Phát huy nền tảng công nghệ PC-Covid đón học sinh trở lại trường

GD&TĐ - Ngày 7/2, học sinh Điện Biên sẽ trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Để đón học sinh đến trường an toàn, ngành giáo dục chỉ đạo các trường học tăng cường phát huy nền tảng công nghệ PC-Covid.

Việc chủ động quét mã QR đối với cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh sẽ giúp việc sàng lọc, quản lý dịch bệnh thuận tiện, dễ dàng hơn. Ảnh: Minh Thùy.
Việc chủ động quét mã QR đối với cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh sẽ giúp việc sàng lọc, quản lý dịch bệnh thuận tiện, dễ dàng hơn. Ảnh: Minh Thùy.

Mở cửa thích ứng

Ngành GD&ĐT Điện Biên vừa có chỉ đạo về việc tổ chức cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đi học trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Theo đó, viên chức, người lao động và học sinh, học viên các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông sẽ chính thức đến trường học trực tiếp từ ngày 7/2 (tức mùng 7 Tết).

Theo ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, để trường học mở cửa an toàn, thích ứng, ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tiếp tục tăng cường thực hiện nền tảng công nghệ PC-Covid phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Bám sát chỉ đạo của ngành và địa phương, Trường THCS xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) đã thông báo, hướng dẫn toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên cài đặt ứng dụng PC-Covid trên điện thoại di động và các thiết bị thông minh. Thông qua thông tin khai báo y tế, lịch trình di chuyển nội địa bằng cách quét mã QR để chủ động nắm bắt, quản lý.

“Không chỉ đối với nhà trường mà mỗi cá nhân đến liên hệ công tác tại đơn vị đều được yêu cầu quét mã QR. Nhà trường phân công nhân viên kiểm soát việc quét mã ngay tại cửa phòng bảo vệ, trước khi vào trường để đảm bảo thực hiện đúng, đủ theo quy định”, thầy Lê Đức Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Kịch bản siết chặt phòng dịch để tổ chức dạy học an toàn, thích ứng được các cơ sở trường học chuẩn bị chu đáo.
Kịch bản siết chặt phòng dịch để tổ chức dạy học an toàn, thích ứng được các cơ sở trường học chuẩn bị chu đáo.

Còn tại Trường Tiểu học xã Thanh Luông (huyện Điện Biên), mỗi cán hộ, giáo viên và học sinh rời khỏi địa bàn về quê đón tết đều được lập danh sách, có số điện thoại cụ thể.

Trước khi kết thúc thời gian nghỉ tết, nhà trường tiến hành nắm bắt, phân loại thành từng nhóm nguy cơ (nguy cơ cao, nguy cơ thấp) theo hướng dẫn mới của ngành Y tế. Việc thực hiện quét mã QR được khuyến khích duy trì thực hiện để làm cơ sở quản lý, phân loại nhanh gọn, dễ dàng hơn. Trên cơ sở đó lên phương án đề nghị cơ quan y tế địa phương tổ chức, phối hợp hoặc yêu cầu phụ huynh test cho con em trước khi đến trường.

“Với 19 lớp học và 537 học sinh, nhà trường cũng đã dự kiến tách khối để phân ca học. Bố trí thời điểm bắt đầu và kết thúc buổi học, thời gian nghỉ giữa các tiết học đan xen, phù hợp. Khoảng cách giữa các lớp là 1 phòng trống, mỗi phòng học chỉ kê 20 bộ bàn ghế. Khi đón học sinh, 2 giáo viên trực ở cổng để phân luồng, giãn cách, đo thân nhiệt, sau đó hướng dẫn các em vào lớp luôn”, cô Phạm Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Chủ động phối hợp “3 bên”

Bên cạnh việc tổ chức, triển khai quản lý trên nền tảng công nghệ PC-Covid, ngành GD&ĐT địa phương cũng yêu câu đẩy nhanh tiến độ, chất lượng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương tổ chức xét nghiệm sàng lọc hoặc test nhanh cho giáo viên.

Định kỳ 2 tuần/lần thực hiện cho 100% giáo viên mầm non, tiểu học; 50% giáo viên THCS, THPT, giảng viên các trường cao đẳng. Riêng đối với học sinh, có thể triển khai theo hình thức xã hội hóa. Những địa bàn thuận lợi khuyến khích, động viên phụ huynh có điều kiện tự tiến hành test cho con, em mình trước khi đưa đến trường.

Để triển khai hiệu quả những nội dung này, Trường PTDTBT Tiểu học Sính Phình số 1 (huyện Tủa Chùa) đã đẩy mạnh công tác truyền thông đến học sinh, phụ huynh cùng phối hợp thực hiện. Theo thầy Bùi Quang Trung, Hiệu trưởng nhà trường thì thông tin liên lạc “2 chiều” giữa trường và phụ huynh được duy trì thường xuyên thông qua giáo viên chủ nhiệm.

“Nếu học sinh ho, sốt... phụ huynh sẽ chủ động báo cho giáo viên chủ nhiệm xin phép nghỉ học, không đến trường và liên hệ với cơ quan y tế để có biện pháp xử trí phù hợp. Học sinh chỉ đến trường khi đảm bảo không liên quan đến yếu tố dịch bệnh, nhằm tránh tình trạng để lây lan trong nhà trường”, thầy Trung chia sẻ.

Phụ huynh phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong việc thông tin "2 chiều", tránh tình trạng để lây lan dịch bệnh trong trường học.
Phụ huynh phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong việc thông tin "2 chiều", tránh tình trạng để lây lan dịch bệnh trong trường học.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí (huyện Mường Chà), do có số lượng học sinh ở bán trú đông nên các phương án phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền lại càng được đề cao. Theo thầy Cà Văn Sơn, Hiệu trường nhà trường,  đơn vị đã lên kế hoạch và thông báo đến phụ huynh cho con em đến trường trước 1 ngày (tức ngày 6/2).

“Mục đích để chủ động tổ chức các hoạt động rà soát, nắm bắt tình hình học sinh. Phối hợp với trạm y tế xã để kiểm tra sức khỏe các em trước khi tổ chức dạy học tập trung. Việc tổ chức nấu ăn bán trú trong tuần đầu sau nghỉ Tết Nguyên đán nhà trường sẽ xem xét, dựa trên tình hình cụ thể tại địa bàn rồi mới đưa ra quyết định”, thầy Sơn cho hay.

Là đơn vị vừa bước ra từ “cuộc chiến” Covid-19, nên Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch. Theo lãnh đạo ngành GD&ĐT địa phương, kinh nghiệm này đã được chia sẻ rộng rãi tại hội nghị sơ kết học kỳ I, năm học 2021 – 2022 toàn ngành diễn ra trước Tết.

Ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên cho hay: “Các trường dựa vào tình hình thực tế để lên kịch bản chi tiết cho công tác dạy học của đơn vị mình, với yêu cầu bám sát chỉ đạo cấp trên. Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương rất quan trọng, góp phần thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. Hiệu quả triển khai các giải pháp sẽ được đảm bảo thông qua việc kiểm tra, giám sát thường xuyên”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ