Phát hiện, sửa chữa sai lầm khi giải bài tập Vật lý “Động học chất điểm”

GD&TĐ - Thầy Kiều Anh Tuấn - Giáo viên trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) - chia sẻ giải pháp phát hiện và sửa chữa sai lầm của học sinh khi giải bài tập Vật lý, phần “Động học chất điểm”.

Phát hiện, sửa chữa sai lầm khi giải bài tập Vật lý “Động học chất điểm”

Cung cấp cho học sinh phương pháp, chú ý điển hình khi giải bài tập

Thực tế cho thấy, học sinh thường mắc phải sai lầm trong quá trình các em tự đi tìm hướng giải một bài tập. Đây là giai đoạn học sinh phát triển óc tưởng tượng, tư duy sáng tạo của của mình. Việc học sinh mắc phải một số sai lầm là không thể tránh khỏi; tuy nhiên, các sai lầm đó không được sửa chữa sẽ tạo ra quan niệm không đúng trong suốt thời gian sau này.

Để giải quyết việc đó, theo thầy Kiều Anh Tuấn, giáo viên cần cung cấp cho học sinh các phương pháp giải bài tập điển hình.

Ví dụ: Bài toán tìm các đại lượng của chuyển động, viết phương trình chuyển động, bài toán xác định tọa độ và thời điểm gặp nhau của hai vật, bài toán liên quan đến đồ thị... Từ đó, học sinh có căn cứ để đối chiếu với cách làm của mình.

Việc cung cấp các kiến thức trên, giáo viên cũng xác định thời điểm thích hợp cho từng đối tựợng học sinh (có mức độ nhận thức khác nhau), sao cho có hiệu quả với từng đối tượng.

Tạo điều kiện để học sinh được bày tỏ quan điểm

Giáo viên với vai trò là người dẫn đường, định hướng đưa học sinh đi đến tri thức mới; chính vì vậy, xây dựng được lòng tin để học sinh mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình, qua đó có định hướng phù hợp.

Thầy Kiều Anh Tuấn cho rằng, giáo viên không nên trách phạt mỗi khi học sinh không trả lời được hoặc trả lời sai. Thay vào đó, người thầy cần biết cách động viên, khích lệ và dành lời khen, chê phù hợp với từng đối tượng.

Dùng những ví dụ phản biện

Giải pháp tiếp theo được thầy Kiều Anh Tuấn đưa ra là dung những ví dụ phản biện để học sinh thấy được sự mâu thuẫn giữa các quan niệm vốn có của các em với các quan niệm khoa học.

Hoạt động này sẽ kích thích tính tò mò của học sinh, từ đó dẫn dắt các em vào vấn đề của bài học. Đây là hoạt động quan trọng và có thể coi như phần khởi động ở mỗi tiết học của thầy và trò.

Ví dụ phản biện, giáo viên có thể mô tả các hiện tượng qua các câu chuyện, đặt câu hỏi hoặc trực tiếp làm thí nghiệm để học sinh quan sát.

Ví dụ như bài “Sự rơi tự do”, giáo viên có thể dùng thí nghiệm để chứng minh cho học sinh quan niệm sai lầm: Vật nặng bao giờ cũng rơi nhanh hơn vật nhẹ.

Tạo điều kiện để học sinh trao đổi thảo luận nhóm

Thầy Kiều Anh Tuấn cho rằng, phương pháp học tập theo nhóm sẽ phát huy tối đa việc phát hiện các quan niệm sai lầm của học sinh khi các em chia sẻ sự hiểu biết, kiến thức và cách giải của mình cho các bạn. Hoạt động này cũng sẽ phát huy khả năng bảo vệ lập trường quan điểm của học sinh trước tập thể.

Ngoài việc phát huy khả năng đoàn kết trong hoạt động, phương pháp này còn giúp học sinh rèn luyện khả năng lãnh đạo, biết cách lắng nghe và tổng hợp các thông tin, ý kiến xung quanh.

Liên hệ tới thực tiễn cuộc sống, vận dụng kiến thức liên môn

Giải pháp cuối cùng, theo thầy Kiều Anh Tuấn, sau mỗi tiết học, giáo viên cần dành thời gian để học sinh liên hệ kiến thức của mình với các hiện tựợng trong cuộc sống.

Điều này giúp học sinh khắc sâu kiến thức và dần khắc phục các quan niệm chưa chính xác mà các em đã có. Ngoài ra, công việc này còn giúp các em có kĩ năng, hình thành thói quen “Học đi đôi với hành”.

Các nội dung liên hệ có thể tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo…, liên hệ với các thành tựu khoa học kĩ thuật trong cuộc sống hoặc cho học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tế và giải bài tập.

Một số lưu ý chung

Trong thực tế dạy học Vật lí, giáo viên thường xuyên phải thực hiện công việc lựa chọn và tìm cách vận dụng bài tập Vật lí sao cho phù hợp với mục tiêu dạy học của mỗi bài, với khả năng tư duy, nhận thức của học sinh.

Nhấn mạnh điều này, thầy Kiều Anh Tuấn lưu ý: Khi đó, việc lựa chọn hệ thống bài tập cần đảm bảo các yêu cầu như: Các bài tập phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp…giúp học sinh nắm được phương pháp điển hình; mỗi bài tập là một mắt xích trong hệ thống bài tập, đóng góp vào việc củng cố, hoàn thiện và mở rộng kiến thức cho học sinh.

Mặt khác, mỗi loại bài tập lại có một phương pháp riêng và không phải học sinh đều có thể giải hoặc đưa ra phương pháp giải cho tất cả các bài tập đó, sẽ có những bài tập trong quá trình giải các em gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, việc giáo viên đưa ra phương pháp giải bài tập và bài tập mẫu hợp lí (mỗi bài tập được chọn lọc sẽ là một bài tập có tính tổng quát, thể hiện nhiều vấn đề học sinh cần chú ý trong quá trình giải) sẽ cung cấp cho học sinh thêm một phương tiện để giải bài tập hiệu quả.

“Giáo viên không chỉ giới thiệu cho học sinh bài tập phù hợp mà còn có một vai trò quan trọng là kiểm tra đánh giá kết quả học tập và phát hiện những quan niệm sai lầm của học sinh. Việc chỉ ra sai lầm cho học sinh càng sớm, càng chi tiết sẽ giúp cho học sinh càng nắm vững bản chất vấn đề từ đó sẽ có sự điều chỉnh phù hợp” – thầy Kiều Anh Tuấn lưu ý thêm.

Những  sai lầm phổ biến của học sinh khi giải bài tập phần “Động học chất điểm” thuộc chương trình vật lí lớp 10 THPT nói trên được thầy Kiều Anh Tuấn trình bày trong sáng kiến kinh nghiệm "Nâng cao chất lƣợng dạy học vật lí ở trƣờng Phổ thông DTNT THPT huyện Điện Biên Đông qua việc phát hiện và xử lí sai lầm của học sinh khi giải bài tập phần động học chất điểm, Vật lí lớp 10"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ