Phát triển GD-ĐT gắn với văn hóa trong bối cảnh định hướng xây dựng Nghi Xuân thành thành phố di sản

GD&TĐ - Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nằm cách thành phố Hà Tĩnh 47km, cách thị xã Hồng Lĩnh 15km về phía nam, phía bắc giáp với thành phố Vinh (Nghệ An), phía đông giáp biển Đông; đây là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” hội tụ đầy đủ tinh hoa của núi Hồng, sông Lam. 

Nghi Xuân là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh minh họa/ Internet
Nghi Xuân là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh minh họa/ Internet

Định hướng xây dựng thành phố di sản

Với nhiều danh nhân, di tích danh thắng nổi tiếng và nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể. Là mảnh đất tam hợp hội đủ núi đồi, đồng bằng, sông biển; từ Nghi Xuân đến cảng hàng không Vinh chưa đầy 20 km, đi cửa khẩu Cầu Treo biên giới Việt Lào 110 km theo đường quốc lộ 8, đi khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh) 115 km. Với vị trí địa lý rất thuận lợi cho giao thương với các tỉnh, các trung tâm kinh tế, xã hội trong và ngoài nước.

Nghi Xuân có diện tích tự nhiên 220 km2, dân số khoảng 100.000 người, 19 đơn vị hành chính (17 xã và 2 thị trấn); có khu du lịch Xuân Thành, sân golf, cảng cá Xuân Hội, cảng Xuân Hải; có hệ thống giao thông khá thuận lợi với hai nhánh đường quốc lộ với chiều dài gần 35 km; có 32 km bờ biển với các bãi biển thoải, nước biển trong xanh; sông Lam chảy phía Tây Bắc với chiều dài trong địa phận huyện là 28 km. Thị trấn Xuân An và thị trấn Nghi Xuân là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của huyện..., đặc biệt là huyện nằm gần một số cảng của tỉnh bạn như cảng Bến Thủy, cảng biển Cửa lò, cảng Cửa Hội rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và phát triển thị trường.

Nhiều người thành đạt xuất thân từ Nghi Xuân, như Danh nhân Văn hóa Thế giới, Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du; Đại doanh điền, Nhà thơ Nguyễn Công Trứ,..

Nghi Xuân là huyện có tiềm năng lớn về du lịch với các danh lam thắng cảnh, là miền quê có bề dày truyền thống văn hoá lịch sử với 200 di tích, có 68 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh trong đó 1 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Khu lưu niệm Danh nhân văn hoá thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du.

Hệ thống di tích huyện Nghi Xuân hết sức phong phú và đa dạng phục vụ tốt cho các hoạt động du lịch văn hóa danh nhân, du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu như: Quần thể khu di tích Nguyễn Du, nhà thờ Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, đền Chợ Củi, đền Huyện, Đình Hoa Vân Hải Cổ Đạm, đình Hội Thống, đền Nguyễn Xí, chùa Phong Phạn, chùa Thanh Lương, chùa Đà Liễu và Di chỉ khảo cổ Bãi Cọi - Xuân Viên, Việt Nam Trần Triều Điện, Thiền Viện Trúc lâm Hồng Lĩnh,… Nghi Xuân có nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như Ca trù Cổ Đạm, Trò Kiều Tiên Điền và Xuân Liên, Sắc Bùa Xuân Lam, Chầu Văn Xuân Hồng, trò Sĩ - Nông - Công - Thương - Ngư Xuân Thành, Lễ hội Cầu ngư Xuân Hội, các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh.

Với mục tiêu xây dựng Nghi Xuân trở thành “Nông thôn của khát vọng khởi nghiệp và làm giàu”, với quan điểm: “Xây dựng nông thôn mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống” và định hướng trong thời gian tới nhằm xây dựng Nghi Xuân trở thành thành phố di sản; Trung tâm kinh tế, văn hóa phía bắc của tỉnh Hà Tĩnh theo quy hoạch, nhiệm vụ trước mắt giai đoạn 2020-2025 là:

Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới điển hình về văn hóa, gắn với phát triển du lịch. Đồng thời xây dựng Nghi Xuân trở thành đô thị loại IV trực thuộc tỉnh, trong đó Tập trung phát triển đô thị Xuân An trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp của huyện Nghi Xuân với quy mô dân số đạt 18.000 người vào năm 2025 và đạt 25.000 người vào năm 2030; quỹ đất xây dựng đô thị khoảng 448-578 ha.

Tiếp tục phát triển đô thị Thị trấn Tiên Điền và phụ cận, phát huy vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Nghi Xuân với quy mô dân số đạt 10.000 người vào năm 2025; đạt 20.000 người vào năm 2030; quỹ đất xây dựng đô thị khoảng: 249-463 ha. Đô thị Tiên Điền sẽ kết hợp cùng phát triển với Xuân An và Hồng Lĩnh. Các đô thị phát triển mới Xuân Thành, Cương Gián sẽ trở thành các đô thị chức năng với trọng tâm là Dịch vụ du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thương mại dịch vụ; quy mô dân số đạt 19.000 người vào năm 2025; đạt 23.000 người vào năm 2030.

Nghi Xuân có nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh minh họa/ Internet
 Nghi Xuân có nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh minh họa/ Internet

Thách thức đặt ra

Với mục tiêu và định hướng phát triển của Nghi Xuân như trên đã đặt ra không ít những thách thức cho huyện nói chung và giáo dục Nghi Xuân nói riêng, đó là:

Thứ nhất nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn, kỹ năng, chưa đủ về cơ cấu ngành nghề và ít được đào tạo, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại và tương lai của Nghi Xuân;

Thứ hai hạ tầng các cơ sở giáo dục còn hạn chế. Tuy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên các tiêu chí về cơ sở vật chất của giáo dục mới đạt ngưỡng về chuẩn. Qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của huyện Nghi Xuân trung bình là 89,5%, trong đó cấp học MN thấp nhất với tỷ lệ 64,3%. Cấp TH, THCS và THPT có tỷ lệ kiên cố hóa cao hơn (TH 93,8%, THCS 100%, THPT 100%), như vậy vẫn còn tồn tại nhiều phòng học tạm, phòng học cấp bốn xuống cấp.

Hệ thống các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thiết bị dạy học còn ở mức khiêm tốn (mới đáp ứng được khoảng trên 50% yêu cầu), tỷ lệ học sinh/lớp ở một số nơi còn cao hơn so với quy định, tỷ lệ nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn chưa cao (trung bình mới đạt khoảng 60%) trong đó thấp nhất là tiểu học (24%), còn thiếu các công trình thể dục thể thao trong nhà trường;

Thứ ba sẽ có sự phân bố lại dân cư trong Huyện. Khi chúng ta thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tại huyện Nghi Xuân và hình thành các khu kính tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ... sẽ thu hút lao động trong huyện, ngoài huyện và thậm chí lao động từ các tỉnh bạn đến sinh sống và làm việc tại huyện Nghi Xuân, điều này sẽ tác động đến hạ tầng xã hội của Huyện trong đó có giáo dục;

Thứ tư sẽ có nhu cầu về chuyển đổi nghề nghiệp, giáo dục định hướng nghề nghiệp, nhu cầu về học ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Với định hướng phát triển của Nghi Xuân sẽ chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và tiến trình đô thị hóa thì xuất hiện nhu cầu về đào tạo nghề cho người dân để thích nghi với các mô hình kinh tế mới, giáo dục định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ ngay từ trong ghế nhà trường phổ thông, nhu cầu về học ngoại ngữ, học tin học sẽ tăng cao theo sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương;

Thứ năm sẽ xuất hiện nhu cầu về giáo dục chất lượng cao. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội sẽ xuất hiện nhu cầu của người dân, người lao động đến làm việc tại Nghi Xuân về các dịch vụ giáo dục chất lượng cao (trường tư thục chất lượng cao, trường quốc tế đào tạo theo các chương trình tiên tiến, chương trình quốc tế,…), liên kết giáo dục với các vùng trong khu vực và với các nước trên thế giới;

Thứ sáu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các công trình lịch sử, các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Khi kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, nếu chúng ta không chú ý thì các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể sẽ bị mai một. Đồng thời khi xác định du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương thì việc phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa, các công trình lịch sử, các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, thì việc giáo dục cho thế hệ trẻ về những giá trị này là hết sức quan trọng, vừa tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch;

Thứ bảy bảo vệ tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Học sinh Nghi Xuân. Ảnh Internet
Học sinh Nghi Xuân. Ảnh Internet 

Đề xuất giải pháp vượt qua thách thức

Để tiến tới hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội của Huyện, vượt qua các thách thức nêu trên, theo tôi ngành giáo dục huyện Nghi Xuân cần triển khai ngay một số công việc sau:

Thứ nhất: Rà soát, xắp xếp và quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tiến tới đô thị hóa, dành quỹ đất cho phát triển giáo dục, đặc biệt là những nơi sẽ đô thị hóa cao;

Thứ hai: Ưu tiên ngân sách để duy trì và nâng chuẩn cho các cơ sở giáo dục, thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, từng bước chuẩn hóa các cơ sở giáo dục theo hướng hiện đại. Làm tốt công tác dự báo về tăng dân số để kịp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch;

Thứ ba: Xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, trong đó ưu tiên đầu tư các cơ sở giáo dục chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của địa phương và các vùng lân cận. Hình thành các tổ hợp giáo dục chất lượng cao kết nối với các khu vực, các nước trên thế giới. Các tổ hợp giáo dục chất lượng cao có thể sẽ giảng dạy các chương trình tiên tiến, chương trình quốc tế, chương trình song ngữ,… đảm báo liên kết được với các trường đại học trong và ngoài nước tạo điều kiện để con em Nghi Xuân tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới;

Thứ tư: Xây dựng các cơ chế chính sách, môi trường làm việc thông thoáng để thu hút con em là người Nghi Xuân đang học tập ở các trường đại học trong và ngoài nước về công tác tại Huyện.

Thứ năm: Đẩy mạnh nội dung giáo dục địa phương vào các nhà trường. Đưa vào giảng dạy trong các nhà trường về ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đặc biệt đưa vào giảng dạy trong các nhà trường các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương (như Ca trù Cổ Đạm, Trò Kiều Tiên Điền và Xuân Liên, Sắc Bùa Xuân Lam, Chầu Văn Xuân Hồng,…) nhằm bảo tồn và phát triển, đồng thời thông qua học sinh để giới thiệu các di sản này đến với cộng đồng và khách du lịch. Gắn kết các nhà trường với các di tích lịch sử trên địa bàn để giáo dục cho học sinh;

Thứ sáu: Đẩy mạnh giáo dục định hướng nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học trong giới trẻ. Lựa chọn các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội phù hợp với địa phương (như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao,…) để đưa vào nhà trường nhằm giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đặc biệt ở cấp THCS và THPT;

Thứ bảy: Đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ, tin học trong các nhà trường, nhằm hình thành năng lực của công dân của đô thị trong tương lai. Thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở trẻ mầm non 5 tuổi;

Thứ tám: Đẩy mạnh giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học của địa phương trong các nhà trường. Cần đặc biệt coi trọng bảo vệ môi trường, tài nguyên, cảnh quan trong quá trình đầu tư phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là đối với du lịch. Khách du lịch ngày nay quan tâm hàng đầu đến môi trường và môi trường là một trong những yếu tố cạnh tranh hàng đầu mà các nước phát triển du lịch đều quan tâm gìn giữ. Để làm được điều này, không gì hơn là phải đưa nội dung về giáo dục bảo vệ môi trường vào các nhà trường để dạy cho thế hệ trẻ của Nghi Xuân.

Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, đó là tăng cường nhận thức đầy đủ về phát triển giáo dục. Muốn phát triển kinh tế xã hội thì phải phát triển giáo dục, giáo dục là tiền đề cho sự thành công. Nhận thức đúng, hành động đúng là điều kiện tối quan trọng để thúc đẩy phát triển giáo dục đúng hướng, hiệu quả và bền vững. Do đó, Nghi Xuân cần tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục với phát triển kinh tế, tạo việc làm, sinh kế và nâng cao mức sống cho người dân.

Để hiện thực hóa tất cả những điều trên, huyện cần tập trung xây dựng đề án tổng thể phát triển giáo dục của huyện trong 5 đến 10 năm tới, cụ thể hóa các tiêu chí, lộ trình để thực hiện.

Với tư cách là người con của quê hương Nghi Xuân, là Lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi sẽ đồng hành cùng ngành giáo dục Nghi Xuân để thực hiện các nhiệm vụ trên.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ