"Phát điên" vì được vợ chăm như... em bé

GD&TĐ - Vợ chồng tôi có nhà cửa tươm tất và một cậu con trai kháu khỉnh, ai cũng khen tôi tốt số lấy được người vợ tốt tính, chu toàn, chăm chỉ làm việc nhà nhưng tôi chưa thực sự hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở cơ quan, tôi luôn đĩnh đạc, nghiêm túc và kiệm lời, nhưng hễ về nhà là gắt gỏng, càu nhàu, “mắng vợ như hát hay”. Hễ vợ làm gì không vừa ý, dù chỉ là chuyện cỏn con như nấu bát canh hơi nhạt cũng khiến tôi bực mình: "Đàn bà có chút việc nội trợ cũng không nên thân...". 

Vợ tôi cũng chẳng vừa, cô ấy luôn vặc lại, tôi thì không bao giờ chịu thua, quát ầm lên: "Đã dốt mà còn hay nói". Cứ thế vợ chồng lại khẩu chiến. Đôi khi tôi tự hỏi, không hiểu sao cả tôi và vợ lại tồn tại 2 tính cách đối lập như vậy.

Có lẽ dạo này cô ấy đã chán cãi nhau với tôi nên mới nghĩ ra cách giao tiếp hiện đại hơn: Cập nhật trạng thái trên Faceboook rồi “tag” tôi vào. Hễ thấy mâm cơm hiện lên trên trang của mình kèm lời nhắn: “Chồng yêu, về ăn cơm với vợ yêu nào” là các cô đồng nghiệp phòng tôi che miệng tủm tỉm cười làm tôi bao phen xấu hổ.

Có lần, trên mâm cơm là đĩa chả giò rán vàng ươm xoay tròn như cánh hoa rồi trang trí thêm cà chua, dưa leo cắt tỉa rườm rà kèm “thuyết trình” cách làm của vợ. Tôi chỉ muốn “gỡ tag” cho đỡ xấu hổ, nhưng chưa kịp hành động thì một ông đồng nghiệp đã chạy ra mỉa mai: “Được đấy! Vợ ông khéo thiệt đó, nhưng... mệt quá!”. Đang bực thì bạn bè của vợ tôi cũng nhảy vào comment: “Thật hạnh phúc cho ai được làm chồng bà!”.

Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi với kiểu chăm sóc quá cẩn thận của vợ. Có hôm tôi phải tiếp đối tác, làm ăn trên... bàn nhậu, tôi báo về muộn để vợ không cần chờ đợi hay nhắc nhở nữa nhưng không ngờ cô ấy lại “giở chiêu” ngồi chống đũa bên mâm cơm nguội ngắt, nước mắt giàn giụa.

Không biết từ lúc nào mà từ đầu đến chân tôi đều có bóng dáng vợ chăm sóc: “Hôm nay thứ mấy mặc áo này mới hợp, anh mạng hỏa phải chọn màu này...”. Vợ tôi đang bầu bí đứa thứ 2, ở nhà nghỉ dưỡng nên sự chăm sóc càng thái quá khiến tôi vô cùng xì trét.

Vì quá bức xúc nên tôi đã góp ý thẳng: “Anh nghĩ mình sắp phát điên khi đi công tác được em chuẩn bị sẵn bao nhiêu bộ áo quần, buộc phải đứng yên lắng nghe em dặn dò, bộ nào phải mặc ngày nào, cái gì phối với cái gì mới hợp. Rồi thuốc, rồi khăn, rồi nón, rồi cà vạt này nọ…

Tới bữa cơm, con và anh đều bị em ép uổng, hết món này thức kia đến phát ngán. Rồi đi tắm, đi ngủ, đi chơi, đi làm, em đều… chỉ đạo. Giờ giấc thì em càng nghiêm ngặt, cứ như thể sểnh ra một cái là anh hư ngay không bằng!”. 

Vợ tôi chưa kịp vặc lại thì tôi đã nhanh nhảu “bồi” tiếp:  “Dù nghèo hay giàu, đói hay no, tiền bạc rủng rỉnh hay cháy túi, thì thấy căn phòng gọn gàng, tinh thần vẫn tốt hơn là đã oải còn phải đối diện với bãi chiến trường. Anh đồng ý, nhưng em có biết, anh ngày càng thấy em răn anh như thể… đang dạy dỗ thằng Bem!

Mà anh đương nhiên là khác với con. Chỉn chu quá cũng không phải là điều tốt. Con người chứ không phải máy móc. Tâm trạng của một người đàn ông đi làm, đối mặt với cơm áo gạo tiền, bao nhiêu áp lực, không thể nào cứ phải canh cánh chuyện áo xống, giày vớ và ti tỉ thứ vụn vặt khác được.

Anh càng không hứng thú gì với việc em cứ nhảy xổ vào các vấn đề của anh, thể hiện sự am hiểu và đưa ra lời khuyên trong mọi trường hợp. Riết rồi anh không dám chia sẻ với em vấn đề gì nữa cả. Mà như thế, em lại càng thắc mắc. Cuộc hôn nhân của chúng ta vì thế mà mất vui dần em ạ”.

Đúng như dự đoán, vợ tôi lại giàn giụa nước mắt, nhưng lần này cô ấy chỉ khóc, không nói gì cả. Hôm sau, trên đường đi làm về, tôi đang nghĩ không biết cách nào để làm lành với vợ, thì bất ngờ, cô ấy gọi với giọng phơi phới: “Bố Bem thích ăn món gì tối nay, em đãi!”. 

Tôi không thể hiểu nổi, tại sao hôm qua mới “vời vợi xa cách” như thế, hôm nay cô ấy lại vui vẻ, đáng yêu đến vậy? Vẫn là kiểu quan tâm chồng như mọi khi nhưng giọng điệu vui vẻ, hóm hỉnh của cô ấy lại khiến tôi cảm thấy vô cùng thoải mái và dễ chịu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.