Phát huy tính tích cực HS trong dạy học thực hành

GD&TĐ - Th.S Phan Thị Hồng The – Giảng viên Trường CĐ Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm sử dụng câu hỏi nhiều lựa chọn tổ chức dạy học thực hành quan sát ở bộ môn Sinh học.

Phát huy tính tích cực HS trong dạy học thực hành

Trong dạy học Sinh học có 3 phương pháp thực hành, gồm: Thực hành xác định mẫu vật; thực hành quan sát và thực hành thí nghiệm.

Riêng phương pháp thực hành quan sát thường được tiến hành theo trình tự: Giáo viên (GV) giao nhiệm vụ nhận thức cho từng cá nhân học sinh hay theo nhóm nhỏ; học sinh thực hành quan sát mẫu vật theo yêu cầu của GV; học sinh (HS) báo cáo kết quả và thảo luận.

Khi tổ chức dạy học thực hành quan sát, GV cần trang bị cho học sinh những kĩ năng sau: cố định mẫu vật, cân đo, cách sử dụng kính lúp, dụng cụ mổ cần thiết...

Thực tiễn dạy học cho thấy, tiến trình tổ chức học sinh thực hành quan sát có nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nội dung kiến thức, điều kiện học tập, trình độ của học sinh mà GV vận dụng cho phù hợp. Mỗi cách đều có ưu điểm nhất định.

Sử dụng câu hỏi nhiều lựa chọn trong dạy học thực hành quan sát là một trong các cách đó. Sử dụng phương pháp này có ưu điểm là HS tự lực tìm kiếm tri thức mới qua thực hành quan sát dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Các câu hỏi nhiều lựa chọn được sử dụng trong thực hành quan sát cần thỏa mãn các yêu cầu định tính và định lượng; là vấn đề cốt lõi của một bài, một chương hoặc của một vấn đề nghiên cứu; phải sắp xếp logic chặt chẽ tương ứng với nội dung bài học. 

Câu hỏi được chọn vào dạy kiến thức mới phải điển hình, mỗi tiết học chọn một vài câu phủ kín được nội dung sách giáo khoa, có độ khó vừa phải để huy động trí tuệ của cả tập thể lớp.

Sử dụng câu hỏi nhiều lựa chọn trong tổ chức dạy học thực hành quan sát được tiến hành theo một trong hai quy trình sau:

Qui trình 1: GV nêu câu hỏi tự luận; HS trả lời câu hỏi tự luận trên cơ sở nghiên cứu SGK hoặc các nguồn thông tin khác. Dựa vào các câu trả lời của HS, GV xây dựng câu hỏi, trong đó các phương án nhiễu là từ những cái sai của HS. 

HS phân tích đối chiếu các phương án lựa chọn trên cơ cơ sở tiến hành thí nghiệm; HS thống nhất chọn câu trả lời đúng. GV tổ chức HS đối chiếu các câu sai với câu đúng để tìm nguyên nhân sai.

Lưu ý, mỗi câu tự luận đề cập đến một đơn vị nội dung kiến thức của bài. Vì vậy, các câu tự luận cần được lựa chọn và sắp xếp theo một trật tự logic phát triển nội dung. Đặc trưng của quy trình này là từ câu tự luận phát hiện cái sai để tổ chức HS sửa sai đi đến cái đúng.

Quy trình 2: GV nêu câu hỏi nhiều lựa chọn; HS phân tích đối chiếu các phương án lựa chọn trên cơ sở tiến hành thí nghiệm. HS thống nhất chọn câu trả lời đúng. GV tổ chức HS đối chiếu các câu sai với câu đúng để tìm nguyên nhân sai.

Trong quá trình dạy học, tùy từng đối tượng HS mà GV có thể sử dụng 1 trong 2 quy trình cho phù hợp. Đối với lớp khá, giỏi GV có thể chọn quy trình 1; với HS có học lực kém hơn nên chọn quy trình 2.

Việc sử dụng câu hỏi nhiều lựa chọ tổ chức HS thực hành quan sát phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. HS tự lĩnh hội được kiến thức mới dưới sự hướng dẫn, điều khiển của giảng viên. 

Trong trường hợp này, câu hỏi nhiều lựa chọn trở thành câu hỏi có vấn đề kích thích HS tìm cách giải quyết vấn đề. Với phương pháp này, HS còn được rèn luyện kĩ năng quan sát, phân tích, so sánh, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.