Thanh Hóa: Bắt nhóm mua bán hoá đơn GTGT thu lời bất chính trên 200 tỷ đồng

GD&TĐ - Một nhóm người ở Thanh Hóa đã câu kết với nhau lập ra nhiều công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), thu lời bất chính hơn 200 tỷ đồng.

Nhóm nghi phạm lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn GTGT và tang vật vụ án. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp.
Nhóm nghi phạm lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn GTGT và tang vật vụ án. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp.

Ngày 31/5, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP Thanh Hoá vừa triệt xóa đường dây mua bán trái phép hoá đơn thuế GTGT, thu lời bất chính trên 200 tỷ đồng..

Theo đó, Công can TP Thanh Hóa đã bắt giữ 8 nghi phạm trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT. 4 đối tượng gồm: Hoàng Thị Hạnh (54 tuổi), Hoàng Thị Ánh (50 tuổi),Trần Đình Hiếu (31 tuổi), Phạm Thị Yến (45 tuổi) đều ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa; Hoàng Thị Von (31 tuổi), ở phường Quảng Hưng; Lê Thị Phương (36 tuổi), ở phường Đông Hải; Dương Thị Diệu Hà (40 tuổi), ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa và Lê Huy Sơn (55 tuổi), ở xã Thiệu Châu, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa).

Khám xét nơi ở của các nghi phạm, Công an TP Thanh Hóa đã thu giữ 10 thùng hóa đơn, chứng từ, 8 máy tính, 8 điện thoại di động, 17 con dấu của hơn 10 công ty "ma" và 550 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tang vật có liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT.

Hoàng Thị Hạnh. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp.
Hoàng Thị Hạnh. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp.

Lực lượng Công an TP Thanh Hóa cũng tiến hành phong tỏa 8 tài khoản của những nghi phạm tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh do có liên quan đến vụ án.

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Công an TP Thanh Hóa phát hiện nhiều nghi phạm do Hoàng Thị Hạnh cầm đầu đã có hành vi lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thuế, để thành lập các công ty "ma".

Sau đó, lợi dụng vào danh nghĩa những công ty “ma” này, để mua bán hóa đơn trái phép với các doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa việc kê khai thu thuế của Nhà nước.

Cũng theo cơ quan công an, Hoàng Thị Hạnh là người không có công ăn việc làm nhưng có nhiều biểu hiện bất minh về kinh tế và Hạnh có rất nhiều tài sản giá trị lớn.

Đặc biệt, Hoàng Thị Hạnh đã cùng một số người khác lập rất nhiều công ty. Tuy nhiên, những công ty này lại không hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng có doanh thu hàng năm lại rất lớn.

Xét thấy có nhiều biểu hiện nghi vấn về việc Hoàng Thị Hạnh đã câu kết với một số người khác thành lập nhiều công ty "ma", để mua bán hoá đơn thuế GTGT, thu lời bất chính, Công an TP Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ.  

Quá trình điều tra hoạt động của các công ty nêu trên, Công an TP Thanh Hóa xác định các công ty này từ khi thành lập (tháng 8/2020) không có hoạt động kinh doanh thực tế.

Các công ty không có nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động phục vụ cho việc kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều giám đốc công ty lại kiêm kế toán.

Sau đó, các công ty này bán hóa đơn cho những doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn để kê khai báo cáo thuế. Xuất hóa đơn GTGT không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo với giá giao động từ 2-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn.

Nhóm nghi phạm tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp.
Nhóm nghi phạm tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp.

Điển hình, từ tháng 8/2020 đến nay, Hoàng Thị Hạnh đã cùng nhóm người nêu trên thành lập các công ty, như: Công ty TNHH thương mại vận tải 56 có địa chỉ ở xã Đông Anh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Công ty TNHH DVTM tổng hợp Phong Thủy có địa chỉ ở phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa. Công ty TNHH MTV Anh Khánh có địa chỉ ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa Thanh Hóa...

Các công ty này đã phát hành và bán gần 5.000 chứng từ, hóa đơn cho nhiều doanh nghiệp. Tổng lượng hàng hóa ghi trên hóa đơn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 200 tỷ đồng.

Hàng tháng, hàng quý nhóm của Hoàng Thị Hạnh vẫn làm báo cáo tài chính, báo cáo thuế, đầy đủ các giấy tờ, như: Hợp đồng kinh tế, hợp đồng nguyên tắc, phiếu thu - chi để tránh cơ quan thuế kiểm tra, nhưng thực chất toàn giấy tờ khống.

Nhóm của Hoàng Thị Hạnh không đến ngân hàng thực hiện giao dịch trực tiếp, mà ủy quyền cho kế toán hoặc người khác, ký mạo danh chữ ký giám đốc...

Hiện, vụ việc đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ