Thanh Hóa: Triệt phá đường dây mua bán hóa đơn GTGT nghìn tỷ đồng

GD&TĐ - Một đường dây mua bán hóa đơn khống tại Thanh Hóa lôi kéo hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều địa phương tham gia, gây thiệt hại tiền thuế của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Một số bị can và tang vật vụ án.
Một số bị can và tang vật vụ án.

Đường dây mua bán hóa đơn GTGT “khủng”

Công an TP Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam hàng chục nghi phạm trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó, có nhiều người là giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, ngày 30/5 vừa qua, Đội Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về kinh tế, tham nhũng và chức vụ Công an TP Thanh Hóa đã bắt giữ 8 nghi phạm, gồm: Hoàng Thị Hạnh (54 tuổi); Hoàng Thị Ánh (50 tuổi); Trần Đình Hiếu (31 tuổi); Phạm Thị Yến (45 tuổi), Hoàng Thị Von (31 tuổi), ở phường Quảng Hưng; Lê Thị Phương (36 tuổi) ở phường Đông Hải; Dương Thị Diệu Hà (40 tuổi) đều ở TP Thanh Hóa và Lê Huy Sơn (55 tuổi) ở xã Thiệu Châu, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa).

Các nghi phạm trên đã thành lập hàng chục công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn GTGT rất lớn. Từ việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT, nhóm nghi phạm đã thu lời bất chính trên 200 tỷ đồng.

Khám xét nơi ở của các nghi phạm, Công an TP Thanh Hóa đã thu giữ: 10 thùng hóa đơn, chứng từ, 8 máy tính, 8 điện thoại di động, 17 con dấu của hơn chục công ty “ma”.

Ngoài ra, lực lượng công an cũng thu giữ 550 triệu đồng tiền mặt và nhiều tang vật có liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Ngay sau đó, Công an TP đã thực hiện lệnh phong tỏa 8 tài khoản tại một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh này.

Đến thời điểm này, Công an TP Thanh Hóa đã bắt giữ thêm 19 nghi phạm khác trong đường dây mua bán hóa đơn “khủng” này. Tổng số bị can bị khởi tố, điều tra, bắt giữ là 27 người.

Theo hồ sơ ban đầu của vụ án, Hoàng Thị Hạnh là người không có công ăn việc làm. Tuy nhiên, thời gian gần đây có biểu hiện rất nhiều tiền và tài sản giá trị. Đặc biệt, Hoàng Thị Hạnh và một số nghi phạm khác lập khá nhiều công ty. Nhưng, các công ty này không hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi doanh thu hàng năm lại rất lớn.

Nghi vấn về Hoàng Thị Hạnh đã câu kết với một số người khác thành lập nhiều công ty “ma” để mua bán hóa đơn thuế GTGT, thu lời bất chính được đặt ra. Do đó, Công an TP Thanh Hóa đã vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ.

Trong quá trình điều tra hoạt động của các công ty do Hoàng Thị Hạnh lập ra, Công an TP Thanh Hóa xác định: Những công ty này từ khi thành lập (tháng 8/2020) đều không hoạt động kinh doanh thực tế.

Các công ty không có nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động liên quan đến kinh doanh... Trong khi đó, các nghi phạm vừa giữ chức giám đốc, vừa là kế toán. Sau đó, họ bán hóa đơn cho doanh nghiệp cần mua để báo cáo thuế, xuất hóa đơn GTGT không có hàng hóa kèm theo, với mức dao động từ 2 - 8% giá trị hàng hóa ghi trong hóa đơn.

Theo thống kê ban đầu của vụ án, 14 công ty “ma” trong đường dây mua bán hóa đơn thuế GTTGT nêu trên đã phát hành hơn 15.000 số hóa đơn cho khoảng 1.000 doanh nghiệp trong cả nước, với tổng số tiền giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng.  

Gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước

Đại tá Khương Duy Oanh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa (bìa trái) đang kiểm tra số hóa đơn khống của vụ án. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp
Đại tá Khương Duy Oanh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa (bìa trái) đang kiểm tra số hóa đơn khống của vụ án. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp

Đại tá Khương Duy Oanh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Vụ án mua bán trái phép hóa đơn GTGT nêu trên được cho là lớn nhất từ trước đến nay ở Thanh Hóa. Bởi, số tiền thuế của Nhà nước bị thất thoát từ vụ án này gây ra lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Quá trình điều tra cho thấy, nguyên nhân của vụ việc này là do nhu cầu về hóa đơn của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chọn cách mua hóa đơn để hạch toán cân đối giữa thuế đầu vào và thuế đầu ra, hạn chế số thuế GTGT phải nộp, hợp thức hóa quá trình sản xuất kinh doanh có gian lận. Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thi công xây lắp công trình, vận tải...

Ngoài ra, nhiều nghi phạm lợi dụng sự thông thoáng của một số luật, để đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT, trốn thuế. Đồng thời, họ lợi dụng việc cấp giấy phép kinh doanh đơn giản để thành lập doanh nghiệp.

Trong khi đó, cán bộ của cơ quan chức năng không thẩm định hoặc thẩm định không kỹ càng, mà đã cho thành lập doanh nghiệp. Công tác kê khai, quản lý thuế, quản lý sử dụng hóa đơn, kiểm tra doanh nghiệp, giao dịch tại ngân hàng... còn một số điểm thiếu chặt chẽ. Chế tài xử lý hình sự đối với tội phạm mua bán hóa đơn còn thấp, chưa đủ tính răn đe.

Cũng theo Đại tá Khương Duy Oanh, thủ đoạn của các nghi phạm mua bán trái phép hóa đơn khá tinh vi, như: Mượn giấy tờ tùy thân, hợp đồng thuê nhà… của người thân, bạn bè, chủ cho thuê nhà để thành lập, đứng tên giám đốc, kế toán và đăng ký thành lập doanh nghiệp. Khi đăng ký được rồi, nghi phạm tự ký tên giám đốc, kế toán và đăng ký chữ ký với cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các nghi phạm tìm cách mua lại công ty phá sản, doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động nhưng có mã số thuế tồn tại trên hệ thống từ 3 năm trở lên. Sau đó, tự làm thủ tục mua bán lại công ty, sang tên để hoạt động trở lại, nhưng thực tế là mua bán hóa đơn...

Bên cạnh đó, các nghi phạm còn tạo chứng từ thanh toán không sử dụng tiền mặt. Mạo danh chủ doanh nghiệp lập, ký hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng để chuyển khoản.

Tạo chứng từ thanh toán cho số hóa đơn mua, bán trái phép có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên. Hợp lý hóa hồ sơ, chứng từ như: Hợp đồng kinh tế, ủy nhiệm chi, chứng từ ngân hàng gần như là đầy đủ không phát hiện được hành vi mua bán hóa đơn.

“Họ tìm mọi lý do để che giấu dấu vết tại ngân hàng, thuê người khác rút tiền, chuyển tiền tại ngân hàng. Thậm chí, thường xuyên thay đổi số điện thoại hoặc liên lạc qua mạng xã hội... nên rất khó phát hiện.

Đơn cử như, Hoàng Thị Hạnh trước đây là một doanh nghiệp. Do làm ăn thua lỗ, Hạnh tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, từ tháng 8/2020 đến nay, Hoàng Thị Hạnh đã cùng nhóm nghi phạm thành lập hàng loạt công ty.

Sau đó, phát hành và bán gần 5.000 chứng từ, hóa đơn cho nhiều doanh nghiệp. Tổng lượng hàng hóa ghi khống trên hóa đơn là hơn 1.000 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 200 tỷ đồng”, Đại tá Oanh thông tin.

Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ