Phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam

Phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam

(GD&TĐ) - Ngày 21/6/1925 là ngày khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Vào ngày này, Báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã được thành lập. Từ đó đến nay, nền báo chí cách mạng nước ta đã trải qua 87 năm hình thành, xây dựng và phát triển. Từ số lượng những tờ báo cách mạng ban đầu ít ỏi, đến nay nước ta đã có một hệ thống báo chí lớn với gần 700 tờ báo, tạp chí các loại, gồm đủ cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Báo chí cách mạng đã thực sự là vũ khí sắc bén của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, đóng góp hiệu quả vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Báo Thanh Niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ngày 21 tháng 6 năm 1925. Đây là tờ báo Cách mạng vô sản đầu tiên, mở đầu dòng báo chí Cách mạng Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Báo Thanh Niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ngày 21 tháng 6 năm 1925. Đây là tờ báo Cách mạng vô sản đầu tiên, mở đầu dòng báo chí Cách mạng Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Là người sáng lập nền báo chí Cách mạng Việt Nam, suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến báo chí. Ngay từ năm 1922, Người đã sáng lập Báo Người cùng khổ (Le Paria). Trong thời gian hoạt động ở Thái Lan, Người đã thành lập hai tờ báo là Thân Ái và Đồng Thanh. Năm 1925, Người sáng lập Báo Thanh Niên. Năm 1941, Người chỉ đạo thành lập Báo Việt Nam độc lập. Bản thân Người cũng là một nhà báo lớn. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống báo chí cách mạng ở nước ta đã từng bước phát triển vững chắc và mạnh mẽ, xứng đáng là đội quân đi đầu trên mặt trận tư tưởng. Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức quần chúng để hướng quần chúng đến mục đích chung vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng cách mạng. Ngay sau khi ra đời, báo chí cách mạng đã đóng vai trò tích cực vào việc chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới ngọn cờ của Đảng, cách mạng Việt Nam trải qua biết bao thăng trầm, cam go thử thách, gian khổ hy sinh và đã giành được những thắng lợi to lớn: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công; Đánh thắng thực dân Pháp sau 9 năm kháng chiến trường kỳ; Đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ năm 1986, Đảng lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và đã đạt được những thành tựu kỳ diệu làm thay đổi hẳn diện mạo đất nước. Con đường trường chinh của cách mạng Việt Nam 87 năm qua, nhất là 82 năm từ khi có Đảng, đã in đậm dấu chân của những người làm báo. Trong kháng chiến chống Pháp, những nhà báo – chiến sĩ đã mặc áo lính cùng bộ đội đi đánh giặc. Trong kháng chiến chống Mỹ, biết bao nhà báo đã vượt Trường Sơn đi khắp các nẻo chiến trường. Không ít nhà báo đã trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu và tác nghiệp. Thế hệ những nhà báo – chiến sĩ ấy mãi mãi là niềm tự hào của những người làm báo Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Tác nghiệp (nguồn Internet)
Tác nghiệp (nguồn Internet)

Ngày nay báo chí đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam. Báo chí đã thực sự là cầu nối  giữa dân với Đảng. Báo chí đã tuyên truyền và bảo vệ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đã phản ánh nguyện vọng của nhân dân, thực hiện chức năng phản biện xã hội; nhiều vụ tiêu cực lớn nhờ có báo chí đã được đưa ra ánh sáng. Xã hội hiện nay ngày càng đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh vững vàng, có trình độ và khả năng tác nghiệp. Đặc biệt, cơ chế thị trường hiện nay đòi hỏi các nhà báo phải có cái tâm trong sáng, tự biết vượt qua những cám dỗ của đời thường để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, từ đó vươn lên thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện đang đặt ra nhiều thách thức, nhiều khó khăn to lớn, Đảng và nhân dân đòi hỏi những người làm báo phải tiếp tục phát huy tính tiên phong, tính chiến đấu trong việc ủng hộ, biểu dương cái tốt, cái tích cực, trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch. Từ đó định hướng dư luận, củng cố niềm tin của người dân, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, trên cơ sở đó đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ to lớn của nhân dân, với quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ, cái tâm trong sáng và sự nỗ lực của đội ngũ những người làm báo, nhất định truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy.

Giáo dục và Thời đại

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ