Biên soạn, phát hành sách giáo khoa: Minh bạch, vì lợi ích người học

GD&TĐ - Quá trình biên soạn, thẩm định, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa phải trên tinh thần thực sự cầu thị, hoàn toàn minh bạch, vì học sinh, phụ huynh học sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc.

Đây là nội dung Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về công tác xuất bản, phát hành sách giáo khoa, đồ dùng dạy học. Dự buổi làm việc, về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng; và đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.

Tính toán mọi khả năng để có thể giảm giá thành sách giáo khoa

Đổi mới giáo dục - đào tạo luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội; trong đó có các nội dung liên quan đến biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Về vấn đề này, đã có những văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ và được triển khai thực hiện tích cực trong thời gian qua.

Nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 1 và thống nhất tiếp tục trên tinh thần vì đổi mới nền giáo dục, đứng về phía lợi ích của người học và giải đáp đầy đủ, kịp thời những quan tâm của dư luận, đặc biệt của phụ huynh học sinh và đội ngũ giáo viên.

Việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cũng được thực hiện trên tinh thần minh bạch, cầu thị. Tháng 2/2020, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 (gồm 46 cuốn sách giáo khoa, tương ứng với 5 bộ) áp dụng từ năm học 2020 - 2021.

Danh mục sách giáo khoa lớp 2 (gồm 32 sách giáo khoa của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh) và danh mục sách giáo khoa lớp 6 (gồm 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc) áp dụng từ năm học 2021 – 2022 cũng đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt vào tháng 2/2021.

Nhắc lại quy định trong Luật Giáo dục 2019: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo việc đưa các bản mẫu sách giáo khoa lên mạng và lấy ý kiến góp ý của giáo viên cho các bộ sách.

Phó Thủ tướng đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT đôn đốc các tỉnh, thành lựa chọn sách giáo khoa phù hợp, bảo đảm thời gian, để phụ huynh, học sinh yên tâm; giáo viên có thời gian tìm hiểu sâu hơn về bộ sách mới; các nhà xuất bản có căn cứ chuẩn bị công tác in ấn, phát hành tốt nhất.

Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa là hàng hóa thuộc diện kê khai giá. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tìm mọi biện pháp, cách thức để giảm giá thành SGK trên cơ sở bảo đảm về nội dung, hình thức, phục vụ tốt nhất cho việc giảng dạy của giáo viên và học sinh.

Phó Thủ tướng thể hiện đồng tình với ý kiến của Bộ GD&ĐT, cũng như Bộ Tài Chính trong việc cố gắng có được bộ sách chất lượng tốt về nội dung, hình thức, nhưng cân nhắc đến các yếu tố có thể để giảm được giá thành sách. Trong đó có việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin như đã làm trong thời gian qua, nhằm cải tiến công tác phát hành.

Theo đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, có thể nắm được yêu cầu về số lượng sách chính xác đến từng học sinh, từng lớp, từng trường và hoàn toàn có thể thực hiện đổi mới căn bản công tác phát hành sách giáo khoa. Nếu thực hiện tốt sẽ tránh được tình trạng sách giả, vì các nhà xuất bản có thể trực tiếp thông qua các đầu mối phân phối để gửi thẳng đến học sinh. Cùng với đó, kinh phí phát hành cũng giảm đáng kể, kéo theo giảm được giá thành sách.

Vấn đề khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũng được chia sẻ tại cuộc họp. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các khâu liên quan khuyến khích giữ gìn, sử dụng lại sách giáo khoa để tiết kiệm cho xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc.

Không được ép buộc mua sách tham khảo

Bên cạnh vấn đề về sách giáo khoa, sách tham khảo cũng là mối quan tâm lớn của phụ huynh học sinh, dư luận xã hội. Khẳng định nội dung kiến thức sách giáo khoa đã bao hàm đầy đủ yêu cầu cần đạt của chương trình, Bộ GD&ĐT đồng thời cho biết đã tiến hành rà soát tình hình sử dụng sách tham khảo trong trường phổ thông.

Theo Bộ GD&ĐT, sách giáo khoa được sử dụng chính thức để tổ chức dạy và học trong nhà trường. Ngoài ra, các nhà xuất bản còn xuất bản, phát hành sách tham khảo để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng (không bắt buộc).

Để quản lý, sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu giáo dục, bảo đảm hiệu quả, không gây áp lực, quá tải với học sinh, Bộ GD&ĐT đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình dạy học theo chương trình mới, tới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo để có đầy đủ các tiết dạy minh họa; với các chủ đề khó, bài khó, tiếp tục có bài giảng minh họa chuyên sâu. Bộ GD&ĐT cũng đã phát động và sẽ đẩy mạnh việc khuyến khích các giáo viên cùng tham gia có bài giảng hay, tiết giảng hay và chia sẻ trên hệ thống công nghệ thông tin của ngành. Làm tốt việc này là giải pháp hữu hiệu để rút ngắn khoảng cách giảng dạy giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ