hỏi “mở cho ai?” là mở cho những người lớn theo học GDTX. Khái niệm người lớn ở đây, theo cách hiểu đã được đưa ra trong Khuyến nghị về GD và học tập người lớn (UNESCO, 2015), bao gồm tất cả những ai đã rời ghế nhà trường hoặc chưa từng cắp sách đến trường, nay cần hoặc muốn tiếp tục học tập, kể cả các người chưa đến tuổi trưởng thành.
Để trả lời câu hỏi “mở đến đâu?”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần nhận dạng những rào cản trên con đường đến với GDTX. Với định hướng xây dựng XHHT từ cơ sở, GDTX nước ta đã phát triển mạnh thông qua một mạng lưới cơ sở GD đa dạng và linh hoạt, từ các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm GDTX, trung tâm ngoại ngữ, tin học đến các cơ sở văn hóa, cơ sở GD khác, trường lớp chính quy trong hệ thống GD quốc dân.
Về câu hỏi “mở như thế nào?”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến bày tỏ, để trả lời câu hỏi này, cần đề cập đến hệ thống giải pháp phát triển GDTX theo hướng mở. Các khuyến nghị trong Khung hành động Belem cũng như trong Khuyến nghị của UNESCO về GD và học tập người lớn thực chất là các khuyến nghị về giải pháp để mỗi nước xem xét, vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước mình trong phát triển GDTX hướng tới học tập suốt đời. Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương năm 2008 về GD cho người lớn cũng đưa ra các khuyến nghị về giải pháp phù hợp với các đặc trưng của khu vực.
Ngoài ra, Tuyên bố Paris 2012 về Tổng quan về tài nguyên GD mở (OER) góp phần quan trọng trong việc đề xuất giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và phát triển các OER trong việc xây dựng hệ thống GD mở (UNESCO, 2012). Chúng tạo thành các khung tham chiếu quan trọng trong mọi đề xuất về giải pháp đổi mới và phát triển GDTX, HTSĐ và xây dựng XHHT.