Đó là vỏ của một quả trứng khủng long khổng lồ 67 triệu năm tuổi.
Quả trứng có nguồn gốc từ một đồng bằng núi lửa ở miền Trung Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, một dòng dung nham đã phá hủy chiếc tổ ngay sau khi khủng long đẻ trứng.
Phôi bị phân hủy, trong khi các lớp đá núi lửa bảo quản lớp vỏ. Qua nhiều năm, nước giàu silica thấm vào bên trong vỏ và kết tinh, tạo thành khoáng chất mã não màu trắng và hồng nhạt.
“Chỉ đến bây giờ chúng tôi mới nhận ra rằng, mẫu vật này có một thứ cực kỳ đặc biệt. Lớp mã não này thực tế bao quanh một quả trứng khủng long”, ông Robin Hansen - người phụ trách khoáng sản tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết.
Theo ông Hansen, một người đàn ông tên Charles Fraser đã tìm thấy viên pha lê này khi sống ở Ấn Độ từ năm 1817 - 1843. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Vương quốc Anh đã xếp nó vào danh mục mã não năm 1883. Mẫu vật nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng hơn một thế kỷ cho đến khi được trưng bày vào năm 2018.
Theo các chuyên gia bảo tàng, mẫu vật có kích thước 5,9 inch (15 cm), phù hợp với trứng khủng long titanosaur được tìm thấy ở Trung Quốc và Argentina. Các nhà cổ sinh vật học đã cố gắng quét mẫu vật để xác nhận nguồn gốc của nó.
Tuy nhiên, mật độ mã não đã cản trở việc phát hiện các chi tiết. Nhóm nghiên cứu tin chắc rằng, đó là trứng của một con khủng long khổng lồ. Lý do một phần là vì những con thú khổng lồ này là loài khủng long phổ biến nhất ở khu vực ngày nay là Ấn Độ vào cuối kỷ Phấn trắng (100 triệu - 66 triệu năm trước).
Paul Barrett - nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên - cho biết: “Theo những gì chúng tôi biết, khủng long ở kỷ Phấn trắng tại Ấn Độ rất phong phú, nhưng không đặc biệt đa dạng. Có rất nhiều hóa thạch titanosaur”.
Mặc dù là loài khủng long lớn nhất thế giới, dài tới 123 feet (37,5 mét) và nặng 70 tấn, nhưng titanosaur đã đẻ những quả trứng tương đối nhỏ với đường kính từ 4,7 - 5,9 inch (12 - 15 cm).
“Có vẻ như khủng long khổng lồ đã áp dụng chiến lược đẻ những lứa khoảng 30 hoặc 40 quả trứng nhỏ. Vì khủng long khổng lồ quá lớn để có thể ấp trứng, nên rất có thể chúng đã phủ thảm thực vật hoặc đất lên để giúp ấp trứng”, ông Barrett nhận định.
Chiến lược sinh sản này tương tự cách rùa biển và cá sấu đẻ trứng ngày nay. Theo các chuyên gia, khủng long khổng lồ ở Ấn Độ có thể đã lợi dụng môi trường núi lửa bằng cách đẻ trứng trong đất ấm. Nhờ đó, bảo vệ trứng cho đến khi nở.
Lợi ích này có thể giải thích tại sao các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch titanosaur giữa những lớp đá núi lửa ở một khu vực ở miền Trung Ấn Độ có tên là Bẫy Deccan. Đây là nơi thường xuyên bị san phẳng bởi núi lửa phun dung nham.