Phát hiện báu vật ẩn mình hơn 1.600 năm dưới biển

GD&TĐ - Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy con tàu của Đế chế La Mã chứa nhiều cổ vật còn nguyên vẹn cách mặt nước chỉ 2m, ngoài khơi bãi biển nổi tiếng Mallorca của Tây Ban Nha.

Các thợ lặn đang xác định vị trí con tàu đắm.
Các thợ lặn đang xác định vị trí con tàu đắm.

Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu về lịch sử giao thương cách nay hơn 1.600 năm.

Báu vật ngoài khơi

Vào năm 117 Công nguyên, thời điểm Caesar Trajan qua đời, Đế chế La Mã đã đạt đến đỉnh điểm về mở rộng lãnh thổ, trải dài qua Địa Trung Hải đến Bắc Phi và Tây Á. Để vận chuyển hàng hóa mua, bán từ các thuộc địa xa xôi, người La Mã đã sử dụng tàu thuyền từ rất lâu. Do đó, các vụ đắm tàu ở vùng biển Địa Trung Hải từ thời kỳ này khá phổ biến. Và tàu chở hàng Ses Fontanelles là một trong số đó.

Có niên đại vào thế kỷ thứ 4 Công nguyên, con tàu này đã chở hàng trăm amphorae (vò hai quai) rượu vang, ô liu, dầu ăn và garum (nước mắm lên men). Trong chặng dừng tại Mallorca, trên đường từ Tây Nam Tây Ban Nha đến Ý, tàu thả neo ở vịnh Palma thì bị những đợt sóng hung dữ ập đến, nuốt chửng và chôn vùi dưới đáy biển.

Tàu được phát hiện lần đầu tiên vào mùa hè năm 2019, sau khi một cơn bão làm thay đổi lớp cát xung quanh. Nó có chiều dài khoảng 12m, nằm cách bãi biển Mallorca chừng 50m, dưới mực nước biển hơn 2m.

Bãi biển ngoài khơi Balearics này đón hàng triệu du khách mỗi năm, nhưng đáng ngạc nhiên là hơn 1.600 năm qua, mặc dù nhiều người từng bơi lặn ở đây nhưng không ai biết có một báu vật đang ẩn mình bên dưới.

Trong bài báo đăng trên tờ Guardian, nhà khoa học Jaume Cardell, Trưởng bộ phận khảo cổ tại Consell, đảo Mallorca, cho biết: “Để bảo tồn hiện vật cùng tất cả tài liệu trong con tàu, không thể thực hiện chỉ trong một lần nhanh gọn.

Do đó, dự án Arqueomallornauta ra đời, nhằm khôi phục xác tàu, cũng như hàng hóa có giá trị cao về mặt lịch sử. Không chỉ ở Mallorca, toàn bộ phía Tây Địa Trung Hải, cũng có xác tàu nhưng ít chiếc còn chứa lượng hàng hóa như vậy”.

Một số nhà nghiên cứu từ các trường đại học của Barcelona, Cadiz và quần đảo Balearic đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Consell, một đô thị ở Mallorca về một dự án liên trường đại học kéo dài 3 năm tên là Arqueomallornauta, có hiệu lực đến năm 2023. Tính đột phá của dự án, theo một thông cáo báo chí của Đại học Cadiz, là “phân tích giao thông hàng hải ở Mallorca trong Hậu kỳ cổ đại, qua các phát hiện dưới nước”.

Hậu kỳ cổ đại, hay khoảng thời gian từ năm 284 đến năm 700 Công nguyên, gần như trùng khớp với việc giải quyết cuộc khủng hoảng của Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ 3, sự sụp đổ của nó dưới bàn tay của các bộ lạc dã man và các cuộc chinh phục ban đầu của người Hồi giáo.  

Bảo tồn nguyên vẹn

Những cái vò hai quai gần như nguyên vẹn sau 1.600 dưới đáy biển.
Những cái vò hai quai gần như nguyên vẹn sau 1.600 dưới đáy biển.

Phần đầu tiên của Biên bản ghi nhớ này đã được thực hiện từ tháng 11/2021 - 2/2022, với việc khai quật hàng hóa trên tàu. Những phát hiện được nhóm nghiên cứu mô tả: “Thực sự đặc biệt, vì đã tìm thấy toàn bộ hàng hóa bị chìm vào giữa thế kỷ thứ 4 Công nguyên, trong tình trạng bảo tồn tuyệt vời”.

Phát hiện cũng sẽ làm sáng tỏ điều kiện ở Địa Trung Hải vào thế kỷ thứ 4 và cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của thủy thủ đoàn trên những con tàu như vậy.

Những hiện vật cá nhân trên con tàu đắm ở Mallorca được tìm thấy đáng chú ý là giày da, giày dây bện, nồi nấu ăn, đèn dầu và một chiếc máy khoan của thợ mộc, nhưng không có hài cốt của thuyền viên. Các nhà khảo cổ cho rằng, có thể họ đã ra khỏi tàu, trôi dạt vào bờ biển hoặc bị sóng cuốn đi.

Về tình trạng gần như nguyên vẹn của con tàu, theo các nhà khảo cổ, do cát tạo ra một hàng rào tự nhiên chống lại oxy, giúp bảo quản các vật liệu hữu cơ bên dưới. “Mọi thứ được bảo quản hoàn hảo đến mức chúng tôi còn tìm thấy những mảnh vải dệt, một chiếc giày da và một chiếc giày vải.

Điều đáng ngạc nhiên nhất là con tàu còn trong tình trạng rất tốt, thậm chí thân tàu không bị hư hại nặng. Nó được làm bằng gỗ, giống như mới đóng từ ngày hôm qua”, TS Miguel Ángel Cau, nhà khảo cổ học thuộc Đại học Barcelona cho biết.

Theo TS Darío Bernal - Casasola, thuộc Đại học Cadiz, rất ít tàu cổ được bảo quản tốt như chiếc này. Không có những con tàu La Mã hoàn chỉnh từng được phát hiện ở Tây Ban Nha. Ông cũng lưu ý những chiếc vò hai quai vẫn còn trong tình trạng tốt đến mức các phần còn lại ở bên trong, cấu trúc và các chữ khắc trên chúng đều hoàn toàn nguyên vẹn. Và ông gọi đây là “một cú hat-trick khảo cổ dưới nước chưa từng xảy ra”.

Nhà sử học Enrique García Riaza đến từ Đại học Quần đảo Balearic, nhận định, xác tàu này là bằng chứng về tầm quan trọng của quần đảo Balearic đối với Đế chế La Mã. Đặc biệt nơi đây là trạm dừng giữa Ý và Tây Ban Nha trên Địa Trung Hải. Thời điểm đó, giới tinh hoa của Balearic có những mối quan hệ xã hội và kinh tế sâu rộng với tầng lớp thượng lưu ở những nơi như Cartagena và Tarragona.

Thủy thủ đoàn của con tàu có khả năng là những người ngoại giáo La Mã, bằng chứng là biểu tượng ngoại giáo của nữ thần Mặt trăng Diana trên ngọn đèn dầu được tìm thấy trên xác tàu. Tuy nhiên, một số vò hai quai lại khắc hình những con dấu của Cơ đốc giáo. Có thể thủy thủ đoàn là người ngoại giáo nhưng chủ con tàu chở hàng hóa theo đạo Cơ đốc.

Giai đoạn thứ hai của việc khôi phục thân tàu hiện đang được tiến hành và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ đưa toàn bộ con tàu cùng hàng hóa ra trưng bày trước công chúng.

Theo Ancient- origins

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.