Sử dụng kính viễn vọng Subaru của Đài Quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản, các nhà khoa học Scott S. Sheppard (Viện Khoa học Carnegie), David Tholen (ĐH Hawaii) và Chad Trujilo (ĐH Bắc Arizona) đã phát hiện hành tinh lùn 2018 VG18 này. Phát hiện được khẳng định vào đầu tháng 12 nhờ kính viễn vọng Magellan của Đài Quan sát thiên văn Las Campanas ở Chile. Trong giai đoạn quan sát này có thêm nhà khoa học Will Oldroyd ở ĐH Bắc Arizona.
Hành tinh lùn 2018 VG18 được phát hiện trong khuôn khổ chiến dịch tìm kiếm các thiên thể xa nhất trong Hệ Mặt trời, trong đó có hành tinh X giả định. Vào tháng Mười năm nay, cũng nhóm các nhà khoa học nói trên đã phát hiện thiên thể 2015 TG387, còn được gọi là Goblin, ở cách Mặt trời khoảng 80 đơn vị thiên văn.
Dữ liệu về quỹ đạo Goblin cho thấy sự dịch chuyển của thiên thể này có thể còn bị nhiễu loạn bởi “siêu Trái đất” hay còn gọi là hành tinh X ở rìa Hệ Mặt trời. Các nhà thiên văn học đã nghi ngờ về sự tồn tại của hành tinh X từ năm 2014, khi họ phát hiện đối tượng có ký hiệu 2012 VP113 ở cách Mặt trời 84 đơn vị thiên văn.
Trong quá trình tìm kiếm hành tinh X, việc phân tích quỹ đạo 2015 TG387 và 2012 VP113 là rất quan trọng, bởi vì các nhà khoa học cho rằng, hai thiên thể này không bị ảnh hưởng trọng trường của các hành tinh khí khổng lồ như sao Hải vương hay sao Mộc. Chính vì vậy, chúng có thể thể hiện chính xác những gì diễn ra ở khu vực rìa xa xôi nhất của Hệ Mặt trời. Quỹ đạo 2018 VG18 chưa được biết chính xác đến mức có thể khẳng định nó bị ảnh hưởng bởi tác động của hành tinh X giả định hay không?
“2018 VG18 là thiên thể xa nhất và di chuyển chậm nhất trong Hệ Mặt trời. Việc xác định chính xác quỹ đạo của nó có thể kéo dài ít nhất là vài ba năm” - nhà khoa học Sheppard cho biết. Độ sáng của hành tinh lùn 2018 VG18 giúp các nhà khoa học xác định nó có đường kính khoảng 500 km. Hành tinh lùn này có màu hồng nhạt, chứng tỏ trên bề mặt của nó có thể có rất nhiều băng đá.