(GD&TD)-Ngày 1/2, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã khai mạc kỳ họp thứ 2 nhằm thông qua báo cáo tổng kết hoạt động năm 2011, phương hướng công tác năm 2012 và bàn một số vấn đề lý luận thực và thực tiễn trong việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại kỳ họp |
Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh cùng các thành viên của Hội đồng.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2011 của Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Năm 2011, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức thành công 5 hội thảo khoa học trong nước và quốc tế như hội thảo “Kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” trong đó khẳng định tính tất yếu khách quan của mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày nay được xác định từ góc độ trí tuệ, nhân văn, nhân đạo, tiến bộ, dân chủ, tư do và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước, với khát vọng của dân tộc mà nhân dân ta đã lựa chọn.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Năm 2012, tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, do đó Hội đồng Lý luận Trung ương cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm quốc tế và đặc biệt làm thế nào để phát huy tố đa vai trò vị trí của Hội đồng lý luận Trung ương để giúp sức cho Bộ Chính trị và Trung ương.
Chủ tịch nước cũng lưu ý một số vấn đề về lý luận cần được nghiên cứu, tiếp tục làm sáng tỏ như mô hình chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; Phát triển kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội; Về công tác xây dựng Đảng... Đặc biệt năm 2012 phải tập trung nghiên cứu về lý luận và thực tiễn trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 để báo cáo Trung ương và dự kiến lấy ý kiến nhân dân vào giữa năm 2013.
Chủ tịch nước tin tưởng với đội ngũ thành viên đông đảo và có bề dày nghiên cứu lý luận và thực tiễn Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ có sự góp sức xứng đáng cho Trung ương và Bộ Chính trị trong công tác nghiên cứu lý luận, giải đáp được những vấn đề hết sức trọng yếu mà Đại hội XI đã nêu ra, thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đề cập nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước khẳng định đây là vấn đề hết sức hệ trọng; tin tưởng các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương tập trung trí tuệ, tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giải đáp những vấn đề cấp bách, đáp ứng thiết thực yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về nhiệm vụ này. Kết luận Kỳ họp, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Công cuộc đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, đòi hỏi công tác lý luận phải đào sâu, tham gia tìm lời giải cho những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Năm 2012, Hội đồng Lý luận Trung ương cần tập trung trí tuệ để phân tích tình hình, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp đúng đắn, hiệu quả. Hội đồng cần bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, phục vụ trực tiếp cho việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; báo cáo chính trị và các văn kiện khác đã được Đại hội XI thông qua; Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước 5 năm 2006 -2010 và năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015; các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), đặc biệt là Nghị quyết một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay. Theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, năm 2012 sẽ diễn ra Hội nghị Trung ương 5 và 6, Hội đồng cần bám sát chủ đề của các Hội nghị Trung ương để tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần xây dựng Nghị quyết cho đúng và trúng. Hội đồng Lý luận Trung ương triển khai tích cực Chương trình trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015”; nâng cao chất lượng trong nghiên cứu khoa học để các kết quả nghiên cứu thiết thực, sâu sắc, dễ hiểu, dễ tuyên truyền vận động, dễ thực hiện, dễ đi vào cuộc sống.
Từ góc độ lý luận, Hội đồng cần tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần tạo nên sự nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Hội đồng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc hợp tác nghiên cứu, trao đổi lý luận với các đảng cộng sản, đảng chính trị và các tổ chức chính trị khác trên thế giới, cùng làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra và cần giải quyết theo hướng có lợi cho chủ nghĩa xã hội.
Kết luận Kỳ họp, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định Hội đồng sẽ tiếp thu, thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Trương Tấn Sang, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng như chất lượng tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và mong muốn được sự cộng tác, phối hợp và giúp đỡ kịp thời, chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, sự ủng hộ, đồng lòng của cả đội ngũ các nhà khoa học lý luận chính trị, các nhà hoạt động chính trị, các nhà quản lý, đáp ứng sự tin cậy của Đảng và nhân dân, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo |
Sáng 1/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo tham dự Hội thảo.
Theo dự thảo Báo cáo, qua 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, chúng ta đã thực hiện đổi mới căn bản và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, tạo nên diện mạo mới, thế và lực mới, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, từng bước đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, trong sự vận hành của Nhà nước pháp quyền, tinh thần và nội dung của nguyên tắc pháp quyền của Hiến pháp năm 1992 chưa được thể hiện đồng bộ trong các chế định khác của Hiến pháp, nhất là trong các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và quyền công dân. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, phức tạp, chồng chéo, khó tiếp cận, nhiều quy định vẫn chưa đi vào đời sống…
Do đó, mục tiêu lớn của việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 là nhằm đánh giá toàn diện hoạt động cụ thể hoá, tổ chức thi hành các quy định của Hiến pháp, trước hết đối với những quy định trực tiếp về Chính phủ và các quy định khác có liên quan đến thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, kết hợp đánh giá các quy định có liên quan đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
Từ việc đánh giá hoạt động cụ thể hóa, thực tế thi hành các quy định của Hiến pháp, phát hiện đầy đủ các vướng mắc, bất cập trong các quy định của Hiến pháp cũng như các quy định của pháp luật. Đối với các vướng mắc, bất cập trong các quy định trực tiếp hoặc có liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, có sự xem xét cụ thể, chi tiết. Trên cơ sở đó, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã thẳng thắn góp ý những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo cần phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn để có những ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu cho Báo cáo của Chính phủ.
Xuân Hương-Toàn Thắng