Thỉnh thoảng tôi nổi cáu vì trong nhà có quá nhiều đồ linh tinh thì cô ấy lý sự: "Em sắm dần để sau này mua được căn hộ thì mình còn có cái để bày chứ".
Gần đây, nhận thấy "bệnh" của vợ ngày càng nặng, tôi đành nói chuyện thẳng thắn với cô ấy: "Em ạ, anh biết làm đẹp là nhu cầu tất yếu của em, nhưng em hãy xem lại thói quen mua sắm của em đi nhé, rất nhiều thứ em mua về chưa dùng đến, 2/3 trong số đó đã quá "đát", hôm nọ anh vứt đi mà em cũng không biết.
Mấy tháng nay, tài khoản tiết kiệm dành riêng cho việc mua nhà không có thêm đồng nào, nếu không tính khoản anh vẫn hì hụi nạp vào".
Nghe tôi nói xong, cô ấy chớp chớp mắt ra chiều hối hận lắm: "Em xin lỗi, tại gần đây công việc của em nhiều áp lực, em chỉ biết giải tỏa bằng cách mua sắm thôi anh ạ. Anh có cách nào giúp em không?".
Nhìn vợ rơm rớm nước mắt, tôi giận xong lại thấy thương. Ôm vợ an ủi khoảng 5 phút thì tôi nảy ra cao kiến: "À, hay là thế này, bây giờ em gửi lương cho anh, tất nhiên khi có lương, em vẫn được giữ lại một khoản nhỏ đủ để tiêu, còn lại chuyển cho anh. Nếu tháng nào em chi tiêu hơi quá tay một tí, thì nhờ anh chuyển thêm cho em một ít. Nếu lúc nào em ham quá, nhờ anh chuyển nhiều tiền, khi bị anh mắng, cơn thèm đồ của em sẽ nguội bớt, em thấy sao?".
Cô ấy đẩy nhẹ tôi ra, phụng phịu: "Eo ơi, anh quá đáng thế, tự nhiên em đưa hết lương cho anh xong phải xin anh từng đồng để chi tiêu là sao? Vô lý quá".
Tôi kiên nhẫn giải thích: "Vấn đề không phải tiền của em hay của anh, cũng không phải là xin hay cho mà anh đang muốn giúp em cai nghiện mua sắm, khi nào em ổn định trở lại, anh sẽ hoàn tiền cho em, tiền không chạy đi đâu mất mà em phải lo".
Cuối cùng vợ cũng đồng ý thỏa hiệp với tôi. Từ ngày bị tôi "giữ khóa", tần suất mua sắm của cô ấy giảm hẳn, cùng lắm cô ấy chỉ dám bảo tôi chuyển tiền để mua một vài thỏi son cho "bảng màu" của cô ấy đỡ nhàm chán.
Sau khoảng 2 tuần kiềm chế cơn nghiện mua sắm thì một hôm, cô ấy đùng đùng gọi tôi để thông báo một tin giật gân: "Anh ơi, đứa bạn thân của em chuẩn bị mua xe, nó thiếu tiền nên muốn vay em, anh chuyển một ít cho em nhé".
Tôi cẩn thận hỏi lại: "Một ít là bao nhiêu hở em?". Giọng cô ấy ráo hoảnh: "20 triệu thôi anh". Tôi vã mồ hôi: "Giời ạ, 20 triệu mà em nghĩ là một ít à? Vợ chồng mình đâu dư giả gì. Thôi em tìm cách từ chối khéo bạn em đi". Vợ tôi nổi nóng: "Nhưng em hứa cho nó vay rồi, nó sẽ trả ngay, anh đừng lo, mới cả em cho bạn vay bằng tiền của em chứ có phải em xin anh đâu". Cô ấy buộc tôi "nhả" 20 triệu bằng được.
Tối hôm đó tôi về nhà, giật mình khi nhìn thấy đống bao bì hàng hiệu đã bị xé toạc nằm gọn trong sọt rác. Đoán có điều chẳng lành, tôi chạy lên phòng ngủ, hỏi vợ: "Em vừa tái nghiện rồi phải không? Em bảo anh chuyển tiền để em mua đồ chứ gì? Gớm, làm gì có đứa bạn nào vay tiền để mua xe cơ chứ".
Vợ tôi chỉ vào "núi đồ" mới sắm, khẳng định: "Em không hề tái nghiện, anh xem này, em chi tiêu rất hợp lý, em chỉ mua những thứ cần thiết thôi nhé".
Để làm cho ra nhẽ, tôi đếm từng chai nước hoa, từng chiếc váy và từng đôi guốc vợ mới sắm: "Nước hoa dùng cả năm không hết một chai, đằng này em mua một lúc 3 chai. Cái váy này nữa, tại sao em lại mua những 2 cái giống nhau? Còn cả đôi guốc này nữa, em mua 2 đôi giống hệt nhau làm gì? Thế này mà em gọi là chi tiêu hợp lý à?".
Vợ tôi thản nhiên: "Nước hoa này là loại hiếm, em phải mua 3 chai đề phòng chuột chạy, vỡ chai này em còn có chai khác. Kiểu váy này em rất thích, nó được may bằng loại voan cực mềm và mát, em mua hai cái đề phòng váy vướng vào hàng rào, rách cái này em còn có cái dự bị".
Nói xong, cô ấy cúi xuống tháo đôi guốc đang đi, giải thích: "Anh xem, đây là kết quả của việc đi bộ trên vỉa hè, em toàn bị sụt khe gạch ốp nên đế guốc mới bị sứt sẹo thế này. Anh đã thấy em khôn như thế nào khi găm sẵn 2 đôi giống nhau chưa? Em đang nghĩ, lẽ ra đã thích là phải mua 3 đôi mới đủ đây nè".