Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam do Viện trưởng - GS.TS Lê Anh Vinh đã chỉ ra những kinh nghiệm quý báu về phát hành và sử dụng sách giáo khoa mà các nước trên thế giới đã thực hiện hiệu quả. Đây là bài học quý báu cho Việt Nam, đặc biệt khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những bộ sách giáo khoa mới.
Bài học về phát hành
Giáo viên không nên tuân thủ một cách cứng nhắc những hoạt động và nội dung, phân bổ thời gian được thể hiện trong sách nếu cảm thấy chưa phù hợp với đặc điểm học sinh trong lớp của mình. Đối với Bộ GD&ĐT, bên cạnh việc tập trung vào xây dựng và phát hành sách giáo khoa, cần chú ý nhiều hơn đến quy trình sử dụng sách, cung cấp các hướng dẫn và tập huấn hỗ trợ, nâng cao năng lực sử dụng sách cho giáo viên. - GS. TS Lê Anh Vinh
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, bài học kinh nghiệm đầu tiên là việc phê duyệt sách và lựa chọn sách đưa vào giảng dạy. Kinh nghiệm chỉ ra là nhà xuất bản nên nộp đề cương và bản thảo mẫu trước khi phát triển bản thảo và bố cục cho toàn bộ bộ sách. Điều này làm giảm rủi ro cho các nhà xuất bản nếu đầu tư vào một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh nhưng có thể không được chấp thuận. Điều này cũng cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm rằng các sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng tốt nhất có thể.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, các bản thảo sách giáo khoa gửi phê duyệt phải được ẩn danh. Hội đồng đánh giá sách giáo khoa nên bao gồm các thành phần: Giáo viên giàu kinh nghiệm về môn học và cấp học, cùng thành viên điều hành Hội đồng. Việc lựa chọn sách giáo khoa cần giao quyền cho người dùng để bảo đảm tính hiệu quả và cạnh tranh, một chiến lược dài hạn để các nước bắt đầu quá trình tự do hóa. Cũng cần có các cơ chế để ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài vào việc lựa chọn.
Trong các chính sách tái sử dụng sách giáo khoa (cho dù là cho mượn hay cho thuê), nhà trường nên có hệ thống sử dụng và bảo tồn tài liệu học tập tốt, tập trung vào các khía cạnh: Lưu trữ; quản lý, lưu trữ hồ sơ và bảo tồn; đào tạo về cách sử dụng và kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Giáo viên cần linh động trong việc sử dụng sách cho phù hợp với học sinh. |
Khai thác và sử dụng
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra phân tích vai trò quan trọng của sách giáo khoa trong việc thực hiện chương trình giáo dục là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các quốc gia, việc sử dụng linh hoạt, phù hợp với bối cảnh của sách giáo khoa trên từng lớp học đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Không nên quá phụ thuộc vào sách mà cần thích ứng cho phù hợp với bối cảnh dạy học, nhu cầu và đặc điểm cụ thể của đối tượng học sinh. Cuốn sách giáo khoa không phải là tài liệu dạy và học duy nhất cho môn học, mà cần có sự kết hợp linh hoạt và bổ trợ các tài liệu dạy học khác (nếu cần thiết). Việc này đòi hỏi năng lực sử dụng sách của đội ngũ giáo viên.
Từ thực tế một số quốc gia có nền giáo dục phát triển, GS Lê Anh Vinh đã phân tích và cho rằng: Để khai thác và sử dụng sách hiệu quả, cần giúp giáo viên hiểu rõ được chương trình giáo dục (Chương trình tổng thể, chương trình bộ môn) cũng như vai trò chức năng của sách giáo khoa. Việc tăng cường năng lực cho giáo viên cần dựa trên cơ sở tập huấn về chương trình, sách giáo khoa và thúc đẩy khả năng tự học, nghiên cứu của giáo viên trong việc hiểu, phát triển bài học phù hợp với điều kiện thực tiễn dạy học và đặc điểm của học sinh.
Tại Việt Nam, theo Luật Giáo dục 2019, sách giáo khoa được quy định là công cụ triển khai, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
“Theo Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu dạy học. Vì thế, giáo viên có thể linh động trong việc sử dụng sách giáo khoa cho phù hợp với người học và điều kiện dạy học của mình”, GS Lê Anh Vinh chỉ rõ.
Việc tái sử dụng sách giáo khoa là cần thiết với bất kể nền giáo dục nào. |
Khuyến nghị
Từ những ghi nhận việc phát hành và sử dụng sách giáo khoa ở một số quốc gia trên thế giới có nền giáo dục phát triển, cũng như tham chiếu các quốc gia có sự tương đồng văn hóa với Việt Nam, GS Lê Anh Vinh và nhóm nghiên cứu cho rằng, các quốc gia dù có chính sách đa dạng trong việc phát triển sách giáo khoa nhưng nhìn chung tất cả đều ưu tiên nguồn lực nhằm bảo đảm chất lượng và khả năng tiếp cận sách của tất cả đối tượng.
Nghiên cứu cũng cho thấy, cùng với việc xuất bản, các quốc gia cũng cần lưu tâm đến cách thức khai thác và sử dụng để bảo đảm phát huy hiệu quả tối đa của nguồn học liệu chủ đạo này.
Qua những phân tích trên, về mặt chủ trương chính sách, có thể thấy rằng những đổi mới về chương trình và sách giáo khoa của chúng ta trong thời gian qua có nhiều điểm tiến bộ và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn, Bộ GD&ĐT vẫn quyết tâm triển khai một chính sách mới có ảnh hưởng trên diện rộng.
Tuy nhiên, để việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới mang lại hiệu quả tốt hơn, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong biên soạn và xuất bản SGK bằng cách khuyến khích nhiều bên có năng lực chuyên môn tham gia viết và nộp bản thảo SGK hơn; thực hiện chế độ ẩn danh trong quy trình thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa.
GS.TS Lê Anh Vinh đặc biệt nhấn mạnh: Việc có một bộ sách được xây dựng bởi Bộ GD&ĐT song song cùng các bộ sách giáo khoa khác trong giai đoạn chuyển dịch từ một bộ sách duy nhất sang một chương trình nhiều SGK là giải pháp được bàn đến ở nhiều nước.
Tuy nhiên về mặt lâu dài lại không phổ biến. Ví dụ như Singapore từng sử dụng bộ SGK do Chính phủ ban hành nhưng đến thời điểm hiện tại, việc biên soạn SGK được tư nhân hoá hoàn toàn. Đó là chưa kể việc ban hành như vậy dễ dẫn đến cạnh tranh không công bằng giữa các bộ sách, làm mất ý nghĩa của việc xoá bỏ độc quyền SGK.
GS.TS Lê Anh Vinh chỉ rõ cơ chế giá và bảo đảm quyền tiếp cận sách giáo khoa cũng như kéo dài tuổi thọ sách giáo khoa rất quan trọng để giảm chi phí hệ thống. Ở các nước có thu nhập thấp, không có lý do nào biện minh cho việc tái bản tất cả sách giáo khoa hàng năm. Các nước này nên xem xét trường hợp tái sử dụng thay vì tái bản. Trong hệ thống sách giáo khoa được cung cấp thương mại, chính phủ vẫn có thể thiết lập các biện pháp kiểm soát giá. Chính phủ nên nghiên cứu hồ sơ tài liệu giảng dạy và học tập được yêu cầu tổng thể cho mỗi lớp và xem xét liệu sách giáo khoa có phải là dạng tài liệu phù hợp nhất trong từng môn học và khối lớp.