Tới dự có ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội cùng nhiều đại biểu khách mời trong nước, quốc tế và người dân Thủ đô.
Mở đầu chương trình, Giải đi bộ "Phụ nữ Thủ đô khỏe - đẹp" lần thứ I năm 2024 đã được tổ chức tại phố đi bộ hồ Thiền Quang thu hút gần 1.000 người tham gia. Hoạt động này nằm trong Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023 - 2026” đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Ban tổ chức trao giải Nhất cho các vận động viên tham giải đi bộ sáng 2/3. |
Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội cho biết, sự kiện hôm nay khởi đầu cho các hoạt động ý nghĩa của Phụ nữ Thủ đô chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hướng tới chào mừng kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đoàn của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tới thăm quan các gian hàng tại chương trình. |
Điểm nhấn tại chương trình là các gian trưng bày, quảng bá văn hóa, sản phẩm ẩm thực của Hà Nội và các nước. Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý Giáo dục Ngọc Ân là một trong các đơn vị tích cực tham gia sự kiện với mô hình "Oản Phật giáo Ấn Độ" cùng nhiều sản phẩm đa dạng, ý nghĩa.
Bà Đào Thanh Hoàn, người sáng lập kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Ngọc Ân cho hay, mô hình “Oản Phật giáo Ấn Độ” được thực hiện bởi những bàn tay khéo léo của người khuyết tật, tự kỷ thể hiện sự đổi mới sáng tạo, tích cực của cộng đồng người khuyết tật trong việc thúc đẩy văn hóa và tôn giáo.
Ban tổ chức trao chứng nhận tham gia chương trình cho các đơn vị. |
Từ nguyên liệu oản đường truyền thống đã được bài trí thành oản nghệ thuật ấn tượng để dâng lên Chư Phật, Chư Thánh và Tổ tiên vào các dịp lễ Tết. Các sản phẩm này chứa đựng thông điệp sâu sắc về lòng tin, sự mong muốn hướng mọi người tới tâm thiện, thực hành lòng biết ơn, lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội.
"Sản phẩm kế thừa tinh hoa của nghệ thuật Phật giáo cổ điển, tiếp thu ý kiến thị trường hiện đại để tạo ra những tác phẩm độc đáo, ấn tượng phù hợp thị hiếu. Thông qua việc khám phá, phát triển tài năng cá nhân, họ không chỉ có cơ hội thể hiện giá trị bản thân mà còn trở thành nguồn cảm hứng và hi vọng cho mọi người hướng đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc", bà Đào Thanh Hoàn nói.
Gian trưng bày của làng xôi Phú Thượng, quận Tây Hồ với đa dạng các sản phẩm xôi. |
Ngoài ra, tại festival cũng diễn ra liên hoan vũ điệu hòa bình - hữu nghị với nhiều tiết mục đặc sắc cùng sự thể hiện của các em lưu học sinh, nhân viên đại sứ quán các nước bạn Lào, Campuchia tại Việt Nam. Đồng thời, ban tổ chức cũng phát động ủng hộ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.