Hội nghị với sự tham gia của hơn 500 đại biểu của các Ban, Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương; các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng ĐBSCL trong việc sản xuất lúa gạo, thủy sản và trái cây đối với cả nước và xuất khẩu thế giới. Trong thời gian qua Đảng, Chính phủ luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển ĐBSCL; Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị |
Thủ tướng đánh giá cao các hội nghị chuyên đề đã diễn ra trong ngày hôm qua (26/9), các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, góp ý nhiều ý kiến cơ bản cho sự phát triển ĐBSCL trong điều kiện BĐKH diễn ra gay gắt.
Thủ tướng cho biết vừa qua có chuyến đi khảo sát ở Hà Lan - vùng đất thấp hơn 1m so với mực nước biển. Và ngày hôm qua (26/9) Thủ tướng có chuyến đi trực tiếp đi khảo sát vùng ven biển vùng ĐBSCL. Thủ tướng thấy rõ tầm quan trọng của các giải pháp công trình, phi công trình, cũng như các biện pháp canh tác đa canh của nông dân và vai trò quan trọng của người dân và chính quyền cơ sở trong ứng phó với BĐKH...
Mặc dù ĐBSCL đang phải đối mặt không ít thách thức, Thủ tướng lạc quan trước tương lai tươi sáng của vùng đất này. Thủ tướng cho rằng: Trước hiện tượng của thiên nhiên chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất. Trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có nhất của Tổ quốc Việt Nam gần 100 triệu dân.
Với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ, Chính phủ tiếp tục xác định tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ĐBSCL là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở làm cho đất và nước đều hòa để nâng cao đời sống của nhân dân.
Chính phủ cam kết với quyết tâm chính trị cao kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế; huy động nguồn lực cần thiết cụ thể hóa thành các hành động thực hiện các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này trong quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỹ này, biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ...
Thủ tướng đề nghị các ý kiến đóng góp tại hội nghị là phải đưa ra được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ; đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên và toàn xã hội. Các phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân ĐBSCL ổn định, phát triển văn hóa vùng sông nước.
Tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến, thảo luận cần nói thẳng, nói thật và cả ý kiến phản biện về các giải pháp của Chính phủ, các bộ ngành để tìm ra những giải pháp tốt nhất, với tinh thần vì ĐBSCL thích ứng với BĐKH, phát triển bền vững, thịnh vượng.
Tiếp theo phát biểu của Thủ Tướng, phần báo cáo tổng hợp về kết quả ba phiên thảo luận chuyên đề về: Tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL của Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Báo cáo nêu rõ tính độc đáo của ĐBSCL - vùng đất nhiều thuận lợi, lắm khó khăn với những cơ hội, thách thức, qua đó đề xuất những giải pháp căn cơ, đột phá cho vùng đất này.
Bộ trưởng Bộ KH& Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo kết quả thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL.
Bộ Trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tổng hợp các ý kiến thảo luận tại phiên họp về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở…