Kính viễn vọng không gian Hubble gặp trục trặc

GD&TĐ - Kính viễn vọng không gian Hubble có trục trặc và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA chưa biết chắc có giải quyết được vấn đề này hay không. NASA khẳng định Kính viễn vọng không gian Hubble đã rơi vào trạng thái “ngủ đông” sau khi một trong những con quay hồi chuyển của nó ngừng hoạt động. Hiện tại, chưa rõ cách khắc phục sự cố này.

Kính viễn vọng không gian Hubble gặp trục trặc

Kính viễn vọng Hubble có 6 con quay hồi chuyển. Việc một hoặc hai con quay gặp sự cố lẽ ra cũng không phải là vấn đề lớn, nếu như không có chuyện là từ lâu, chỉ có 3 con quay còn hoạt động. Đây thật sự là số lượng con quay quá ít, không đủ để duy trì ổn định các phép đo và quan sát. Hiện giờ chỉ còn 2 con quay hoạt động và NASA vấp phải bài toán quá hóc búa.

Theo nữ Tiến sĩ Rachel Osten – Phó Giám đốc Chương trình Hubble, NASA có 2 lựa chọn. Cơ quan này có thể thử khởi động một trong những con quay đã ngừng trước đó. Việc này kéo dài vài ba tuần lễ và không đảm bảo thành công chắc chắn. Nếu không thành công, thì NASA sẽ phải từ biệt những kế hoạch quan sát ổn định, dài hạn. Bởi vì sự khác biệt giữa một và hai con quay hồi chuyển, về nguyên tắc là không lớn, nên khi đó có thể dừng một con quay lại để dự phòng cho trường hợp cần kéo dài hoạt động của Kính Hubble với độ ổn định thấp nhất, cho phép thực hiện các nghiên cứu có giá trị nhất.

Kính viễn vọng không gian Hubble hoạt động trên quỹ đạo từ năm 1990. Trong thời gian này, đã có 5 sứ mệnh dịch vụ được thực hiện nhờ các tàu con thoi. Do Chương trình tàu con thoi kết thúc, nên sứ mệnh cuối cùng được thực hiện nhờ tàu con thoi Atlantis là vào năm 2009. Sau thời gian đó, Kính viễn vọng phải “tự xoay xở”. Trong khi đó kế hoạch đưa Kính viễn vọng vũ trụ James Webb lên quỹ đạo bị trì hoãn – sớm nhất là vào tháng 3/2021.

Kính viễn vọng không gian Hubble là một trong số ít vệ tinh nhân tạo gây rắc rối cho NASA. Phải thừa nhận là các vệ tinh đó đều hoạt động quá thời hạn trong kế hoạch và đã hoàn thành xong các nhiệm vụ cơ bản từ lâu. Tuy nhiên, việc tạm dừng chúng không phải là vấn đề NASA không quan tâm. Xe tự hành Opportunity ở trên sao Hỏa đã “im lặng” từ 10/6/2004, khi một cơn bão bụi lớn che ánh sáng Mặt trời, khiến xe tự hành mất khả năng nạp điện Mặt trời. Cho đến nay, mọi thử nghiệm tiếp xúc với xe tự hành sau cơn bão đều không mang lại hiệu quả. Cách đây chưa lâu, “người anh em” của nó là xe tự hành Curiosity cũng phải chuyển hoạt động sang máy tính dự phòng, sau khi máy tính chính gặp trục trặc với bộ nhớ.

Kính viễn vọng không gian Kepler cũng phải kết thúc sứ mệnh của mình sau khi phát hiện hơn 25.000 ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời). Ban Giám đốc Chương trình Kepler khẳng định con tàu còn rất ít nhiên liệu và tạm thời phải cho nó ngừng hoạt động trong một thời gian, để duy trì khả năng quay con tàu về hướng Trái đất và gửi tất cả số dữ liệu cuối cùng về Trái đất. Tàu thăm dò vũ trụ Dawn, quay xung quanh hành tinh lùn Ceres cũng gặp vấn đề với nhiên liệu. Có thể, chẳng bao lâu nữa nó sẽ phải kết thúc công việc.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ