Điện Biên: Ôn thi học sinh giỏi quốc gia vào giai đoạn “nước rút”

GD&TĐ - Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay muộn hơn thường kỳ 2 tháng nên diễn ra gần sát với Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn tận dụng công nghệ phục vụ nghiên cứu, trao đổi thông tin.
Học sinh đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn tận dụng công nghệ phục vụ nghiên cứu, trao đổi thông tin.

Cùng với việc ôn luyện, hiện giáo viên được giao nhiệm vụ ôn thi đội tuyển tại Điện Biên đang tìm cách gỡ “áp lực” tâm lý cho học sinh khi bước vào giai đoạn “nước rút”.

Áp lực “nhân đôi”

Những ngày này, không khí ôn luyện của các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tại Điện Biên đang “nóng” dần lên. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là nơi được giao nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo nguồn.

Em Trần Đăng Hòa, lớp 12C2 là học sinh đội tuyển Vật lý, cho biết: Để rèn luyện kỹ năng và ôn luyện kiến thức, đội tuyển được thầy, cô hướng dẫn 3 buổi/ngày, thậm chí 4 buổi/ngày nếu học online. Khi giáo viên bận, đội tuyển sẽ đến trường tự học và trao đổi với nhau.

“Thời điểm dịch bệnh bùng phát, chúng em chuyển sang học online nên phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, việc trao đổi, tiếp thu kiến thức. Tham gia kỳ thi ai cũng háo hức, nhưng do phải học dồn kiến thức, đối mặt với nhiều áp lực nên chúng em khá căng thẳng”.

Cùng chung tâm trạng, em Nguyễn Thị Linh Chi, lớp 12C5, đội tuyển Ngữ văn, tâm sự: Khi biết thông tin kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lùi lại, em khá hoang mang. Bởi theo thông lệ, sau khi hoàn thành kỳ thi này vào khoảng tháng 12 năm trước hoặc tháng 1 năm sau, học sinh sẽ có thời gian đủ dài để ôn thi tốt nghiệp THPT và đại học.

Thời điểm này là giai đoạn nước rút nên nhà trường đã dành mọi sự ưu tiên cho công tác ôn luyện đội tuyển. Theo Thạc sĩ Bùi Thị Anh, Hiệu trưởng nhà trường: Bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trường đã phân công, động viên đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết tranh thủ, tận dụng thời gian hợp lý để hướng dẫn, bồi dưỡng cho học sinh.

Tuy nhiên, cũng theo Thạc sĩ Bùi Thị Anh, lùi thời gian 2 tháng so với mọi năm khiến giáo viên, phụ huynh và nhiều học sinh lo lắng khi các kỳ thi diễn ra khá gần nhau.

“Lịch thi lùi lại, các em có thời gian nhiều hơn để củng cố kiến thức, nhưng kỳ thi học sinh giỏi lại gần sát với thi tốt nghiệp THPT. Học sinh trong đội tuyển không được tham gia các lớp luyện thi đại học. Đó là thiệt thòi của các em nhưng cũng khiến nhà trường lo lắng”, cô Anh chia sẻ.

Các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đang vào giai đoạn nước rút.
Các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đang vào giai đoạn nước rút.

“Gỡ” áp lực...

Là giáo viên được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý, thầy Hoàng Tuấn Anh hiểu rất rõ những áp lực của học sinh đội tuyển. Để “gỡ” áp lực này, thầy Tuấn Anh cũng như các thầy, cô hướng dẫn đội tuyển đã kết hợp nhiều hình thức và thời gian trong ngày để tranh thủ hướng dẫn, khơi gợi cảm hứng cho học sinh. Mặc dù lượng kiến thức lớn, thời gian nghỉ không nhiều, nhưng thầy vẫn tranh thủ thời gian động viên học sinh, cố gắng giảm bớt áp lực và tạo không khí thoải mái cho các em.

Về phía nhà trường, theo cô Hiệu trưởng Bùi Thị Anh, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí giáo viên bổ trợ kiến thức cho học sinh đội tuyển. Mục đích là để các em vừa tập trung cho kỳ thi học sinh giỏi, vừa có sự chuẩn bị tốt cho thi tốt nghiệp và đại học… Mỗi thầy, cô giáo luôn đồng hành, sát sao với từng diễn biến tâm lý của học sinh.

“Trước khi các em bước vào kỳ thi, nhà trường cũng tổ chức tiếp lửa, gặp mặt học sinh đội tuyển. Qua những hoạt động như vậy cũng phần nào giúp các em giải tỏa áp lực”, cô Hiệu trưởng chia sẻ.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là thử thách quan trọng, bước ngoặt trước ngưỡng cửa cuộc đời mỗi học sinh. Chính bởi vậy, theo em Trần Đăng Hòa, khi được lựa chọn vào đội tuyển đều xác định rõ mục tiêu và nỗ lực. Tuy nhiên, tác động từ phía thầy cô, gia đình cũng rất quan trọng.

“Nhờ đẩy nhanh, gọn kế hoạch học tập nên chúng em đã hoàn thành chương trình kiến thức lớp 12. Bên cạnh đó, thầy cô, bố mẹ cũng thường xuyên động viên, trao đổi về lựa chọn để bước vào con đường đại học nên chúng em bớt phần căng thẳng”, Hòa bộc bạch.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2022, Điện Biên có 48 học sinh tham dự 8 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh (6 học sinh/môn). 100% đều là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...