Phát hiện bộ sinh thực khí văn hóa Chăm lớn nhất Việt Nam

Sau hơn một tháng khai quật, các chuyên gia khảo cổ tìm thấy bộ sinh thực khí (Linga- Yoni) bằng đá còn nguyên vẹn ở núi Bút (TP Quảng Ngãi) thuộc văn hóa Chăm lớn nhất Việt Nam.

Phát hiện bộ sinh thực khí văn hóa Chăm lớn nhất Việt Nam

Chiều 5/5, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khẩn cấp tháp núi Bút (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi).

Phat hien bo sinh thuc khi van hoa Cham lon nhat Viet Nam - Anh 1

Bộ sinh thực khí Linga- Yoni vừa được tìm thấy ở khu vực núi Bút. Ảnh: M.Hoàng.

Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam- người chủ trì khai quật tháp núi Bút, cho hay sau hơn một tháng khai quật các chuyên gia đã đăng ký số làm phiếu cho 109 hiện vật di tích tháp núi Bút làm bằng các chất liệu: Đất nung, gốm sứ có men, đá. Ngoài ra, ở điểm khai quật này còn gần 2.000 mảnh vỡ hiện vật.

Vị chuyên gia nhìn nhận, giá trị lớn nhất trong đợt khai quật này là phát hiện bộ Linga-Yoni bằng đá nguyên vẹn dưới hố thiêng sâu hơn 2,5m của tháp núi Bút thuộc loại lớn nhất của văn hóa Chăm ở Việt Nam hiện nay. Linga có đường kính 40cm, cao 43cm. Yoni dài 168cm, rộng hơn 124cm, dày 25,5cm.

Qua so sánh sơ bộ bình đồ cũng như hiện vật với những ngôi tháp trong nước, các chuyên gia khảo cổ nhận định tháp núi Bút thuộc giai đoạn cuối phong cách Chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1(thế kỷ X) sang phong cách Bình Định (thế kỷ XII-XIV), niên đại khoảng cuối thế kỷ XI.

"Đây là bộ sinh thực khí đầu tiên và duy nhất của cả hai phong cách Chuyển tiếp và Bình Định được phát hiện ở tháp núi Bút rất quan trọng cả về khoa học và thực tiễn. Bộ Linga- Yoni này xứng tầm là một bảo vật quốc gia", ông Hiền nhận định.

Phat hien bo sinh thuc khi van hoa Cham lon nhat Viet Nam - Anh 2

Tượng Kinnari mất đầu làm bằng đất nung được tìm thấy ở khu vực tháp núi Bút. Ảnh: Minh Hoàng.

Tại cuộc họp, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho hay Sở đã kiến nghị các cơ quan chức năng đưa di tích tháp Bút vào trong quy hoạch công viên Thiên Bút để có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích, sớm tạo nên điểm du lịch văn hóa tâm linh.

Các chuyên gia khảo cổ cũng đề xuất sớm phục hồi nguyên trạng khoa học bình đồ móng tháp Chăm núi Bút. Cơ quan chức năng có thể xây dựng tại khu vực này ngôi đền để đặt và bảo vệ Linga- Yoni tháp núi Bút cùng một số hiện vật giá trị mới phát hiện để nhân dân và du khách đến chiêm bái.

Thời gian tới, Quảng Ngãi có thể phục dựng lại tháp núi Bút bằng kỹ thuật ánh sáng; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận tháp núi Bút là di tích khảo cổ, nghệ thuật kiến trúc Chăm cấp quốc gia; lập hồ sơ công nhận bộ Linga- Yoni tháp núi Bút là bảo vật quốc gia.

Linga là biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam còn Yoni là biểu tượng của bộ phận sinh dục nữ. Đây là biểu hiện của hai mặt âm dương trong vũ trụ, thể hiện sự sinh sôi sáng tạo và sự sinh tồn của loài người.

Bộ phận sinh thực khí Linga –Yoni thường được thờ trong tháp Chăm, biểu tượng cho thần Siva và sự sinh sôi, phát triển. Di sản văn hóa này phản ánh cả một thế giới văn hóa tín ngưỡng sức đặc sắc của người Chăm xưa.

Phat hien bo sinh thuc khi van hoa Cham lon nhat Viet Nam - Anh 3

Khu vực núi Bút- nơi phát hiện bộ sinh thực khí (Linga và Yoni) thuộc văn hóa Chămpa bằng đá còn nguyên vẹn, có kích cỡ thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Thiên Sơn.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ