Cá nhận biết hình ảnh trong gương
Loài cá dọn vệ sinh sọc lam (Labroides dimidiatus) có khả năng nhận ra hình ảnh của mình trong gương. Đó là kết luận của các nhà khoa học ở Đại học Osaka (Nhật Bản). Các nhà khoa học đã đặt một chiếc gương gần cá dọn vệ sinh sọc lam.
Lúc ban đầu, những con cá phản ứng với hình ảnh trong gương như thể đó là con cá khác cùng loại. Tuy nhiên sau vài ba ngày, hành vi của chúng thay đổi. Thay vì “hoảng sợ” trước hình ảnh phản chiếu, chúng bắt đầu bơi đến gần tấm gương từ các phía. Sau khoảng 10 ngày thí nghiệm, những con cá không còn phản ứng với hình ảnh trong gương nữa.
Núi lửa băng trên hành tinh lùn Ceres
Tàu thăm dò Dawn đã phát hiện nhiều núi lửa băng (cryovolcano), có thể vẫn đang hoạt động trên hành tinh lùn Ceres. Các nhà khoa học ước tính trong lịch sử, bề mặt Ceres bị bao phủ bởi khoảng 10.000 m3 cryomagma – một hỗn hợp của nước và methane. “Ceres là một thế giới tưởng chừng “đã chết”, nhưng các kết quả nghiên cứu cho thấy, thực tế có thể không phải như vậy.
Thực trạng núi lửa trên Ceres làm dấy lên những tranh luận về các quá trình núi lửa băng trên các vệ tinh lớn trong Hệ Mặt trời” – Tiến sĩ Hanna Sizemore ở Viện Khoa học Hành tinh Arizona (Mỹ) cho biết như vậy. Các nhà khoa học chưa biết rõ nguyên nhân hình thành núi lửa băng, tuy nhiên họ phát hiện nhiều đặc điểm chung của núi lửa băng tại nhiều nơi trong Hệ Mặt trời.
Châu Phi dự định phát triển năng lượng hạt nhân
10 quốc gia châu Phi (Algierie, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ghana, Kenya, Uganda, Zambia, Niger, Nigeria và Sudan) có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Châu Phi buộc phải phát triển điện hạt nhân, bởi hàng triệu cư dân châu lục này không được tiếp cận với điện năng.
Các quốc gia châu Phi đầu tư vào mọi nguồn khả dĩ tạo ra dòng điện (nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, thủy điện…). Một trong những giải pháp được xét đến là năng lượng hạt nhân. Đến năm 2050, châu Phi cần xây dựng các nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất lên tới 160 GW. Đến lúc đó, dân số châu Phi cũng tăng lên 2 tỷ người.