Thành phố Điện Biên Phủ: Đường thành sông, cơ quan công quyền vô can?

GD&TĐ - Giám đốc Ban quản lý dự án thành phố khẳng định, dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng không liên quan đến việc ngập cục bộ những ngày qua. Phòng Quản lý đô thị cho rằng, dự án cải tạo làm hệ thống cửa thu nước “có vấn đề”. Chưa biết ai sai, chỉ thấy cứ mưa là dân khổ…

Nhiều ô tô, xe máy bị ngập nước phải nhờ đến cứu hộ.
Nhiều ô tô, xe máy bị ngập nước phải nhờ đến cứu hộ.

Thoát nước “ngon” lành?

Liên tiếp gần đây, hễ trời mưa lớn là một số tuyến phố chính ở TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên ngập úng cục bộ. Sau cơn mưa lớn vào rạng sáng 6/8, tuyến quốc lộ 279 (đường Võ Nguyên Giáp) đoạn từ ngã ba đường Trường Chinh đến khu vực chợ trung tâm I, có nơi ngập đến 1m.

Mưa kéo dài, mực nước ngày càng dâng cao, tràn lên vỉa hè, vào nhiều nhà dân. Sợ xe cộ qua lại gây sóng nước tràn vào nhà, nhiều hộ dân buộc phải lấy luôn ôtô, xe máy chặn đường khiến giao thông qua lại bị cản trở.

Cũng tại thời điểm đó, đường Trường Chinh có nhiều đoạn ngập sâu trong nước. Khu vực sân vận động tỉnh là điểm ngập nặng, có chỗ ngập sâu 0,5 - 0,8m. Sau mưa, nhiều ôtô, xe máy chết máy, hỏng hóc phải thuê cứu hộ hoặc dắt bộ qua các điểm ngập. 

“Vừa rồi, tôi nghe nói người ta làm dự án nâng cấp, chỉnh trang đô thị tốn kém lắm. Tôi không hiểu họ làm ăn kiểu gì mà cứ mưa lớn là đường ngập như sông. Nước tràn hết cả vào nhà người ta như thế. Có hôm mưa to còn chẳng dám ra đường vì sợ nước ngập, hỏng xe. Mà không đi cũng không được. Ngày trước có bao giờ ngập nặng như bây giờ đâu?”, một giáo viên sinh sống tại phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ nói. 

Ông Vũ Quyết Thắng thừa nhận gần đây mức độ ngập úng nhiều hơn trước.
Ông Vũ Quyết Thắng thừa nhận gần đây mức độ ngập úng nhiều hơn trước.

Ông Nguyễn Viết Sáng - Giám đốc Ban quản lý dự án TP Điện Biên Phủ cho rằng: “Không liên quan” đến việc ngập úng. “Mưa to thì nước ngập ở chỗ khách sạn Công Đoàn hắt xuống, anh biết rồi. Chỗ đó thì dự án của anh không liên quan vì khi làm không động đến một tí gì cả! Không động gì đến thoát nước!”, ông Sáng cho biết.

Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp TP Điện Biên Phủ được phê duyệt ngày 23/5/2016. Sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, dự án trên được nâng tổng mức lên tới 200 tỷ đồng. Nó được đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2015 - 2018 và giai đoạn 2 từ 2018 - 2019. Nội dung thực hiện đầu tư gồm hệ thống vỉa hè, dải phân cách, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng… 

Riêng hệ thống thoát nước mưa được thực hiện trên trục chính đường Võ Nguyên Giáp và 4 điểm đấu nối. Trong đó điểm 1 từ khách sạn Công Đoàn ra ngã tư Lê Trọng Tấn. Điểm 2 đấu nối 2 vị trí cống thu nước ngang đường vào Tỉnh ủy dẫn nước thoát ra cửa xả gần khách sạn Ruby. Điểm 3 đấu nối 2 hệ thống cống thu nước 2 bên đường tại vị trí đường Bế Văn Đàn dẫn nước ra cửa xả gần cầu Mường Thanh. Điểm 4 đấu nối ra Cầu Trắng.

“Một trong những mục tiêu của dự án là cải tạo hệ thống thoát nước. Thứ nhất là anh bổ sung hệ thống 3 cửa xả ra sông Nậm Rốm cực kỳ ngon lành nên không thể nói là do dự án được”, ông Nguyễn Viết Sáng phân trần.

Ngập nặng … vì tại cái nắp rãnh

Nhiều người cho rằng, gần đây TP Điện Biên Phủ hễ mưa lớn là ngập úng cục bộ bởi ba nguyên nhân. Đó là việc “lười” nạo vét hệ thống thoát nước dẫn đến ách tắc dòng chảy. Do việc triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp đã tác động đến hệ thống tiêu thoát nước thành phố. Do ý thức người dân chưa cao, nhiều hộ tự ý bịt kín cửa thu nước để tránh mùi ô nhiễm.

Ông Nguyễn Viết Sáng không ít lần khẳng định dự án mình đã triển khai không gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước ở trục đường Võ Nguyên Giáp: “Anh chỉ sửa lại, thay tấm lắp ga vào thôi! Thực tế có làm gì đến thoát nước đâu(?)”.

Sau trận mưa lớn, một đoạn dài đường Võ Nguyên Giáp biến thành sông.
Sau trận mưa lớn, một đoạn dài đường Võ Nguyên Giáp biến thành sông.

Ông Vũ Quyết Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị, TP Điện Biên Phủ không đồng tình với quan điểm trên khi nói: “Ông nói thế là không được. Cửa thu làm sao lại không liên quan đến hạng mục của dự án được cơ chứ? Ông làm hệ thống thoát nước, ông làm lại toàn bộ cửa thu, tại sao lại không liên quan gì? Trước kia người ta làm cửa đứng, thu nước được như thế. Giờ làm cái tấm ngang, chạy song song với mặt đường, rác nó trôi, nó lấp hết toàn bộ những tấm đấy. Chính vì thế, nó không thu được nước dẫn đến ngập úng”, ông Thắng chia sẻ.

“Nếu mà nói đường mương thoát nước kém thì không phải vì khi ngập, tôi đã yêu cầu Công ty Môi trường bật hết nắp hố ga lên, để cho nước chảy nhanh. Chỉ một lúc sau là nước rút hết. Như thế chứng tỏ hệ thống bên dưới rất tốt. Nghĩa là cái cửa thu với hệ thống thu nước là rất kém vì họ làm tấm chắn ngang bị rác thải bịt lại nên giảm khả năng tiêu thoát nước đấy chứ!”, ông Thắng phân trần.

Khi các nhà quản lý vẫn đang loay hoay đi tìm nguyên nhân cùng biện pháp lâu dài để khắc phục ngập úng thì giải pháp khả thi trước mắt là “điều” người đến mở nắp ga, xả nước khi mưa lớn như ông Thắng đã nói. Còn người dân, nhất là những hộ hai ven đường luôn canh cánh nỗi lo “đường thành sông”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ