Các bác sĩ mới đây thông báo về trường hợp một bệnh nhân 56 tuổi bị đau tức ngực và khó thở vì một mảnh xi măng đâm vào tim và phổi.
Vậy làm thế nào để một mảnh xi măng sinh học có thể mắc kẹt bên trong trái tim của người đàn ông này?
Trong trường hợp cụ thể này, nó là hậu quả trực tiếp của một thủ thuật mà người đàn ông 56 tuổi này đã trải qua trước đó. Người này đã phẫu thuật cột sống do gãy xương chèn ép đốt sống, một tình trạng gây đau đớn do một phần của đốt sống tự sụp xuống, phổ biến nhất là do loãng xương.
Các bác sĩ đã thực hiện thủ thuật kyphoplasty, một phương pháp điều trị chấn thương cột sống bằng cách tiêm một loại xi măng sinh học vào các đốt sống bị tổn thương để giữ đốt sống không bị xẹp đi.
Kyphoplasty là một thủ thuật tương đối an toàn, chỉ có khoảng 2% trường hợp có biến chứng. Tuy nhiên, một trong những nguy cơ được biết đến là xi măng rò rỉ từ xương và đi vào mạch máu, tạo ra tình trạng tắc mạch đe dọa tính mạng bệnh nhân, và đây chính xác là những gì đã xảy ra với người đàn ông 56 tuổi này.
Mảnh xi măng đã đi vào mạch máu, nơi nó đông đặc lại thành một mũi nhọn dài 4 inch (10 cm) đâm xuyên qua vách ngăn tim và làm thủng phổi phải của ông.
Sau khi bị đau ngực và khó thở trong hai ngày, người đàn ông giấu tên đã đến phòng cấp cứu nơi các cuộc kiểm tra X-Ray và CT cho thấy một dị vật bên trong tim của ông ta theo đúng nghĩa đen.
Người đàn ông này đã được chuẩn bị cho một cuộc phẫu thuật khẩn cấp để loại bỏ mảnh xi măng đã đâm vào tim và phổi của mình. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành khâu lại lỗ thủng ở tim cho ông. May mắn, người đàn ông không gặp biến chứng nào và hoàn toàn hồi phục sau một tháng.
Đây không phải trường hợp bệnh nhân duy nhất gặp sự cố với thủ thuật kyphoplasty. Năm 2016, một người đàn ông 28 tuổi đã bị thuyên tắc tim sau thủ thuật kyphoplasty. Anh cũng bị thủng tâm thất phải vì một mảnh xi măng cứng nhọn đâm vào.
Một trường hợp tương tự cũng được báo cáo vào năm 2013, liên quan đến một cụ ông 74 tuổi.
Thống kê cho thấy rằng nguy cơ xi măng rò rỉ vào hệ thống tĩnh mạch đốt sống không phải là hiếm, xảy ra trong khoảng 26% trường hợp. Nhưng do hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng ảnh hưởng lâm sàng nên họ thường không quan tâm. Tuy nhiên, trường hợp mảnh xi măng cứng đâm xuyên tim hoặc phổi là rất hiếm.