Phát huy thế mạnh đồ dùng trực quan trong dạy Mỹ thuật

GD&TĐ - Đồ dùng trực quan đóng vai trò hết sức quan trọng trong giảng dạy môn Mĩ thuật trường THCS.

Phát huy thế mạnh đồ dùng trực quan trong dạy Mỹ thuật

Phát huy thế mạnh đồ dùng trực quan, giáo viên giúp học sinh tìm hiểu, so sánh, nhận xét, phỏng đoán và ghi nhận sự vật dễ dàng hiểu sự vật qua con mắt quan sát bằng nét vẽ, hình vẽ, màu sắc một cách nhanh chóng, nhớ sự vật lâu hơn.

Chuẩn bị chu đáo

Cô giáo Đỗ Thu Hương - giáo viên Trường THCS Tân Việt (Hưng Yên) cho biết, để một tiết dạy Mĩ thuật đạt kết quả cao, giáo viên cần chuẩn bị chu đáo thiết bị dạy học phù hợp với mục tiêu bài học; sử dụng đồ dùng dạy học đúng lúc đúng chỗ; khai thác đồ dùng dạy học hết tính năng và đặc biệt không lạm dụng đồ dùng dạy học.

Đồ dùng dạy học có nhiều loại như tranh phiên bản của họa sĩ trong nước và thế giới, tranh vẽ của họa sĩ và học sinh, mẫu vật thực, máy chiếu đa năng, máy tính...

Vì thế khi sử dụng giáo viên phải lựa chọn đồ dùng trực quan phù hợp với mục đích, yêu cầu bài học, đi theo một trình tự nhất định thì mới đạt được hiệu quả bài dạy.

Do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh rất hiếu động, tò mò, dễ thích ứng nhưng cũng rất dễ chán nản nên đồ dùng phải có tính sư phạm phù hợp với nội dung bài dạy.

Tranh ảnh phải rõ ràng, chuẩn mực có tính gợi mở đảm bảo tính thẩm mĩ, tính khoa học và tính giáo dục cao. Tránh tình trạng đồ dùng đơn điệu, không trọng tâm, cẩu thả tuỳ tiện, thiếu thẩm mĩ điều đó sẽ dẫn tới không phát hiện được óc thẩm mĩ và tư duy sáng tạo của học sinh.

Đồ dùng phải rõ cho toàn bộ học sinh bao quát được, quan sát dễ dàng nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy.

Sử dụng đồ dùng đúng lúc, đúng chỗ

Cô Đỗ Thu Hương nhấn mạnh, chuẩn bị tốt đồ dùng rất cần thiết nhưng chưa đủ. Sử dụng đồ dùng đúng lúc, đúng chỗ mới là điều kiện để đồ dùng phát huy hiệu quả.

Thông thường đồ dùng cô Hương cho học sinh quan sát là khi hướng dẫn quan sát và nhận xét, hướng dẫn cách vẽ. Khi học sinh đã thực hành phải cất đồ dùng để các em không sao chép.

Thời gian treo đồ dùng cũng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nếu là các tiết đầu, thường đưa ra các câu hỏi vấn đáp trước sau đó mới treo tranh.

Tuy nhiên các tiết học cuối buổi, học sinh uể oải, mệt mỏi, thiếu tập trung nên treo ngay từ đầu để gây sự chú ý của học sinh hướng học sinh vào sự tò mò, dẫn dắt học sinh vào khám phá nội dung bài học.

Khi treo tranh phải để học sinh nhận xét, nhìn nhận ra vấn đề thông qua các câu hỏi của giáo viên, tránh tình trạng treo tranh ra mà không phân tích giảng giải hay vừa treo lại cất đi ngay.

Để tạo sự lôi cuốn học sinh tham gia vào giờ học đôi khi người giáo viên phải biết kết hợp minh họa nhanh trên bảng kết hợp với đồ dùng làm sẵn tạo chiều sâu của tiết học có chất lượng.

Tuỳ theo đối tượng học sinh mà phần củng cố có thể treo để học sinh củng cố lại hoặc có thể lấy luôn bài vẽ đẹp và chưa đẹp của học sinh để học sinh củng cố nhận xét và hoàn thiện bài ở nhà.

Khai thác hết tính năng của đồ dùng

Một trong những lưu ý quan trọng giúp tăng hiệu quả bài dạy, làm giờ dạy hấp dẫn, sôi nổi, theo cô Hương là giáo viên phải biết khai thác triệt để tính năng của đồ dùng.

Muốn như vậy giáo viên phải chuẩn bị hệ thống câu hỏi kèm theo để khai thác hết kiến thức. Tức là giáo viên phải kết hợp cùng lúc 3 phương pháp: Trực quan - quan sát nhận xét - hỏi đáp học sinh tiến tới sự liên tưởng, hình thành khả năng nhớ lại các hình ảnh đã được quan sát, nhìn nhận, phát huy óc sáng tạo khi vẽ bài .

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, học sinh THCS thích những cái mới, cái lạ để bắt chước theo, thích ghi nhận nhiều nhưng lại ít có khả năng chọn lọc. Vì vậy giáo viên phải thường xuyên đổi mới đồ dùng và không nên lạm dụng đồ dùng nếu không sẽ phản tác dụng dẫn đến nhàm chán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.