Thành phố cổ đại xuất hiện nhờ… hạn hán

GD&TĐ - Trận hạn hán khắc nghiệt tại Iraq làm thành phố 3.400 tuổi ngủ say dưới một hồ chứa trên sông Tigris ở miền Bắc Iraq lộ diện và các nhà khảo cổ đã đua nhau khai quật di tích trước khi mực nước sông dâng trở lại.

Thành phố thời kỳ đồ đồng cổ đại tại Kemune ở Iraq.
Thành phố thời kỳ đồ đồng cổ đại tại Kemune ở Iraq.

Thành phố thời kỳ đồ đồng này nằm tại một địa điểm khảo cổ có tên là Kemune, là một di tích của Đế chế Mittani - một vương quốc cổ đại cai trị các vùng phía Bắc Lưỡng Hà từ khoảng năm 1.500 trước Công nguyên đến năm 1.350 trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết về tung tích của thành phố nhưng chỉ có thể tìm hiểu chúng trong thời gian hạn hán.

Các nhà khảo cổ đã khai quật một phần Kemune vào năm 2018 và phát hiện ra một cung điện cổ xưa với những bức tường và phòng cao 7 mét được trang trí bằng những bức tranh sơn tường, theo trang Live Science thông tin.

Lần này, các nhà nghiên cứu đã lập được bản đồ của phần lớn thành phố, bao gồm một khu liên hợp công nghiệp và một cơ sở lưu trữ nhiều tầng có khả năng dùng để chứa hàng hóa từ khắp nơi trong khu vực, theo một tuyên bố đưa ra bởi Đại học Tübingen ở Đức.

“Kết quả khai quật cho thấy địa điểm này là một trung tâm quan trọng của Đế chế Mittani”, GS Hasan Qasim, nhà khảo cổ học làm việc tại địa điểm và là Chủ tịch Tổ chức Khảo cổ học Kurdistan, cho biết.

Theo Ivana Puljiz, Giáo sư Khảo cổ học Cận Đông tại Đại học Freiburg - Đức, người cùng thực hiện cuộc khai quật: Kemune là trung tâm đô thị duy nhất được biết đến nằm ngay trên sông Tigris của Đế chế Mittani cho thấy, thành phố kiểm soát những giao lộ tại phần này của tuyến đường thủy và cũng có thể là một điểm kết nối quan trọng của đế chế.

“Một trận động đất có thể đã phá hủy phần lớn thành phố vào khoảng năm 1350 trước Công nguyên, nhưng một số tàn tích của thành phố vẫn được bảo tồn bên dưới những bức tường sụp đổ. Loài người đã làm khu vực này ngập nước trong quá trình xây dựng Đập Mosul vào thập niên 80. Các nhà khảo cổ học tại thời điểm đó đã biết về Kemune, nhưng họ vẫn chưa thực hiện điều tra” GS Puljiz cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã từng phát hiện Kemune vào năm 2010, nhưng họ không thể khai quật cho đến khi mực nước của hồ chứa giảm thấp trong đợt hạn hán lớn vào năm 2018. Hiện tại, các nhà nghiên cứu có cơ hội tốt hơn để phân tích thành phố, vì Iraq cần sử dụng nước của hồ chứa để ngăn chặn mùa màng không bị thất bát trong một đợt hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra.

Các nhà khảo cổ học người Kurd và Đức đã thành lập một nhóm trong vòng vài ngày sau khi quyết định điều tra Kemune và làm việc nhanh chóng tại địa điểm này vào tháng 1 và 2, không dám chắc khi nào nước sẽ quay trở lại. Trong số các tàn tích Mittani, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hơn 100 viên đất sét từ thời Trung Assyria (từ khoảng năm 1365 trước Công nguyên).

Sau khi Đế chế Mittani sụp đổ, người Assyria đã xây dựng một khu định cư mới tại Kemune và các bảng đá của họ có thể chứa các văn tự về sự thay đổi đế chế này.

“Chúng tôi vẫn chưa biết những gì được viết trong các văn bản”, GS Puljiz nói. “Nhưng chúng tôi hy vọng rằng, chúng cung cấp thông tin về sự khởi đầu của sự cai trị của người Assyria trong khu vực”.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.