Phát hiện hạch ở nách tự chữa tại nhà, ai ngờ ung thư di căn mà không biết

Không hề đau đớn hay có triệu chứng gì đặc biệt, chị Ánh sờ thấy hạch ở nách nên đi khám, bác sĩ kết luận chị mắc ung thư giai đoạn 3.

Bệnh nhân suy kiệt do khối u to nhanh, vỡ loét, chảy mủ sau gần 2 năm đắp lá.
Bệnh nhân suy kiệt do khối u to nhanh, vỡ loét, chảy mủ sau gần 2 năm đắp lá.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Ánh, 49 tuổi ở Việt Trì, Phú Thọ vốn làm công nhân may mặc suốt 28 năm qua. Sau sinh đẻ, sức khoẻ chị vẫn hoàn toàn bình thường, chưa từng đau ốm.

Năm 2017, tình cờ trong lúc tắm, chị Ánh sờ thấy hạch nổi ở nách nên đến BV đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám. Bác sĩ kết luận chị mắc ung thư vú giai đoạn 3, đã bắt đầu di căn khiến chị hết sức bàng hoàng vì trước đó cơ thể không có triệu chứng gì bất thường.

Khi đó bác sĩ khuyên chị nên phẫu thuật sau đó điều trị hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên, một phần vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, một phần sợ đụng chạm dao kéo sẽ khiến ung thư di căn nhanh hơn lan sang nhiều chỗ khác nên chị Ánh quyết định bỏ bệnh viện, về điều trị tại nhà bằng thuốc nam. 

Nghe thầy lang nói “cái u nó vỡ, chảy mủ ra thì mới khỏi được” khiến bệnh nhân và cả nhà tin theo nhưng sau một thời gian chữa trị, khối u trên vú phải chị Ánh không những không khỏi mà ngày càng sưng to, vỡ loét, chảy mủ

Mới đây, do khối u quá đau đớn, chị Ánh mới quay lại BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám.

ThS.BS Trần Xuân Vĩnh, Trưởng đơn vị Hóa trị và Chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh nhân nhập viện khi ung thư đã tiến triển giai đoạn muộn, toàn thân suy kiệt, thiếu máu, nhiễm trùng, nhiễm độc do khối u vú phải vỡ loét, hoại tử.

Thời điểm vào viện, huyết sắc tố bệnh nhân chỉ còn 3g/dl (người bình thường 12-13g/dl), albumin huyết 22g/l (người bình thường  >35g/l,), bạch cầu tăng rất cao > 50.000G/l.

BS Vĩnh nhấn mạnh, với trường hợp bệnh nhân Ánh, ngay khi được chẩn đoán ung thư giai đoạn 3 cách đây 2 năm, nếu được điều trị ngay thì tỉ lệ khỏi bệnh vẫn rất cao.

Hiện tại, khi ung thư đã di căn nhiều cơ quan, sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân chỉ mới cải thiện được một phần thể trạng, tình trạng hoại tử giảm, tuy nhiên bác sĩ đánh giá khả năng điều trị rất hạn chế.

Theo BS Vĩnh, không riêng trường hợp bệnh nhân Ánh, tại BV cũng tiếp nhận rất nhiều ca tin lời lang băng, bỏ lỡ cơ hội điều trị, khi quay lại bệnh viện đã không còn cơ hội cứu vãn.

Với ung thư vú giai đoạn cuối, di căn lên phổi, gan, xương, thời gian sống tối đa chỉ còn 1,5-3 năm.

Để phát hiện sớm ung thư vú, các bác sĩ khuyến cáo ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường, có hạch ở nách, vú, cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Trong vòng 5 năm qua, tỉ lệ mắc ung thư vú ở Việt Nam lên tục tăng, từ mức 24,4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 đã tăng lên tới 26,2, tương đương 15.000 ca mắc mới, trong đó có hơn 6.000 ca tử vong.

Với số liệu này, tỉ lệ mắc mới ung thư vú của Việt Nam đang xếp 146/185 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát, tỉ lệ tử vong ở mức 10,5/100.000 dân, xếp 150/185.

Đáng lưu ý, độ tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam ngày càng trẻ và trẻ hơn hẳn các nước ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Xu hướng mắc từ 30-34 tuổi nhiều và tăng nhanh, nhiều nhất ở nhóm 55-59 tuổi với tỉ lệ lên tới 135/100.000 phụ nữ.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ