Phát hiện thành phố hoàng gia cổ đại 2 nghìn năm tuổi

GD&TĐ -Các nhà khoa học cho biết, pháo đài 2.000 năm tuổi được xây dựng trên sườn núi ở khu vực ngày nay là Kurdistan có thể là một phần của thành phố hoàng gia đã mất tên Natounia. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Antiquity.

Nằm trên dãy núi Zagros, pháo đài đá Rabana-Merquly bao gồm các công sự dài gần 2,5 dặm (4 km).
Nằm trên dãy núi Zagros, pháo đài đá Rabana-Merquly bao gồm các công sự dài gần 2,5 dặm (4 km).

Nhờ máy bay không người lái, các nhà khảo cổ học đã ghi lại hình ảnh khu vực khai quật, lập danh mục địa điểm từ năm 2009 - 2022. Nằm trên dãy núi Zagros, pháo đài đá Rabana-Merquly bao gồm các công sự dài gần 2,5 dặm (4 km), những bức phù điêu được chạm khắc và một quần thể tôn giáo.

Pháo đài nằm trên biên giới Adiabene - một vương quốc nhỏ được cai trị bởi các vị vua của một triều đại. Theo Michael Brown - nhà nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Tiền sử và Cận Đông thuộc Đại học Heidelberg (Đức), những bức chạm khắc ở lối vào pháo đài mô tả một vị vua của Adiabene. Kết luận này được đưa ra dựa trên trang phục của nhân vật, đặc biệt là chiếc mũ vị vua đội.

Trong khi vẫn là suy đoán, nhà nghiên cứu Brown tin rằng, pháo đài là thành phố hoàng gia có tên Natounia, hoặc Natounissarokerta. Đây là một phần của vương quốc Adiabene. “Natounia chỉ thực sự được biết đến từ những đồng tiền hiếm của nó. Không có bất kỳ tài liệu tham khảo chi tiết nào về lịch sử”, ông Brown chia sẻ.

Các chi tiết được suy ra từ bảy đồng xu mô tả một thành phố có tên của một vị vua là Natounissar và địa điểm trên sông Lower Zab, được biết đến trong thời cổ đại là sông Kapros.

“Vị trí gần sông Lower Zab / Kapros cổ đại. Hình ảnh hoàng gia đều liên kết địa điểm khảo cổ với mô tả mà chúng tôi có thể suy ra từ tiền. Ngoài ra, còn có một số ngôi mộ khác gần đó”, nhà nghiên cứu Brown nói. Theo các nhà nghiên cứu, vị vua trong bức chạm khắc có thể là người sáng lập Natounia, Natounissar hoặc hậu duệ trực tiếp.

Địa danh Natounissarokerta được ghép từ tên hoàng gia Natounissar - người sáng lập triều đại hoàng gia Adiabene, với từ Parthia có nghĩa là pháo đài. “Mô tả này có thể áp dụng cho Rabana-Merquly. Đó là một khu định cư lớn nằm ở giao điểm giữa các vùng cao và thấp.

Có thể Rabana-Merquly đã được sử dụng làm nơi để buôn bán với các bộ lạc, duy trì quan hệ ngoại giao hoặc gây áp lực quân sự”, ông Brown nhận định. Nghiên cứu cho biết, khám phá này bổ sung kiến thức về khảo cổ và lịch sử Parthia, vốn vẫn chưa hoàn thiện rõ rệt.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...