(GD&TĐ)-Năm nào cũng vậy, ngay sau tết Nguyên đán, đồng bào các dân tộc lại nô nức tổ chức các hoạt động lễ hội. Đây là dịp để bà con thực hiện các nghi thức thờ cúng thần linh cầu mong mưa thuận, gió hòa cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, cũng là ngày hội để bà con các địa phương thể hiện những nét văn hóa riêng, độc đáo và tôn vinh những giá trị truyền thống của vùng quê mà mình gắn bó sinh sống.
Sáng 9/2, tại xã Hiền Lương, Ủy ban Nhân dân huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã chính thức khai hội Đền Mẫu Âu Cơ. Đây là một trong những hoạt động mở đầu cho chương trình "Du lịch về cội nguồn" năm 2011 của ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.
Rước kiệu tại lễ hội đền Mẫu Âu Cơ |
Theo truyền thuyết, vào ngày 7 tháng Giêng, tiên nữ Âu Cơ giáng trần, sau đó gặp gỡ và kết duyên với Lạc Long Quân, rồi sinh bọc trăm trứng và nở thành 100 người con, khởi nguồn của nòi giống Lạc Hồng.
Sau khi nuôi các con khôn lớn, Lạc Long Quân đưa 50 người con về miền biển, Âu Cơ đưa 50 người con lên miền núi khai hoang, lập ấp, mở mang bờ cõi, hình thành vùng đất của người Việt cổ.
Tại nơi đây (nay là xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa), phong cảnh hữu tình, Mẹ Âu Cơ đã ở lại dạy dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, cho đến khi cùng tiên nữ bay về trời vào ngày 25 tháng Chạp, để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa.
Chính tại nơi đó, nhân dân đã dựng ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói. Từ đó trở đi, hàng năm, cứ vào ngày mồng 7 Tết, nhân dân Hiền Lương và các vùng lân cận lại mở hội tưởng nhớ Mẹ Âu Cơ; dâng lên Tổ Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính và biết ơn.
Phần lễ được tổ chức vào đúng 8 giờ ngày 9/2 (tức ngày mồng 7 Tết Tân Mão) - là ngày lễ chính Đền Mẫu Âu Cơ. Đây là ngày "tiên giáng trần," vì thế, phần lễ sẽ tổ chức đội tế nam rước kiệu Thành Hoàng làng về đền thờ Mẫu Âu Cơ. Kiệu Thành Hoàng được rước giữa dòng người với rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ thần, cờ hội trong âm vang tiếng trống, tiếng chiêng.
Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian được trình diễn nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết của dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, cờ tướng, bóng chuyền và biểu diễn văn hóa văn nghệ ca ngợi Bác Hồ, mừng Đảng, mừng Xuân.
Sáng 9/2 tức mùng 7 tháng Giêng, rất đông người dân và du khách đổ về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tham dự Lễ hội Tịch điền năm 2011.
Rộn ràng lễ hội tịch điền ở tỉnh Hà Nam |
Đúng 7 giờ sáng, lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu làm lễ tịch điền được cử hành uy nghiêm, trang trọng bao gồm dàn trống hơn 50 chiếc của đội trống thôn Đọi Tam cùng hòa tấu rền vang. Tiếp đó là màn biểu diễn múa rồng của đội rồng thôn Đọi Tín, hòa chung vào tiếng trống rộn ràng.
Xung quanh bờ ruộng là 280 lá cờ thần được xếp đều, người cầm cờ cũng được tuyển chọn từ 7 thôn trong xã. Uy nghi trang trọng, kiệu rước bài vị của vua Lê Đại Hành được đặt trên vai các trai đinh lực lưỡng. Sau kiệu vua là kiệu Long đình và kiệu Bát cống. Các cụ cao niên chỉnh tề trong áo the khăn xếp theo hầu kiệu.
Sau màn múa rồng, đại diện lãnh đạo huyện Duy Tiên trịnh trọng đọc văn trình vua Lê Đại Hành, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội, lễ dâng hương diễn ra trang trọng, uy nghi.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các vị bô lão cùng dân làng kính dâng những nén nhang thơm tưởng nhớ công lao những người đi trước.
Liền sau đó, những chú trâu khỏe mạnh với cặp sừng cong vút cùng với những chiếc cày đã sẵn sàng cho những đường cày thẳng tắp. Trong tiếng reo hò cổ vũ cùng tiếng trống rền vang, bô lão Đinh Trọng Tế ở thôn Đọi Nhất, năm nay đã 83 tuổi khoác áo Long bào nhập linh khí quân vương khoan thai đi đường cày đầu tiên. Tiếp đó là những đường cày của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên và đông đảo người dân tham gia lễ hội, lật lên những lớp đất nâu, tơi xốp, phơi mình trong nắng XuânTịch điền - Một nghi thức quan trọng của lễ hội xuống đồng.
Các phần trổ tài thi cũng như các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ… đã thu hút đông đảo sự quan tâm của nhân dân các dân tộc trong vùng.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bà con dân tộc Tày, Nùng, Thái… ở nhiều xã của tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang... lại nô nức tổ chức Lễ hội Lồng Tồng (tiếng Tày nghĩa là xuống đồng).
Ném còn là một hoạt động văn hóa đặc sắc của lễ hội Lồng tồng |
Ra Giêng, sau những ngày vui Xuân, dân bản chọn một ngày tốt làm lễ xuống đồng (Lồng Tồng), cũng là lúc người dân đi tìm trâu, bò thả rông về chăn dắt, bắt đầu đi vào sản xuất, vào mùa vụ mới.
Vì là Lễ hội khởi đầu cho vụ mới cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên lễ vật cúng tế cũng ăm ắp. Tất cả những đầu lợn, cá nướng, gà, xôi ngũ sắc, thịt, bánh gù (là bánh chưng Tày), bánh dày, bánh gio, bánh bỏng, rượu, chè, đèn, cành đào có hoa được đặt trên mâm gỗ hoặc trải lá trên thửa ruộng lớn nhất. Đặc biệt, không thể thiếu những quả khâu bằng vải mầu, trong đựng thóc, ngô, đỗ giống, ngoài đính tua rua cắt dán cầu kỳ bằng giấy mầu.
Lễ hội Lồng Tồng theo truyền thống gồm có phần lễ cúng cầu may, cày ruộng, gieo vãi hạt giống và phần hội là lúc bà con tung còn, chơi các trò chơi dân gian.
Mâm cỗ của thôn bản to nhất đặt giữa, hai bên xếp các mâm nhỏ hơn của các hộ dân. Mâm cỗ chính đặt dưới chân cây nêu (làm bằng cây mai hoặc tre) đã dựng trước cao khoảng 15-20 mét, ngọn buộc vòng nguyệt to bằng cái sàng, dán các vòng giấy đỏ, tím; riêng vòng trong cùng được dán bằng giấy trắng, khoảng 10cm, quanh vòng dán các tua giấy, tượng trưng linh vật nữ trinh.
Lễ cúng bắt đầu từ 8- 9 giờ sáng, khi bà con đến đông đủ, thầy cúng (hay còn gọi là “pú tao”, “pú thầy”, “pú mo” – tiếng Tày) mặc sắc phục đứng quay mặt về hướng Đông, chỗ đặt mâm lễ và cột còn rồi gõ chiêng khấn vái bốn phương: Cảm ơn trời đất và các thần linh năm qua đã cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi; gia súc, gia cầm phát triển đầy đàn; con người khoẻ mạnh ấm no hạnh phúc; cầu mong năm mới lại được sự phù hộ nhiều hơn. Rồi thầy cúng lấy gậy chọc xuống ruộng mấy lỗ, vãi hạt giống và vẩy ít nước lên.
Kết thúc phần lễ, thầy mang những quả còn đến chân cột cúng tiếp và tung thử sau đó mới tới lượt các cụ ông cụ bà, hai bên thanh niên nam-nữ.
Sáng 10/2, tức ngày mồng 8 tháng Giêng Tân Mão 2011, tại làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), Thường trực dòng họ Vũ -Võ Việt Nam đã tổ chức Lễ hội truyền thống làng 36 tiến sỹ Mộ Trạch và dâng hương kỷ niệm 1207 năm ngày sinh Vũ Công Thần Tổ (Vũ Hồn) - Thành hoàng làng.
Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng người tài của dân tộc ta |
Mộ Trạch là một làng tài, làng tiến sỹ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, với 36 tiến sỹ đại khoa, kể từ thời nhà Trần. Trải qua nhiều thế kỷ, từ triều Trần qua triều Lê, Mạc đến thời vua Lê, chúa Trịnh, luôn có bậc anh tài làng Mộ Trạch mà trong đó đa phần là dòng họ Vũ.
Tiếng tăm khoa bảng làng Mộ Trạch, đời đời đã khẳng định qua câu phương ngôn “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm” (tên xưa của làng Mộ Trạch).
Vua Tự Đức cũng đã có lời khen ngợi về sự học của làng Mộ Trạch “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (Một làng Mộ Trạch tài bằng nửa cả nước).
Hơn 9 giờ sáng, lễ hội mới chính thức diễn ra nhưng ngay từ sáng sớm, từng đoàn người dòng họ Vũ-Võ Việt Nam và nhân dân quanh vùng đã “đổ” về làng Tiến sĩ Mộ Trạch để thăm quan, chiêm bái và cùng nhau ôn lại lịch sử truyền thống của dòng họ.
Ngay đầu làng có cổng Tam quan, vào khoảng 60m là ngôi cổ Miếu có kiến trúc thời Nguyễn, vẫn giữ được hình dáng kiến trúc, hệ thống cột, kèo, mái theo đúng nét xưa. Bên trong ngôi Miếu là hậu cung, nơi có tượng Thần Tổ đặt trong một hộp kính, sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Phía trên cao, dưới mái trong Miếu có một tấm bảng gỗ sơn mài màu đỏ khắc 3 chữ thếp vàng rất lớn: Vạn Thế Trạch (Ơn Muôn Đời) và một tấm bảng nền vàng ánh tươi, có khắc 4 chữ sơn đen bóng: Thủy Tổ Linh Từ (nơi thờ vị Tổ đầu tiên linh thiêng). Dưới là một cửa võng chạm khắc rồng phượng.
Ngay sau lễ khai hội, diễn ra rước kiệu ngài Vũ Công Thần Tổ từ Miếu ra Đình làng để các cụ chức sắc, bô lão làm lễ tế Thành hoàng làng.
Đám rước có kiệu rồng với 8 trai làng áo chẽn đỏ cùng khiêng. Trên ngai cao có mũ, áo, hia màu vàng tượng trưng cho cụ Tổ Vũ Hồn. Đi đầu có đội bát bửu, cờ, quạt và kiệu Bát cống. Các cụ, các bà đứng ven đường, chắp tay thành kính khi “Kiệu Thánh” đi qua, miệng lẩm bẩm suýt soa khấn cầu Thành hoàng làng phù hộ cho làng xóm làm ăn ấm no và hạnh phúc. Đoàn rước đi chậm theo tiếng nhạc bát âm, đàn, sáo, kèn, chiêng, trống, du dương, réo rắt, nghiêm trang, kính cẩn.
Sau lễ rước và dâng hương tưởng nhớ 1207 năm ngày sinh Vũ Công Thần Tổ. Phần hội diễn ra sôi nổi với các màn múa, hát mang đậm bản sắc văn hoá dân gian và cùng các trò chơi dân gian như bóng chuyền, cờ tướng.
Năm nào cũng vậy, ngay sau tết Nguyên đán, đồng bào các dân tộc ở 7 xã thuộc vùng thượng huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) lại tổ chức lễ hội “xuống đồng”
Thi cấy lúa tại lễ hội (ảnh YB) |
Đây vừa là nghi thức thờ cúng các vị thần linh cho mưa thuận, gió hoà, giúp mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, đây cũng là ngày hội đầu xuân để bà con các địa phương có cơ hội phô diễn những thành quả đã đạt được trong một năm, sẵn sàng cho một sản xuất tiếp theo.
Ngọc Khánh-Hùng Sơn-Phương Anh